Cuộc sống đại đa số người dân Việt Nam ngày càng kiệt quệ về kinh tế.

Tôi nhấn mạnh rằng đây là ngày càng kiệt quệ, vì nó đã vượt quá cái gọi là khó khăn rồi.

Tôi chẳng hiểu các số liệu đầy lạc quan của cơ quan thống kê lấy dữ liệu như thế nào mà khẳng định kinh tế Việt Nam theo cái cách như là “ngày hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay”, mà tôi chỉ thấy sờ sờ ra trước mắt là cuộc sống đại đa số người Việt ngày càng đi xuống.

Tại quán cafe MiMoSa tôi mở các khóa chia sẻ về tư duy thịnh vượng, con đường thoát nghèo làm giàu …, trong đó có phần nói về tiết kiệm & tính kỷ luật trong tiết kiệm. Bạn biết sao không, rất nhiều người trẻ tuổi có, lớn tuổi có nói với tôi rằng vấn đề ở đây là nguồn tổng thu nhập không đủ tran trải chi phí cần thiết trong cuộc sống thì lấy gì để tiết kiệm.

Ví dụ 2 vợ chồng làm công nhân viên chức nhà nước tháng được 10 triệu, phải lo cho 2 đứa con tháng đã hơn 4 triệu, tiền nhà ở đã hơn 2 triệu, chuyện cho đi như cưới hỏi, quan hệ đã hơn 1 triệu, còn khoảng 3 triệu thì chưa đủ cuộc sống cơ bản của vợ chồng.

Đó là hình ảnh những con người mà theo tôi họ đã có tư duy tích cực, có việc làm ổn định, họ cầu thị ham học hỏi để thay đổi cuộc sống, mà còn khó như thế cho nên tôi gọi đại đa số người Việt ngày càng “kiệt quệ” nào có quá!

Thế là chỉ có lời khuyên là hãy kiếm cái gì đó làm thêm để tăng thu nhập, để thu vượt qua chi, để bắt đầu tích lũy thì mới có cơ hội thoát nghèo, làm giàu.

Nhưng khó khăn cũng bắt đầu từ đó, đó là giải quyết bài toán “thi quốc gia” như sau:

Đề bài:  Tìm việc làm thêm để tăng nguồn thu nhập mà không ảnh hưởng đến công việc hiện tại? với những điều kiện sau:

- Trong xã hội này số lượng việc làm < lực lượng lao động. Thực tế là tỉ lệ thất nghiệp tại Việt Nam cao đến mức kỷ lục.

- Đại đa số lực lượng lao động chưa được đào tạo tốt để đáp ứng nhu cầu công việc, khả năng tự tái đào tạo thấp. Thực tế là doanh nghiệp phải đào tạo lại cho nhân viên, người lao động thì ít khả năng tự học hay tham gia các chương trình đào tạo nâng cao, tính chia sẻ nghề nghiệp trong cộng đồng còn thấp mà thường “mạnh ai người đó làm” hay “tính gia truyền – bí mật nghề nghiệp” … Các trường đào tạo chỉ tập trung cho việc chiêu sinh mà hiếm khi quan tâm đến chất lượng đầu ra.

- Kiếm được một đồng thu nhập thì ngay lập tức bị “đánh thuế” như thuế thu nhập cá nhân, đôi khi kể cả những khoản chung chi theo cái “lệ làng”.

Bạn có thể giúp tôi tìm ra lời giải của đề toán “thi quốc gia” như trên!?


Cao Trung Hiếu

1 Nhận xét
  1. Báo động thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bao-dong-thac-si-cu-nhan-that-nghiep-20140405210350642.htm

    Trả lờiXóa