[Nước mắm asen] Một cuộc điện thoại về quê

Một cuộc điện thoại về quê.

Tôi rất ít khi xin add facebook của người lạ vì vốn là người nhút nhát, sợ người lạ và hoang mang về thế giới quanh mình. Mấy nay, nhà lại hết gạo nên đành đi ăn hàng. Ở tiệm ăn, tôi đã mạnh dạn xin add facebook một anh kia...

Ảnh vô quán, gọi món rau mồng tơi chấm nước mắm. Rất cẩn thận, ảnh dặn "Lấy nước mắm truyền thống với ớt cho anh là được. Tuyệt đối không dùng Nam Ngư hay Chinsu". Phục vụ tiệm ăn nói chỉ có mắm Nam Ngư, ảnh từ chối và đổi mồng tơi luộc thành rau muống xào tỏi.

Nam Ngư, Chinsu chỉ là hai trong số rất nhiều sản phẩm của Tập đoàn Masan. Tuy nhiên, năm 2015, chỉ riêng Chinsu và Nam Ngư đã góp vào doanh thu của Masan khoảng 8.770 tỉ đồng.

Tôi vẫn nghĩ, một tập đoàn như Masan có lớn mạnh được là do tiền của người tiêu dùng chúng ta mà thành. 8.770 tỉ đồng trên có phần tiền từ túi của tôi và các anh chị. Tuy nhiên, thay vì làm ăn đàng hoàng, họ lại ra tay tận diệt nước mắm truyền thống - món ăn đã góp phần nuôi lớn cả dân tộc Việt này. Tại sao chúng ta phải nuôi một doanh nghiệp như thế?

Khi vụ nước mắm Asen xảy ra, tôi tẩy chay nước mắm Chinsu, Nam Ngư và có nhiều người đồng quan điểm. Nhưng có vẻ như, ở các vùng quê, Chinsu, Nam Ngư vẫn chẳng hề hấn gì. Cũng dễ hiểu thôi, các bà nội trợ ở nông thôn không xài facebook. Đó là chưa kể chiêu trò nhồi vào đầu người bán hàng những thông tin về Asen không chính xác.

Cá nhân tôi, sau khi post xong bài này, tôi sẽ gọi điện thoại về quê để nói cho người thân của mình biết chuyện gì đang xảy ra và cần phải làm gì. Một người tiêu dùng tẩy chay chưa là gì. 1.000 người tẩy chay có thể chưa là gì. Nhưng 10.000 người câu chuyện sẽ bắt đầu khác...

Tôi sẽ gọi điện thoại về quê. Các anh chị cũng có người thân không tiếp cận được thông tin sự thật về nước mắm Asen. Các anh chị sẽ làm như thế nào ạ?

Tôi không thích khẩu hiệu hãy là người tiêu dùng thông minh, thông thái. Bởi bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của những người sống bằng thuế của người dân. Người tiêu dùng đương nhiên phải được sử dụng sản phẩm an toàn.

Thay vào đó, tôi cho rằng cần phải là người tiêu dùng có trách nhiệm. Việc từ chối tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp bẩn là thực hiện một trách nhiệm xã hội.

Từ nay, nếu có ai hỏi rằng "bạn đã làm được gì cho đất nước", tôi sẽ trả lời đó là tiêu dùng có trách nhiệm. Đó là cách để bảo vệ gia đình mình, bảo vệ những nhà sản xuất chân chính, bảo vệ nền kinh tế.

Bài viết từ facebook Bạch Hoàn


0 Nhận xét