Cô giáo Phạm Thị Sang - nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa - sau 40 năm “khốn khó trăm bề” cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hôm qua đã té ngửa khi biết đồng lương hưu của mình chỉ 440.000 đồng mỗi tháng.
Và cô òa khóc. 40 năm trồng người, ngày ngày lên lớp dạy dỗ lũ trẻ về cống hiến, phụng sự, về những điều tốt đẹp, nhưng có lẽ đến giờ cô giáo khốn khổ vẫn không thể trả lời được là tại sao, và giáo viên mầm non có tội tình gì để phải phân biệt “mầm non” và phần còn lại của giáo dục (?!)
440.000 đồng, sau 40 năm, tức là ở ngưỡng giữa nghèo và cận nghèo.
20 hộ dân ở Đại Nài (TP.Hà Tĩnh) có lẽ cũng có cái cảm giác té ngửa khi bất ngờ nhận được giấy đòi nợ quá hạn của ngân hàng.
Sự sửng sốt của họ có thể gói trọn trong một cái tít báo “Nợ 6.000 đồng, trả lãi hơn 75 triệu”.
“Nỗi oan ức tức tưởi” của họ là hoàn toàn có lý khi suốt 10 năm qua, sau khi trả nợ gốc, họ không nhận được bất cứ thông báo gì về những khoản vay cũ.
Có thể, theo quy định, vì đối tượng “giáo viên mầm non” mãi về sau mới được đóng BHXH nên các cô không đủ 20 năm BHXH. Có thể, đúng quy trình, phía ngân hàng tính cả “lãi chắt” trên “lãi cháu”, “lãi cháu” trên “lãi con” mà việc trả nợ gốc xong xuôi vẫn là chưa đủ. Nhưng cái “theo quy định”, “đúng quy trình” ấy không nên, không thể là lý do cho việc thanh minh, để cứ mãi chấp nhận những bất công xã hội thấm đẫm trong nước mắt và sự uất ức của người dân.
Bởi đặt đồng lương chết đói và những giọt nước mắt tủi thân của cô giáo Thanh Hóa bên những biệt phủ, biệt thự - dù mới chỉ là bề nổi - của các quan chức về hưu, không khó để nhìn thấy những bất công, bất bình đẳng xã hội còn tồn tại dai dẳng trên cả lý thuyết lẫn thực tế.
Bởi đặt món nợ “6.000 đồng, trả lãi hơn 75 triệu” bên cạnh câu chuyện “căn hộ biến thành cân thịt” mới hiểu những thắc mắc của dân chúng. Vì sao tiền gửi cho Nhà nước 20 năm thì từ “một căn hộ biến thành cân thịt”, còn tiền dân vay Nhà nước thì chỉ 10 năm đã “lãi mẹ đẻ lãi con”, “lãi cháu”, “lãi chắt” đến khủng khiếp như vậy.
Trong một nhà nước đề cao bản chất “của dân, do dân và vì dân” thì những bất cập, những phi lý ấy, dù đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật vẫn là những bất cập, những phi lý phải sửa ngay chứ không thể chỉ viện dẫn đúng quy trình, đúng quy định để thanh minh đổ thừa và sau đó, để nó tiếp tục tồn tại bất chấp sự phẫn nộ, uất ức của dân chúng.
Đào Tấn
Báo Lao Động