(Dân Trí) Lẽ thường, mọi thứ “nhất” là điều ai cũng mong ước phấn đấu để đạt được, nhưng ở nước ta có những cái “nhất” mà một số tổ chức quốc tế phong tặng cho người Việt chúng ta khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đó là việc uống rượu bia nhiều nhất, nhất là dịp tết.
Minh họa Ngọc Diệp |
Đúng là điều không thể buồn hơn khi người Việt Nam chúng ta luôn tự hào vì nằm trong “top” đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới với khoảng 6,61 triệu tấn gạo/năm, trị giá 2,95 tỉ USD thì cả nước lại “nướng” vào bia đúng con số 3 tỉ USD trong năm 2013. Và không dừng ở lại ở đó, bởi theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 4,5 tỉ lít bia. Thậm chí, các nhà đầu tư vào bia đang kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 60 đến 70 lít bia/người/năm.
Như vậy, chỉ sau một thập niên, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt tăng gần 200%. Trước thực tế đáng buồn này, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản ở Thành phố Hồ Chí Minh phải thốt lên rằng. “Cày cuốc cả năm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì hàng triệu nhà nông Việt cũng chỉ mang về bằng số tiền chúng ta đang “nốc” bia hằng năm”.
Hệ lụy từ rượu bia mang lại là những con số “giật mình”. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy: 60% số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Hay cũng theo thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế: có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại.
Đó là chưa kể đến việc người say rượu dẫn đến những hành động gây rối trật tự công cộng, làm tổn thương các mối quan hệ trong gia đình, sống bê tha, nhân cách suy đồi… gây ra những vụ án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ… ngày càng trở nên phổ biến…
Có thế nói tác hại của rượu bia đến xã hội đã quá rõ ràng, vì thế đã đến lúc chúng ta cần phải cương quyết ngăn chặn và tiến tới loại bỏ nạn rượu bia ra cuộc sống. Tất nhiên để làm được điều này đúng là không dễ, mà cần sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, nhất là đối với các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị.
Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 244 về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đến năm 2020. Chính sách này được xây dựng từ các quan điểm: Nhà nước không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia; mọi người có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng bởi tác hại của lạm dụng rượu, bia; việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia được kiểm soát toàn diện, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Đó là những giải pháp hết sức cần thiết để tập trung vào việc kiểm soát nhu cầu sử dụng; kiểm soát việc cung cấp; giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia; hoàn thiện pháp luật, cơ chế phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia; hình thành và duy trì hệ thống thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu cần thiết để xây dựng các chính sách can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Chính vì thế mong rằng các cấp chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng dưới những hình thức phù hợp để các tầng lớp nhân dân nhận rõ tác hại của việc lạm dụng rượu, bia để hình hành nếp sống văn minh trong đời sống xã hội. Đặc biệt là với mỗi người hãy thực hiện nghiêm túc Quy định cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, và nhất là phải nhận thức rằng: hạn chế sử dụng bia, rượu cũng vừa là để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân, cho gia đình và sự an toàn cho xã hội.
Vậy nên hãy thay vì những cuộc liên hoan, nhậu nhẹt dịp tổng kết liên hoan cuối năm và tết âm lịch sắp đến, với những lời chúc tụng: “100 phần trăm”, “50 phần trăm”, rồi “một hai ba zô”… bằng việc nói không với rượu, bia, hay chí ít là cũng biết giới hạn để trả lại cái “nhất” bấy lâu bị ám ảnh bởi những nỗi buồn!
Minh Tư
Báo Dân Trí