Chất lượng tư duy phụ thuộc vào trí tâm chứ không phải tuổi tác.

Có người cho rằng, "Bác ấy già rồi, tư duy dứt khoát là cũ kỹ, lạc hậu". Song cũng có người nói, "Cậu ấy còn trẻ người non dạ, tư duy còn hời hợt, nông cạn lắm." Hai ý kiến nhận xét đó đều lấy tuổi tác làm tiêu chí.


Thực ra, tuổi tác chỉ có ảnh hưởng đến tư duy khi tuổi tác đã phát triển đến cái ngưỡng mà thần kinh đã bị thoái hóa, không còn hoạt động bình thường chứ tuổi nhiều mà trí óc vẫn còn minh mẫn thì yếu tố quyết định chất lượng tư duy là những yếu tố khác.

Yếu tố đầu tiên phải nói đến là tiềm năng hiểu biết, chất văn hóa, độ phong phú của ý kiến một con người cụ thể thường phụ thuộc chủ yếu vào số lượng trí thức, vào kết quả học tập tích lũy hiểu biết của người đó. Chẳng có ai dốt nát mà có tư duy sâu sắc đầy đủ, phát biểu hay, có sức thu hút lớn. Tư duy là hoạt động của nhận thức ở giai đoạn cao tất nhiên phải phụ thuộc vào trình độ nhận thức.
Nhiều tuổi mà không học, không tích lũy thì nhận thức vẫn kém “không bột không gột nên hồ”. Thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp một đôi người kém hiểu biết nhưng lại nói năng rất nhiều. Song để ý nghe kỹ ta thấy ngay lượng thông tin trong sự nhiều lời đó quá ít ỏi, nghĩa là nội dung tư duy vẫn rất nghèo.

Yếu tố thứ hai quyết định chất lượng tư duy là tầm suy nghĩ, tầm nhìn. Có người thường suy nghĩ rất ngắn, ta hay ví đùa là nhìn không quá cái lỗ mũi của mình. Song cũng có người thường có tầm nhìn xa. Họ nhìn thấu cả cuộc đời, hoạch định trước kế hoạch cho cả một tương lai dài. Họ là những chuyên gia, cán bộ quản lý tầm vĩ mô. Họ lên kế hoạch 5 năm, 10 năm. Họ hay đề cập đến những vấn đề bao quát lớn, có tầm quan trọng đặc biệt, chi phối nhiều hoạt động khác. Những người có tầm nhìn, tầm suy nghĩ như thế thì bất luận ở độ tuổi nào, thường có một chất lượng tư duy cao; vừa sâu rộng vừa thông thoáng, quán xuyến được những vấn đề trước mắt mà không mâu thuẫn với mục tiêu lâu dài. Tư duy của họ bao giờ cũng vừa khái quát, vừa cụ thể, giàu sức thuyết phục.

Yếu tố thứ ba quyết định chất lượng tư duy là phương pháp suy nghĩ. Có người có cách suy nghĩ tản mạn, tùy tiện, lỏng lẻo; nhớ gì nghĩ nấy, nói nấy, nói không đầu, không đuôi, ý nọ xọ ý kia không theo một trình tự nào cả. Song cũng có người có cách suy nghĩ rất chặt chẽ, ý trước ý sau rõ ràng, trình tự hợp lý, nói năng lưu loát, mạch lạc, đâu ra đấy. Những người có phương pháp suy nghĩ như thế thì dù còn rất trẻ chất lượng tư duy của họ cũng chịu ảnh hưởng tốt, có tính hệ thống, có chất khoa học cao.

Yếu tố quyết định cuối cùng là cái tâm; tâm thiện tâm ác đều ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tư duy. Có người mang động cơ cá nhân ích kỷ trong mình rất mạnh; nghĩ gì, nói gì cũng đều lấy mình làm trung tâm, đều vơ vét hết mọi cái cho mình. Họ mờ hết cả mắt, không thấy gì trước mình, chung quanh mình nữa. Bố mẹ, anh em, cộng đồng xã hội sinh ra mình, nuôi nấng dạy bảo mình, họ cũng chẳng coi ra gì. Họ chẳng chút động lòng, chẳng chút do dự khi bàn đến chuyện xâm phạm đến lợi ích của người khác, lợi ích của tập thể. Lương tâm con người họ đã bay biến đâu mất rồi. Song cũng có rất nhiều người, có thể nói là đại đa số người có tâm hướng thiện. Họ thường nghĩ nhiều đến điều tốt lành; tốt lành cho bản thân, tốt lành cho người khác, tốt lành cho cộng đồng. Họ thường xúc động, thương tâm khi nhìn thấy đau khổ của người khác, và rất vui mừng trước hạnh phúc cùa mọi người. Họ không bao giờ tranh chấp, ganh tỵ làm những điều xằng bậy. Cái tâm của họ luôn luôn trong sáng. Những người có cái tâm như thế thì chất lượng tư duy của họ bao giờ cũng phát triển theo hướng lành mạnh, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của mình, thường xuyên lấy nhân nghĩa, lấy lẽ phải, công bằng làm trọng.

Coóc-nây, một nhà văn nổi tiếng của Pháp trong tác phẩm “Lơ xít” của mình đã viết: “Tài năng không chờ đợi tuổi tác”. Chất lượng tư duy, một biểu hiện tài năng đầu tiên của con người cũng không phụ thuộc vào tuổi tác. Tâm và trí là hai yếu tố nền tảng quyết định mọi chất lượng tư duy của người.

----------------------
Nguồn: Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, 2004
0 Nhận xét