Bất thường và bình thường

Bất thường và bình thường.


Trong những điều kỳ diệu về sức người trong xã hội hôm nay, chuyện người đàn bà bán chuối tốt nghiệp cử nhân luật ở Cần Thơ vào tháng 6 vừa rồi đã gieo biết bao nhiêu câu hỏi về cuộc đời, bên cạnh sự thán phục công sức của người đàn bà ấy.


Tôi vẫn ngạc nhiên và tự hỏi tại sao cứ lại là “Luật” chứ không phải là một môn học dễ kiếm tiền nào khác? Và tại sao bà Kim Hoa, người bán chuối gần 60 tuổi ấy, lại phải dành phần thời gian mưu sinh, chăm sóc con cháu, sức khoẻ… để theo đuổi môn học khô khan ấy? Ít ai nói đến phần này, ngoài việc ca ngợi sức học của bà Kim Hoa như một điểm sáng, một vệt màu hồng của đời sống. Lọc tìm tư liệu, mới thấy rằng điều thúc đẩy bà Kim Hoa đi học luật vì bởi trước kia bà là chứng nhân của một vụ án oan. Nỗi ám ảnh đó chính là động lực. Lại ngồi giữa chợ, nhìn thấy bao điều trái khuấy diễn ra trước mắt, việc bà Kim Hoa chọn học luật là một cứu cánh của lòng tự trọng và nhân cách, như để tìm điểm tựa đứng lên, để tồn tại như một con người.

Không có luật pháp, xã hội chỉ còn là một gánh hát trình diễn quyền lực của giai cấp thống trị. Con người thiếu sự chở che của luật pháp dễ bị chà đạp và lôi vào nghịch cảnh không lường được. Nhưng luật pháp nếu có, mà vẫn bị thao túng bởi những cá nhân nắm quyền, của băng nhóm chung lợi ích… thì xã hội còn hỗn mang hơn nữa vì mọi thứ mù mờ, vô vọng.

Khi luật sư Trương Trọng Nghĩa, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam lên tiếng về chuyện Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên chọn riêng văn phòng của luật sư Võ An Đôn để thanh tra, không chỉ ông Nghĩa nhìn thấy đó là chuyện “bất thường”, mà bất kỳ người dân nào đứng về phía chính nghĩa cũng nhìn thấy cuộc sống ở vùng đất hiền lành này như đang bị phủ một đám mây mù nghẹn ngào bức bối. Không chỉ vậy, lúc này người luật sư trẻ Võ An Đôn đang bị các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Yên đòi kỷ luật, rút giấy phép hành nghề… mà lý do chính là anh đã dám đứng về phía nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân quá cố Ngô Thanh Kiều bị 5 nhân viên công an thành phố Tuy Hoà vui cười, tra tấn đến chết.

Công việc bảo vệ tính chân chính luật pháp của một quốc gia, được một luật sư trẻ và nghèo ra sức hành động, đã trở thành một sự kiện lịch sử khi đem lại công lý cho người dân, nhưng lại dường như chạm phải nỗi kiêu hãnh của một hệ thống, mà lâu nay coi mình là bất khả xâm phạm.

Con đường đi lên của một Việt Nam, chắc chắn không hoàn toàn là xây dựng, là đầu tư, là dự án… mà còn là sự cải cách và thực thi công minh hệ thống tư pháp. Giữa những giai đoạn mà quyền lực cá nhân, băng nhóm còn thao túng trên đất nước này… thì dù có giàu có nhanh chóng như Trung Quốc, cũng chỉ ẩn chứa những căn bệnh trầm kha, mầm mống của hỗn loạn. Trong những năm tháng này, việc vật vã đối đầu, giành lại sức mạnh của ngành tư pháp từ giới luật sư đang diễn ra khắp nơi. Luật sư Ngô Ngọc Trai từ đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng xác nhận rằng đã có những văn bản pháp luật được đưa ra, chỉ với mục đích gây khó khăn, cản trở giới luật sư – những kẻ như đang phá rối sự ung dung tự tại của một tầng lớp đen đúa đang thao túng luật pháp quốc gia.

Trong câu chuyện của bà Kim Hoa phải chật vật đi học Luật, rõ ràng bà nhìn thấy phận người đang là con sâu cái kiến mà không có gì có thể tự cứu mình, bằng cách trang bị cho mình kiến thức. Bà học Luật để quyết tìm lại công bằng cho cái chết của đứa em trai bị đánh chết nhiều năm trước, bà nhìn thấy phán quyết của toà đã bất thường nhưng lúc đó lực bất tòng tâm. Nếu như một đất nước có những con người hiếu học vô tư thì thật đáng mừng, nhưng hiếu học chỉ để mong giành lại quyền làm người của mình, giành lại sự thật… thì rõ ràng những nỗ lực đó cảnh báo rằng ngành tư pháp Việt Nam hoặc quá yếu ớt, hoặc không có giá trị thực tiễn với cuộc đời thật dã man bên ngoài. Xã hội đó cũng đang vần vũ như đám mây đen của oan khiên và nỗi niềm của thân phận người.

Một năm trước đây, vô tình đọc được một bài viết của blogger trẻ Khải Đơn về chuyện một bà cụ ở nông thôn làm đơn khiếu nại về đất đai không thành, bà đã tự mình đi mua sách về đọc, học. Khi luật sư đến gặp bà, ông ta đã vô cùng ngạc nhiên vì kiến thức của bà không thua những gì mà ông biết cả. Trong sự thán phục đó, khi đọc, tôi vẫn còn nhớ mình mang trong lòng một nỗi chua chát về con người Việt Nam, bất luận ở độ tuổi nào, vẫn phải bươn chải để gom góp kiến thức cho một cuộc giải oan đời mình. Cũng như bà Kim Hoa, bà cụ nông dân đó không còn tin vào lời giải thích nào, không còn tin vào sự khuyên giải nào, mà chỉ còn liều tin vào tấm thân yếu đuối của mình, trước cửa ngõ nhà quan đầy bẫy rập.

Có thể luật sư Võ An Đôn sẽ bị kỷ luật và bị rút giấy phép hành nghề. Anh sẽ trở về nhà và cuốc đất trồng khoai với bề dày kiến thức về công lý, không khác gì những người tự học luật nói trên. Hôm nay thì chỉ có một ít người thôi, nhưng để chống lại cường quyền và bất công, rồi sẽ ngày càng có thêm nhiều người Việt Nam nữa trang bị cho mình kiến thức. Họ sẽ tìm đến nhau và cùng lên tiếng đòi lại công lý của mình bị giày xéo và chôn vùi đâu đó. Những con người Việt Nam bình thường đó sẽ ngày càng lớn mạnh và giật đổ những điều “bất thường” như luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận định. Cũng như những con người vô danh đang lần mò tìm đến luật pháp thật sự đó, bạn và tôi hãy tin rằng lẽ phải chỉ khuất chứ không bao giờ tắt.

Trích đăng từ blog nhạc sĩ Tuấn Khanh

0 Nhận xét