Nó học trường làng những năm cấp 1 và 2, được lời động viên từ gia đình, thầy cô nó thi vào lớp chuyên Toán của trường chuyên duy nhất tỉnh nhà.
Lớp 10, nó bắt đầu xa nhà để vào thành phố học tập. Nó là niềm tự hào của gia đình và thầy cô, nó là đứa đầu tiên của trường cấp 2 đậu vào lớp chuyên. Một thằng nhà quê một cục, bắt đầu học cách sống tự lập, tự học, tự kiểm soát bản thân ... nói chung mọi thứ nó tự quyết định. Với nó 2 tháng đầu xa nhà, nó lạ lẫm để thích nghi về chỗ ở, ăn uống, sinh hoạt và nhất là học tập trong môi trường được ví là "luyện gà" khá căng thẳng (học kỳ I lớp 10 là nuốt trọn chương trình toán lớp 11 để chuẩn bị thi học giỏi toán 11 vào giữa học kỳ II). Nó cố gắng học hỏi để thích nghi và mọi việc dần ổn hơn. Nó vẫn ngây thơ như một đứa nhà quê, nó chẳng biết gì ngoài việc học, việc đọc sách, nó vô tư lắm ...
Biến cố xảy ra với nó, câu chuyện cũng đơn giản như cái kiểu "chuyện bé xíu bằng cái móng tay" mà tướng Minh phó giám đốc CA TP HCM nói về vụ quán phở ở Bình Chánh đang xôn xao dư luận năm 2016 vậy.
Thầy giáo cho về chuẩn bị trước 6 bài làm văn để thi học kỳ. Nó về hì hục làm cho xong cả 6 bài.
Ngày kiểm tra, nó ngây thơ đến mức "không thể tưởng tượng được", khi nhận đề thi nó lôi ra cuốn tập nháp bài làm của nó để chép vào bài thi. Trong cái suy nghĩ "non nớt" ấy, nó bảo bài này cũng do mình làm, thầy giáo cho phép nên nó tự nhiên mà chép lại.
Thầy giáo phát đề có việc nên ra ngoài. Sau khi gần hết 2 tiết học, thầy về lại lớp, thấy nó ung dung vừa ghi vừa chép. Nó vẫn ghi ghi chép chép như chẳng có điều gì là sai phạm cả. Bùm một cái, thầy rất tức giận đến chỗ nó, thu lại bài kiểm tra. Có lẽ vì quá bực mình một đưa học trò quá "xấc xượt", dám xem tài liệu ngang nhiên nên thầy thu bài và báo cho thầy chủ nhiệm. Nó vẫn tỉnh bơ, nó nghĩ đó là "điều bình thường thôi".
…
Sét đánh ngang tai, vài ngày sau thầy giáo chủ nhiệm của nó gọi ra nói chuyện riêng, thầy khuyên "mày về nói chuyện với gia đình mày nên chuyển trường đi thì sẽ không cho hạnh kiểm yếu, còn ở trường chuyên này sẽ bị hạnh kiểm yếu vì tội xem tài liệu khi kiểm tra". Nó bất ngờ, nó sững sờ, nó chẳng hiểu gì cả. Mà thầy chủ nhiệm của nó cũng chẳng giải thích điều gì. Thầy cho nó hạnh kiểm yếu vào học kỳ I năm lớp 10 vào học bạ.
Cái phao cứu sinh của nó lúc này là gì?
Nó nói chuyện với bố mẹ, nó nói cái điều sự thật mà nó suy nghĩ. Hiểu tính của nó, mẹ nó an ủi và tìm cách giải quyết.
Mẹ đưa nó đến trực tiếp nhà thầy dạy văn.
Nó đã khóc khi nói về suy nghĩ của nó. Nó không muốn phải chuyển trường như đề nghị của thầy chủ nhiệm. Có lẽ, sau một thời gian thầy giáo dạy văn của nó hiểu vấn đề, về cái lỗi khủng khiếp kia, một thằng học trò lớp 10 trong học kỳ 1, dám để tài liệu trên bàn, ngang nhiên ghi chép là vì nó hiểu sai ý thầy và nó quá ngây thơ.
