Làm việc cho Startup thú vị nhưng chông gai.
Doanh nghiệp khởi nghiệp rất khác biệt với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường, đòi hỏi nhân lực phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt.
Làm việc cho startup thú vị nhưng nhiều chông gai. |
Doanh nghiệp khởi nghiệp rất khác biệt với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường. Các nguyên tắc quản trị nhân lực trong doanh nghiệp khởi nghiệp đã tạo ra môi trường làm việc đòi hỏi các năng lực đặc biệt từ các nhân viên làm việc trong startup. Các nét khác biệt đó bao gồm:
Sự chủ động: khác với doanh nghiệp đã thành lập lâu năm, các doanh nghiệp startup luôn luôn đối mặt với vô số các vấn đề mới chưa có tiền định. Nhân lực trong startup cần phải chủ động tiên đoán, xử lý vấn đề trước khi lãnh đạo hay quản lý đề cập tới.
Sáng tạo và đổi mới: làm việc trong startup có nghĩa làm việc trong nguồn lực hạn hẹp. Trong mỗi công việc luôn luôn đòi hỏi người nhân viên tư duy out of the box để vượt qua những hạn chế này. Trong startup các nhân viên đừng nên than phiền về khó khăn mà hãy tư duy làm thế nào vượt qua nó hàng ngày.
Linh hoạt: Môi trường thay đổi, khách hàng thay đổi đòi hỏi các nhân viên khởi nghiệp có khả năng linh hoạt cao để đáp ứng với các biến đổi. Nếu như các bạn nhân viên có độ chấp nhận linh hoạt thấp sẽ rất căng thẳng trong doanh nghiệp khởi nghiệp khi mọi thứ không rõ ràng.
Làm việc nhóm: Số lượng nhân lực trong startup không nhiều vì vậy làm việc nhóm chiếm tỷ lệ rất cao trong công tác hàng ngày. Có thể nói nhân viên trong startup chính là thành viên một nhóm bao gồm cả CEO. Các vấn đề giải quyết phức tạp đòi hỏi nguồn lực tri thức cộng hưởng từ tất cả các thành viên.
Chấp nhận rủi ro: Rủi ro luôn luôn thường trực trong mọi hoạt động startup. Bản chất của startup là giải quyết bài toán không rõ ràng. Các nhân viên cần chấp nhận tỷ lệ thất bại trong vận hành hàng ngày khi ra quyết định. Rủi ro lớn nhất trong startup chính là không làm gì vì sợ rủi ro.
Dịch vụ khách hàng: Phục vụ khách hàng là số một với mọi công ty kinh doanh nhưng trong startup phục vụ khách hàng còn hơn số 1 rất nhiều lần. Để có 1 khách hàng , startup mất rất nhiều công sức. Vì vậy tất cả các hoạt động trong startup cần phải đặt khách hàng lên tối đa
Chấp nhận thất bại: Startup luôn luôn thực hiện những điều mới và không tưởng. Cho dù các nhân viên chuẩn bị kỹ càng tới đâu , kết quả thất bại luôn luôn tồn tại. Hiểu được điều này, các nhân viên khởi nghiệp cần nhanh chóng bỏ lại những thất bại và giữ lạc quan cho những công việc sắp tới.
Nhìn đa chiều: Nhìn đa chiều có lẽ rất khó khăn cho tất cả chúng ta. Trong startup, các nhân viên cần phải học nhìn vấn đề từ nhiều chiều khác nhau để có đáp án tối ưu với nguồn lực tối thiểu. Các nhân viên cần hiểu kết quả cuối cùng là tốt cho mọi phương diện thay vì chỉ tập trung cho công nghệ, bán hàng hoặc giải pháp.
Mô hình chữ T: Các nhân viên trong doanh nghiệp khởi nghiệp cần có nét gạch ngang để biết nhiều chức năng khi tham gia làm việc nhóm.Các nhân viên cần có kiến thức rộng để hiểu được những thành viên khác đang trao đổi những gì. Bên cạnh đó họ phải có kiến thức sâu – nét gạch thẳng đứng chữ T để có thể thực thi hoàn hảo một số nhóm tác vụ trong startup. Thất bại sẽ tới cả hai nếu các bạn thiếu một trong hai nét chữ T
Làm việc trong stratup đòi hỏi những nhóm năng lực tương tự trong doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó startup đòi hỏi các bạn trẻ những năng lực sắc bén hơn và có những năng lực trong doanh nghiệp lớn không cần thiết. Nhận thức những nhóm năng lực này sẽ giúp cho sáng lập tuyển dụng, phát triển và sử dụng nhân lực hiệu quả với nguồn chi phí phù hợp nhất. Các năng lực vừa đề cập chính là nền tảng quyết định sự thành công của startup khi sở hữu nguồn nhân lực có chất lượng phù hợp.
Trích từ bài viết của anh Vũ Tuấn Anh.