Chưa bao giờ, chính phủ và các doanh nghiệp "xôi thịt" như bây giờ để tiến tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Anh Phạm Hoàng Thái Dương - sáng lập và điều hành Hoayeuthuong.com |
Trong các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 1.0, 2.0 và 3.0, chúng ta gần như đi sau thế giới từ hàng chục năm đến hàng trăm năm, sự tụt hậu đi kèm với sự ngu dốt buộc chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ trong đó là sự nô lệ và con cờ cho các nước đế quốc điều khiển.
Nên cuộc CMCN 4.0 này, với chúng ta là một cơ hội để tiến lên, thay đổi cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhưng cuộc CMCN 4.0 này là gì: nó là một thời kì công nghiệp trí tuệ, trong đó máy tính sẽ tự học tập, tự suy nghĩ và ra quyết định có sự phân cấp thay cho con người. Nó là một bước tiến lớn so với trước đây là tự động hóa, trong đó máy tính hoạt động theo các quy trình sẵn có.
CƠ HỘI CHO ĐẤT NƯỚC HAY CƠ HỘI CHO THAM NHŨNG
Chúng ta biết, hầu hết các dự án tham nhũng đều bắt đầu từ những cái bánh vẽ, các doanh nghiệp vẽ ra cái bánh thật to cho chính phủ rồi cùng nhau chia chác ở vài bộ phận. CMCN 4.0 là một cái bánh vẽ rất to, to hơn cả vài cái Vinashin hay vài cái sân bay Long Thành cộng lại... còn khó thì nó khó trời biết, khó đến không tưởng.
Để làm được CMCN 4.0, chính phủ hay doanh nghiệp phải có nền tảng từ 3.0, không có số liệu, không có công cụ thu thập số liệu hay Big DATA thì làm bằng NIỀM TIN. Vì đơn giản để làm được CMCN 4.0, ngoài yếu tố con người ra thì phải có hạ tầng, mà giờ chúng ta không có hạ tầng thì đánh ngó người khác làm thôi.
BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Không như Mr. Hùng, CEO Vịt-teo, nói là cứ làm liều đi, cùi không sợ lở. Với lối tư duy đó thì chỉ có đốt tiền của nhân dân thôi.
Đối với nhà nước thì nên bắt đầu tư quản lý tự động hóa trước, ví dụ đơn giản chỉ cần CẤM SỬ DỤNG TIỀN MẶT thôi là đủ trong 5 năm nước ta tiết kiệm được hàng chục tỉ $ mỗi năm về thuế, chống tham nhũng, chống rửa tiền. Ngoài ra, qua việc sử dụng tiền người dân là có thể vận dụng AI để điều phối đất nước một cách nhanh chóng.
Các doanh nghiệp lớn sẽ là bài toán tầm nhìn và tham vọng: bài toán về ERP đã khó nay bài toán về CM 4.0 còn khó hơn, khi mà các kết quả đạt được rất mơ hồ.
Hết lời....
Bài chia sẻ từ facebook Phạm Hoàng Thái Dương.
Sáng lập và điều hành Hoayeuthuong.com
Bài báo:
Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội chưa từng thấy, nhưng...
Cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” được nhắc tới khá nhiều và trở thành một cụm từ khá phổ biến trong thời gian gần đây tại Việt Nam.
Vậy thế nào là cách mạng công nghiệp 4.0? Nội dung và xu thế phát triển của cuộc cách mạng này là gì?
Thay đổi về bản chất
Tại diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 7/4, các doanh nhân, chuyên gia kinh tế đã có những đánh giá đáng chú ý về bản chất cuộc cách mạng nói trên và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế Việt Nam.
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam nói, bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hội tụ của nền kinh tế vật lý, kinh tế số, sinh học, dựa trên nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo. Trong tương lai, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu nhiều ngành công nghiệp.
Đăng đàn về khái niệm này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) dự báo, với cách mạng công nghiệp 4.0, các ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ tiếp lục len lỏi vào từng gia đình. Các thiết bị nhỏ nhất trong mỗi nhà cũng dần dần được kết nối Internet, thực hiện nhiều việc giúp đời sống mỗi người thuận tiện hơn.
"Tất nhiên, các doanh nghiệp phải ứng dụng cách mạng công nghiệp này vào kinh doanh để giúp giảm giá thành, làm cho tổng thể xã hội tốt lên", ông nói.
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh nêu khái niệm, đây là cuộc cách mạng công nghiệp chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, giúp năng suất tăng lên đáng kể nhờ khoa học kỹ thuật nhưng chu kỳ sản phẩm lại ngắn đi nhiều so với hiện nay.
Ông Doanh mường tượng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người sẽ có những chiếc áo, kính kết nối Internet. Những người tiếp đón bệnh nhân ở bệnh viên, hay đón người ở toà án không còn là người thật mà là robot…
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội chưa từng thấy cho kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi nhiều chính sách để thành công”, ông nói.
Ai chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Theo TS. Lê Đăng Doanh, đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng từ cuộc cách mạng không ai khác chính là trí thức, như bác sỹ, luật sư, kiểm toán viên... hay những người làm trong ngành tài chính.
Ông Doanh ví dụ, nhiều luật sư mới ra trường có thể thất nghiệp khi các công tìm kiếm dựa trên trí thông minh nhân tạo hoàn toàn có khả năng trả lời nhanh các câu hỏi liên quan đến pháp luật.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được việc đưa ra quyết định về chiến lược của công ty, hay về hoà giải khi có tranh chấp... Có nghĩa là con người vẫn còn chỗ đứng trong nhiều lĩnh vực cụ thể.
Bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhận xét, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, đối với riêng ngành dệt may, bà Huyền dự báo, đa số lao động ngành dệt may, da giày Việt Nam trong tương lai sẽ thất nghiệp do khả năng cạnh tranh của máy móc.
Việt Nam có thể bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0?
Lạc quan với câu hỏi này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank khẳng định: “Việt Nam hoàn toàn có thể”.
Ông phân tích, hiện tại, TPBank đã triển khai các điểm giao dịch ngân hàng tự động từ tháng 2/2017. Theo đó, người sử dụng dịch vụ có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng cơ bản như nộp tiền mặt, đăng ký tài khoản thanh toán, các khoản vay, mở thẻ ghi nợ, gửi tiền có kỳ hạn...
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2017, ngân hàng này sẽ có 50 điểm giao dịch tự động trên toàn quốc.
Còn người đứng đầu Uber Việt Nam, ông Đặng Việt Dũng, lại cho rằng trong ngắn hạn thì Việt Nam chưa thể bắt kịp, còn trung hạn vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi theo ông, về bản chất, muốn đón nhận thế nào còn phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính sách.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam. “Muốn bắt kịp phải có sự đột biến, mà đột biến thì phải có điều kiện. Chỉ có Nhà nước mới tạo được đột biến”, ông Liên khẳng định.
Kiều Linh
Link gốc: http://vneconomy.vn/cuoc-song-so/cach-mang-cong-nghiep-40-co-hoi-chua-tung-thay-nhung-20170407055042712.htm