Nó có quyết định hạnh kiểm yếu cho học kỳ 1 năm lớp 10.
Trong lễ tổng kết học kỳ 1, cả hội trường nghe lời phát biểu của giám đốc sở giáo dục đào tạo, nó cay xè con mắt nó nhớ từng lời từng chữ “tại ngôi trường chuyên này không cho phép một đứa học sinh hạnh kiểm yếu tồn tại”. Thầy giám đốc sở đâu có biết cảm giác của Nó bên dưới, thầy cũng đâu cần biết Nó là ai, tại sao Nó lại làm vậy, thầy chỉ quan tâm đến cái lợi ích của bản thân là "trường chuyên là không được có học sinh hạnh kiểm yếu".... Nó đau lắm. Nó chẳng dám nhìn mặt ai nữa. Nó cảm thấy tội lỗi lớn lắm. Nó đã nghĩ đến việc sẽ nghỉ học vì quá tủi nhục.
Thầy chủ nhiệm bảo nó là hãy chuyển trường thay vì sẽ bị đuổi, thầy nói lần 2, rồi lần 3.
Nó vẫn ngây ngô nhưng giờ nó đã hiểu cái tội lỗi kia, nó có thể bị đuổi khỏi trường. Thì ân nhân của nó xuất hiện.
Người đó là ai mà có thể giúp nó ở lại ngôi trường chuyên danh tiếng của tỉnh nhà, là ai mà để một kẻ tội lỗi hạnh kiểm yếu được học tập dưới mái trường này.
Vâng, người ân nhân ấy …
Người ấy … là … người thầy giáo dạy văn của nó. Thầy bảo với nó “thầy sẽ giữ bằng được em ở ngôi trường này”.
Nó như được cứu sống. Nó hạnh phúc vô bờ bến.
Nhưng từ đó, nó trở thành cái gai trong mắt của vài thầy cô khi làm ảnh hưởng uy tín, danh hiệu của họ. Nó phải dần cam chịu với cách đối xử là "đứa học trò phá bỉnh", làm xấu hình ảnh của lớp, của trường...
Nó yêu môn văn hơn, chứ không phải chỉ biết luyện toán. Từ đó, mọi người thấy nó cứ lầm lũi, mắt nhìn xuống đất và ít vui cười như xưa, chắc là nó ân hận mà thực ra là nó không dám đối diện với những ánh mắt của những ai không ưa nó, những ai đó xem nó là thằng học sinh hạnh kiểm yếu.
Nhưng từ đó, nó trở thành cái gai trong mắt của vài thầy cô khi làm ảnh hưởng uy tín, danh hiệu của họ. Nó phải dần cam chịu với cách đối xử là "đứa học trò phá bỉnh", làm xấu hình ảnh của lớp, của trường...
Nó yêu môn văn hơn, chứ không phải chỉ biết luyện toán. Từ đó, mọi người thấy nó cứ lầm lũi, mắt nhìn xuống đất và ít vui cười như xưa, chắc là nó ân hận mà thực ra là nó không dám đối diện với những ánh mắt của những ai không ưa nó, những ai đó xem nó là thằng học sinh hạnh kiểm yếu.
Câu chuyện ấy cách đây cũng gần 20 năm rồi. Nhưng đó cũng là bài học đầu đời của nó.
Và nó càng yêu quý thầy dạy văn của nó hơn. Nó hiểu, ngày ấy thầy có lẽ cũng chịu áp lực lớn lắm, vì thầy dám “vượt rào”. Nó và thầy vì chút hiểu nhầm mà gây ra hậu quả không nhỏ. Thầy đã cứu nó, thầy nhận ra bản chất là hiểu nhầm, thầy đã sửa cái sai vì sự hiểu lầm đó … nhưng nó cũng trở thành cái gai trong mắt của những người không thích nó. Giờ dù nó đã trưởng thành nhiều hơn nhưng với thầy dạy văn nó chỉ là một đứa học trò nhỏ ngày nào, nó vẫn thích nghe thầy giảng bài, vẫn thích những bài học từ thầy mỗi khi có dịp gặp gỡ.
Cuộc sống luôn thay đổi, không biết trước điều gì, với nó đó tất cả là sự trải nghiệm, nó bắt đầu học cách để chấp nhận với những điều không tốt đẹp, nó học cách để vượt qua vấn đề.
