Trung Quốc công khai mục đích quân sự ở đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Trung Quốc hôm nay (09/04/2015) công bố kế hoạch sử dụng những đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng trái phép trên Biển Đông, ngang nhiên cho rằng chúng sẽ được sử dụng để "phòng vệ quân sự và cung cấp dịch vụ dân sự có lợi cho các nước xung quanh".
Bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: fmprc.gov.cn. |
"Chúng tôi đang xây dựng nơi trú ẩn, hỗ trợ điều hướng, tìm kiếm và cứu hộ, dịch vụ dự báo khí tượng hàng hải, dịch vụ nghề cá cùng thủ tục hành chính cần thiết cho Trung Quốc, các nước láng giềng cũng như chính các tàu" đang hoạt động trên Biển Đông, bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, các đảo và bãi đá còn "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự" của Trung Quốc.
Đây được xem là lần hiếm hoi giới chức Trung Quốc công bố chi tiết kế hoạch cho những đảo nhân tạo nước này đang xây dựng trái phép ở Biển Đông. Hoạt động cải tạo đất nhanh chóng của Bắc Kinh tại 7 bãi đá trên Biển Đông đã khiến nhiều nước láng giềng lên án gay gắt. Động thái của Trung Quốc cũng vấp phải chỉ trích từ phía Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, người đang có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bà Hoa còn ngang nhiên nói quá trình xây dựng hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc, và "không ảnh hưởng và không nhằm chống lại bất kỳ nước nào".
Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Mỹ mới đây công bố ảnh chụp hôm 16/3 cho thấy Bắc Kinh đang đẩy nhanh việc cải tạo đất ở Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hoạt động bồi đắp mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của nhiều nước. Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn vào năm 1995.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm.
Việt Nam nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) đã được Trung Quốc ký kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.
Như Tâm
Hình ảnh được chụp ngày 16/3 ở Đá Vành Khăn cho thấy hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc. Ảnh: CSIS |