TỪ TRUNG CẤP ĐO ĐẠC ĐẾN PGS THUỶ LỢI

TỪ TRUNG CẤP ĐO ĐẠC ĐẾN PGS THUỶ LỢI.


Tôi chưa đọc quyển sách “Từ cậu bé chăn trâu đến ông tổng giám đốc ngân hàng đỉnh cao của Việt Nam” mô tả sự ly kỳ của kỳ tích thành công đó như thế nào. Nhưng tôi biết và tôi lo lắng sẽ có quyển sách “Từ trung cấp đo đạc đến PGS Thủy Lợi” sẽ còn ly kỳ hơn bội phần. Và tôi xin viết tóm lược như sau:

Tôi biết Anh sau năm 1975 là một trung cấp đo đạc tại Sở Xây dựng Tp HCM. Anh học tại chức thành kỹ sư xây dựng và chưa ai nói Anh có chuyên môn trên trung bình. Rồi Anh về làm tại công ty địa ốc đầu tiên của Tp HCM, tôi cùng làm việc với Anh khoảng một năm, tôi nhận xét lịch sự rằng Anh năng lực dưới trung bình. Thời gian sau khoảng 1995 thì nghe tin Anh thành tiến sĩ nền móng với đề tài đại khái là “Móng công trình 5 tầng trên nền đất yếu”. Trời ạ! Kỹ sư làm nhà 5 tầng trên nền đất yếu đã lâu lắm rồi, lúc đó đã có chung cư Ngô Tất Tố – Phạm Viết Chánh – Miếu Nổi trên 15 tầng do kỹ sư thiết kế. Tôi không biết rõ trong luận án Tiến sĩ của Anh có tài liệu móng chung cư 5 tầng tại Phường 5 – Gò Vấp với 2 giải pháp móng cừ tràm và móng cọc mà tôi đã cung cấp cho Anh hay không?

Rồi Anh làm giám đốc công ty nhà đất cấp Quận, mà với bằng tiến sĩ, làm giám đốc công ty này là “Dao mổ trâu lại đi cắt cổ gà” quá lãng phí tài năng. Công ty anh chưa có một chung cư cao tầng nào mà chỉ toàn phân lô bán nền, chưa có một công trình nào để lại dấu ấn. Bản thân anh cũng chưa có gì đóng góp đáng ghi nhận, nhưng Anh luôn nhận được danh hiệu “Doanh nhân Tp HCM tiêu biểu” nhiều năm liền và gần đây nhất là năm 2012, biết đâu chừng vài năm nữa Anh sẽ có Huân chương lao động rồi Anh hùng lao động. Đất nước ta quá lạm phát các loại Huân chương và Anh hùng lao động hơn là lạm phát tiền tệ. Đáng lý Anh phải giảng dạy ở vô số trường đại học cao đẳng có ngành xây dựng đang lạm nở rộ như nấm gặp mưa, cùng với sự phát triển nóng vội của xây dựng giao thông nước Việt. Đáng lý Anh phải có vài quyển sách, vài bài báo có chuyên đề về xây dựng và nền móng. Đáng lý Anh phải có bài phát biểu về sự lún sụt của cầu Văn Thánh, sự sụp đổ tầng hầm các cao ốc hay ít ra là nói về nguyên nhân và xử lý hố tử thần. Đáng lý trong các hội thảo về nền móng và xây dựng Anh phải có mặt để có tham luận phản biện hay ít ra để lắng nghe học tập. Đáng lý Anh phải có chủ trì một số thiết kế nhà cao tầng, nhưng tôi tin Anh chưa có sản phẩm nào và không chừng chưa chắc Anh đã đọc và hiểu hết được một số bản vẽ nền móng. Toàn bộ hoạt động khoa học kỹ thuật của Anh là số không.

Đầu năm 2013 khi dự họp lớp xây dựng A72 và A74 Bách khoa Tp HCM, nghe các kỹ sư, tiến sĩ nói Anh đã vào hàng ngũ tinh hoa đất nước, được phong PGS, nhưng tôi không tin và tôi tra Google thì đúng Anh bây giờ là PGS Thủy Lợi. Trời ạ! Thủy Lợi là cái gì mà còn khó hơn nền móng, khó hơn xây dựng. Anh chưa một ngày làm Thủy Lợi mà bây giờ làm PGS Thủy Lợi, thật là kinh hoàng, kinh khủng, kinh thiên động địa. Tôi không thể tưởng tượng được học lộ của Anh quá đặc biệt nếu không muốn nói là duy nhất trên trái đất này, bao gồm tất cả các ngành thuộc về công chánh: Trung cấp đo đạc, Kỹ sư xây dựng, Thạc sĩ gì thì tôi không biết, Tiến sĩ nền móng, PGS Thủy Lợi. Biết đâu vài năm nữa Anh sẽ là GS Cầu Đường, nếu thế thì Anh đã thâu tóm đủ 4 giải Grand Slam công chánh: Xây, Móng, Thuỷ, Cầu.

Ảnh vui, có tính tượng trưng
Theo thống kê Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 GS, PGS; 24.000 Tiến sĩ; 100.000 Thạc sĩ và 2,7 triệu kỹ sư, cử nhân nhưng lại không có một sáng kiến tầm cỡ thế giới nào trong năm 2012. Chúng ta còn thua nền khoa học kỹ thuật của Brunei, một nước có dân số tương đương một Quận nhỏ tại Tp HCM. Vậy trong số 9.000 GS, PGS; 24.000 Tiến sĩ có bao nhiêu người trình độ như Anh, trước đây tôi cứ tưởng không năng lực có thể làm chức to mà nay không có năng lực cũng có thể đạt học vị học hàm lớn, hậu quả là nước ta chỉ biết bán tài nguyên (mỏ, rừng, biển, đất và người) chứ không thể sản xuất một sản phẩm nào mang thương hiệu quốc gia, ngoài chuyện gia công, lắp ráp và sản xuất “mì ăn liền” mà thôi.

KS Nguyễn Văn Đực 
(Bài viết ngày 4/1/2013)
0 Nhận xét