Thời đó nó không còn cơ hội để vào đội tuyển toán như mong ước của nó thời còn nhỏ, thay vào đó nó bắt đầu mê đọc truyện hơn, nó mê Kim Dung tít thò lo, nó mê Tam quốc diễn nghĩa, nó mê đọc sách về tư duy nhiều hơn… Và đến giờ, nó mê mấy thứ này hơn là mê toán.
Nó trong câu chuyện trên là hình ảnh của tôi đấy!
TP HCM ngày 21/04/2016
Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
LỜI NÓI DỐI CỦA CÔ GIÁO
Câu chuyện "Lời nói dối của cô giáo lớp 5" đang được rất nhiều bậc phụ huynh học sinh và những người quan tâm giáo dục chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội và gợi những cảm xúc, suy nghĩ lắng đọng khi năm học mới đang đến gần.
Ngày đầu tiên của năm học mới, cô giáo Ngọc Lan đứng trước tất cả các bạn học sinh lớp 5, nhìn khắp một lượt và nói rằng: Cô sẽ yêu và đối xử bình đẳng với từng bạn trong lớp mình.
Nhưng, đó là một lời nói dối. Điều cô vừa nói là không thể.
Cô có ấn tượng không tốt với cậu học sinh ngồi ngay dãy bàn đầu tiên, cậu bé tên là Đức Trí.
Cô Lan phát hiện Đức Trí không thể cùng chơi với các bạn khác. Quần áo của cậu bé rách nát, người bẩn thỉu và thật khó để ai đó có thể yêu quý cậu bé cho được. Ngay cả bản thân cũng rất thích dùng bút đỏ gạch một dấu X to đùng trên vở của cậu bé.
Cho đến vài hôm sau, nhà trường yêu cầu giáo viên kiểm tra học bạ của các em học sinh, cô Lan đã cố tình để hồ sơ của Đức Trí xuống dưới cùng. Vậy nhưng khi xem đến hồ sơ của cậu bé, cô giáo đã vô cùng ngạc nhiên.
Giáo viên năm lớp 1 của Đức Trí viết rằng: "Tiểu Đức Trí là một cậu bé thông minh, nét mặt lúc nào cũng rạng rỡ với nụ cười luôn thường trực trên miệng, viết chữ rất ngay ngắn và sạch sẽ, ngoan ngoãn lễ phép, mang đến niềm vui cho những người xung quanh."
Giáo viên năm lớp 2 thì viết: "Tiểu Đức Trí là một học sinh ưu tú, rất được các bạn quý mến nhưng cậu bé rất buồn, vì bệnh của mẹ em đã ở giai đoạn cuối, cuộc sống gia đình rất khó khăn."
Giáo viên năm lớp 3 viết: "Mẹ qua đời đã gây ra một cú sốc lớn đối với Đức Trí, cậu bé đã nỗ lực hết sức nhưng bố em là người sống thiếu trách nhiệm. Nếu không có giải pháp cải thiện, gia đình sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến Đức Trí "
Giáo viên năm lớp 4 viết: "Tiểu Đức Trí tính cách dị biệt, không thích học, không có bạn, nhiều khi còn ngủ trong giờ học."
Lúc này, cô Lan mới ý thức được những vấn đề đang tồn tại với cậu học trò nhỏ. Cô cũng cảm thấy xấu hổ vì hành vi của mình.
Nhưng tuyệt nhiên, cậu bé Đức Trí không biết về việc này.
Vì lần nói dối trước cả lớp, cô giáo không ngờ sau đó thỉnh thoảng lại nhận được 1 lá thư
Đến ngày lễ của các nhà giáo, khi các em học sinh đem quà tặng cho mình, cô Lan càng cảm thấy day dứt hơn. Các bạn nhỏ tặng quà cho cô đều bọc giấy màu đẹp đẽ, bên trên còn dán dây ruy băng, chỉ có mình Đức Trí là ngoại lệ. Cậu bé dùng mảnh giấy màu da bò dày bì bì, có lẽ được xé ra từ một cái túi đựng đồ tạp nham để bọc quà. Món quà là một chiếc vòng tay được xâu chuỗi bởi các hạt thủy tinh, có hạt đã bị mất và một lọ nước hoa chỉ còn 1/4. Các học sinh khác cười ồ lên.
