Xã hội khi mà tính trung thực không còn được xem trọng, không được sử dụng rộng rãi thì như cái máy tính mà hệ điều hành bị lỗi vậy.
Hệ điều hành bị lỗi thì dù cho chiếc máy tính dùng chip intel thế hệ mới nhất, ram 8Gh thì vận hành vẫn không ổn, thường xuyên bị lỗi. Xã hội cũng thế, cuộc sống con người sẽ xuống cấp trầm trọng khi cái điều cơ bản nhất là tính trung thực kia bị xem “thời nay hiếm”.
Còn đau xót hơn khi nghe những câu thế này được phát ra “thời nay chỉ có kẻ ngu mới trung thực” hay “dành cái lợi cho bản thân trước, còn trung thực tính sau”.
Vì sao xảy ra hiện tượng trên?
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi đưa ra đây một số điều để lý giải hiện tượng trên:
1. Từ môi trường trong gia đình, đứa trẻ hàng ngày quan sát và nghe những câu chuyện không trung thực từ chính những người lớn trong gia đình, nên bắt đầu học theo. Nhận thức của bộ phận người lớn về trung thực nhiều điểm bị lệch lạc, đôi khi con cái sai trong đức tính trung thực mà không phát hiện, hoặc bỏ qua mà không điều chỉnh hành vi đó.
2. Từ môi trường nhà trường với sức ép thi cử, nặng nề học thuật … đã “ép” nhiều em học sinh gian dối như quay cóp, gian lận trong thi cử. Khốn nỗi, có luôn quan niệm “không xem tài liệu thì đâu được gọi là học sinh, sinh viên”, là những điều sai trái nhưng diễn ra hàng ngày hàng ngày, dần trở nên phổ biến và nó hóa thân thành điều bình thường, điều tất yếu trong cuộc sống.
3. Từ ảnh hưởng của xã hội, từ những hiện tượng của cuộc sống. Niềm tin vào những giá trị nhân văn dần bị xói mòn, xói mòn. Người dân mất niềm tin vào cơ quan quản lý. Nào là vấn đề y tế (từ y đức, đến thực thi y tế gây hoang mang người dân như lừa dối người bệnh, người dân, thầy thuốc trở thành kẻ tiếp tay cho tử thần khi tiêm nhầm thuốc …), vấn đề về giáo dục (cải cách giáo dục cứ mãi loay hoay nên kết quả vẫn mãi loay hoay, khi nền giáo dục Việt Nam được xem là lạc hậu), về an toàn thực phẩm, hàng giả hàng nhái (chủ đề được nói hoài nói mãi nhưng chẳng giải quyết được bao nhiêu)… Nhà bị dột từ nóc, thì phải sửa chữa cái nóc nhà ấy trước. Tình trạng tham nhũng vẫn chưa có chiều hướng giảm, tinh thần dân tộc lung lay, những dự án lớn nhỏ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia chỉ bị phanh phui khi báo chí vào cuộc… Lừa dối lẫn nhau để mà sống, nói một đằng làm một nẻo là thực trạng đau đớn hiện nay.
4. Từ thực trạng cuộc sống khó khăn của đại đa số người dân, việc làm, thu nhập. Xã hội dần mất định hướng, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm cho việc định hướng phát triển nghề nghiệp cho xã hội cho nên có hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Bỏ thời gian, công sức học tập nhưng chẳng biết tương lai sẽ đi về đâu, tất cả trách nhiệm dồn lên cho người dân. Khó kiếm sống quá, chỉ có một cái bánh nhỏ cho tất cả nên phải bon chen, phải khôn lõi, phải đạp lên nhau mà sống. Như thế thì lấy đâu ra tính trung thực, giành giật cho cuộc sống cơm áo gạo tiền hay chết đói với tính trung thực, có lẽ đã rõ.
Để thay đổi hiện tượng “tính trung thực – thời nay hiếm” tôi trích đăng lại “Phong trào Duy Tân” của nhà yêu nước Phan Chu Trinh cách đây hơn 100 năm trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, từ đó bạn đọc ngẫm cho bản thân phương pháp cho phù hợp cho cuộc sống hiện tại.
Để thay đổi hiện tượng “tính trung thực – thời nay hiếm” tôi trích đăng lại “Phong trào Duy Tân” của nhà yêu nước Phan Chu Trinh cách đây hơn 100 năm trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, từ đó bạn đọc ngẫm cho bản thân phương pháp cho phù hợp cho cuộc sống hiện tại.
Trong số các sỹ phu đương thời và cả sau này, Phan Châu Trinh là người thấy rõ nhất những nhược điểm trong nền văn minh và trong con người Việt Nam. Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ là con người cùng những yếu tố khác như văn hóa, ý thức hệ, phong tục tập quán... Bên cạnh đó ông cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mưu cầu độc lập chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập. Chỉ như vậy mới bảo đảm Việt Nam sẽ có một nền độc lập chân chính, lâu bền về chính trị lẫn kinh tế trong quan hệ với ngoại bang cũng như nhân dân sẽ được hưởng độc lập và tự do cá nhân trong quan hệ với nhà nước.
Sau đó, với phương châm "tự lực khai hóa" và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc duy tân. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, giáo dục ý thức công dân - tinh thần tự do, xây dựng cá nhân độc lập - tự chủ - có trách nhiệm với bản thân và xã hội, thay đổi tận gốc rễ nền văn hóa - tâm lý - tính cách - tư duy - tập quán của người Việt, phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền - dân quyền - nhân quyền - dân chủ - tự do - bình đẳng - bác ái, cải cách trên mọi lãnh vực, khuyến khích giáo dục bỏ lối học từ chương, phát động phong trào học Quốc ngữ, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, kêu gọi cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay,...
TP Bà Rịa, 10/12/2014
Cao Trung Hiếu