Cô giáo phải ra hiệu cho các bạn im lặng không được trêu chọc bạn trước khi khen chiếc vòng thật đẹp rồi nhanh chóng đeo nó lên tay.
Cô cũng xịt một chút nước hoa lên cổ tay trước mặt các em học sinh.
Sau buổi học hôm đó, Đức Trí nói với cô giáo một câu rồi mới về: "Cô Lan , hôm nay trên người cô có mùi rất giống mẹ em trước đây."
Khi các bạn nhỏ đã về hết, cô Lan ngồi lại lớp hồi lâu. Cô đã khóc mất hơn một tiếng.
Sự thay đổi tích cực
Từ hôm đó, cô không còn nghiên cứu về việc làm sao để dạy bọn trẻ đọc, viết hay làm toán mà nghiên cứu về việc làm thế nào để giáo dục các em học sinh.
Cô Lan bắt đầu chú ý đến Tiểu Đức Trí, khi học cùng cô, cậu bé ngày càng cho thấy mình là một đứa trẻ năng động là linh hoạt. Càng được cổ vũ, phản ứng của cậu bé càng trở nên nhanh nhẹn.
Cuối năm đó, Đức trí trở thành đứa trẻ thông minh nhất lớp. Mặc dù cô giáo nói sẽ yêu thương và đối xử bình đẳng với tất cả các bạn trong lớp nhưng Đức Trí đã trở thành "con cưng" trong mắt cô.
Một năm sau đó, cô Lan phát hiện một mảnh giấy nhỏ trong khe cửa. Là của Đức Trí, cậu bé nói với cô, rằng cô là cô giáo tuyệt vời nhất mà cậu gặp trong đời.
6 năm nữa trôi qua, cô Lan lại nhận được một mảnh giấy khác của cậu học trò nhỏ. Đức Trí viết rằng cậu bé đã tốt nghiệp trung học phổ thông, đứng thứ ba trong lớp về thành tích học tập và cô vẫn là giáo viên tuyệt vời nhất cậu gặp trong đời.
Nhiều năm sau nữa, cô Lan tiếp tục nhận được một là thư. Lần này Tiểu Đức Trí viết, khi nhận tấm bằng cử nhân loại xuất sắc, cậu đã quyết định sẽ ở lại trường tiếp tục học lên và cô Lan vẫn là giáo viên tuyệt vời nhất mình được gặp trong đời.
Tuy nhiên lần này, phần ký tên có sự thay đổi và dài hơn một chút: Tiến sỹ y khoa Đức Trí.
Mùa xuân năm đó, Đức Trí lại gửi cho cô Lan một lá thư, nói là mình sắp kết hôn, không biết cô có muốn tham gia hôn lễ của cậu hay không và cô sẽ ngồi vào vị trí của mẹ chú rể.
Tất nhiên là cô đã đồng ý. Hôm đó, cô đã đeo chiếc vòng mà cậu bé Đức Trí tặng năm nào, xịt một chút nước hoa mà mẹ cậu bé đã từng dùng trước đây.
Gặp lại nhau, hai cô trò ôm nhau thật chặt. Đức Trí thì thầm vào tai cô: "Cảm ơn cô, cô Lan, con vô cùng cảm ơn cô đã cho con biết mình có thể làm được nhiều việc mà trước đây con không nghĩ tới".
Còn cô Lan lúc này cũng không ngăn được nước mắt, nghẹn ngào nói: "Đức Trí, con nhầm rồi, là con đã dạy cho cô nhiều điều. Cho đến khi gặp được con, cô mới biết làm giáo viên là phải như thế nào!"
Sưu tầm
P/s: cảm nhận của bạn sau khi đọc câu chuyện này là gì ạ, hãy chia sẻ và bình luận theo link bài viết ở đây nhé, đặc biệt là kỉ niệm đáng nhớ về thầy cô.
Đọc thêm bài viết khác: NGƯỜI THẦY VÀ NGƯỜI GIẢNG