Trong các tài liệu giảng dạy về quản trị thường thấy tập trung nhiều vào khâu quản trị nhân viên hay quản trị các cấp bên dưới chứ không phải chiều ngược lại: quản trị cấp trên, quản trị sếp!
Quản trị ngược dòng |
Nhưng khổ nổi cấp trên mới chính là cấp định đoạt số phận của mình, từ tăng lương, tăng chức, đến chia tay, sa thải. Vậy mà có mấy người chịu đầu tư suy nghĩ cho khâu này, cho nên nhiều khi khả năng thì có thừa, lại được nhân viên, đồng nghiệp yêu mến mà sự nghiệp cứ dậm chân tại chỗ dài dài, thậm chí còn bị sa thải một cách tức tưởi chỉ vì một lý do duy nhất: Sếp không thích mình.
Quản trị cấp trên nói nôm na là quản trị mối quan hệ giữa mình với sếp, là chủ động tìm ra cách thức để phối hợp và ứng xử với sếp một cách hiệu quả nhất. Chứ không phải bị động, đối phó. Trong một số trường hợp còn tệ hơn - và cũng trở nên khá phổ biến - là thay vì chủ động tìm hiểu sếp để phối hợp, cống hiến cho tốt hơn, đằng này tìm hiểu theo kiểu vạch lá tìm sâu để tìm cho ra khuyết điểm, sơ hở của sếp nhằm than phiền, đâm thọt, nói xấu, nếu thuận tiện thì hấc cẳng sếp ra khỏi ghế để mình nhảy lên thay! Làm cho cái chức phó trở nên nguy hiểm đối với cái chức trưởng hơn bao giờ hết, thay vì là được việc.
Cho nên khi được ngồi vào ghế sếp rồi thì phải ra sức “dìm hàng” cấp dưới vì nghĩ ai cũng suy nghĩ như mình trước đây. Người này dìm người kia, rốt cuộc công ty và tất cả những ai góp mặt đều phải chịu thiệt thòi.
Biết khen sếp, biết tự hào về sếp, ủng hộ sếp cũng là một ví dụ của nghệ thuật quản trị cấp trên. Nhưng khen hay ủng hộ cũng phải đúng liều lượng, đúng lúc đúng nơi chứ không bừa bãi quá đáng. Ranh giới giữa sự ủng hộ một cách trân trọng, thật tình, nhã nhặn và sự nâng bi nịnh bợ nhiều khi cũng rất mỏng manh.
Tóm lại, cách thăng tiến hay nhất và bền vững nhất là tìm cách giúp sếp thăng tiến để tạo cơ hội cho chính mình thăng tiến. Win-Win.
Tôi từng gặp một số doanh nhân thật lão luyện, mở miệng ra là khen nhân viên và các cộng sự của mình hết lời. Khen nhân viên giỏi không đồng nghĩa với chê mình dở mà ngược lại, nói lên tài dụng người, khả năng đào tạo và lãnh đạo của mình. Kiểu như giỏi như vậy mà còn phải làm dưới trướng mình. Cho nên đúng ra khen nhân viên là khen chính mình, nhưng được thể hiện một cách khôn ngoan và khéo léo, dễ được mọi người xung quanh chấp nhận.
Ngược lại có không ít người chỉ toàn chê nhân viên dở nên mình phải tự tay làm tất cả, thậm chí chê luôn cả cấp trên quản lý trực tiếp của mình. Vậy mới tệ. Trong trường hợp này mình đã vô tình gửi đi một thông điệp “chết người”, đó là: mình giỏi hơn sếp và coi sếp không ra gì!
Mà chết người thiệt, vì trước sau gì mình cũng chết, vì không có một ông sếp nào không muốn được mọi người xung quanh nể trọng, đặc biệt là nhân viên thuộc cấp. Ngày được tăng lương tăng chức đã xa nay càng xa thêm. Còn trụ lại được trong công ty là đã may mắn.
Được làm thay sếp là cả một sự tin tưởng được gửi gấm trong đó. Đừng bao giờ nghĩ là mình rành hơn người khác một hai việc là giỏi hơn người ta tất cả, mà mỗi người mỗi chuyên môn, và chuyên môn của sếp là phân việc, phân công và điều hành mình!
Có người khác rất khôn, không những biết trân trọng đối với sếp đương nhiệm mà còn đối với sếp cũ, chỉ toàn khen chứ không chê. Ở đây có ít nhất hai điểm hay:
Thứ nhất, sếp mà giỏi thì nhân viên không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc - nên cũng giỏi theo. Nghĩa là mình tự xác định mình giỏi một cách kín đáo.
Thứ hai, những lời khen hay lời chê thường có cánh, trước sau gì cũng sẽ đến tai sếp cũ lẫn sếp mới. Sếp cũ thì gật đầu tấm tắc, còn sếp mới thì không khỏi hài lòng khi suy ra trường hợp của chính mình sau này. Nên khi có cơ hội thì mạnh dạn mà giao việc, đề bạt. Chỉ có tốt đến tốt. Còn đem khuyết điểm cũ của sếp đi kêu ca thì có lợi gì cho mình?
Nói tốt về người khác suy cho cùng là một thói quen tốt. Coi vậy mà không phải dễ, vì có không ít người cứ mở miệng ra chỉ toàn chê người khác. Vì bản chất con người nói chung là thích chê nhiều hơn khen. Chủ động thay đổi thói quen xấu này, và chuyển những thứ tiêu cực thành tích cực là một kỹ năng mà không phải tự nhiên ai cũng có. Và nó là một phần quan trọng trong công tác quản trị các mối quan hệ dù là đối với cấp trên hay cấp dưới.
Trong công việc hàng ngày, để quản trị cấp trên cho tốt thì nhân viên phải hiểu rõ cá tính, thói quen, phong cách làm việc của sếp. Không có cách nào khác hơn. Và đừng trông chờ một cách vô lý là sếp phải hiểu ý mình!
Mỗi sếp mỗi khác. Có người thì thích đọc báo cáo dài dòng, chi tiết, còn có người thì thích ngắn gọn, xúc tích, thậm chí khỏi viết báo cáo, cứ đi thẳng đến văn phòng mà gõ cửa bước vào. Có người thì thích nhân viên góp ý thẳng thẳng, càng gai gốc, càng cá tính càng khoái, còn có người thì thích đâu đó phải nhỏ nhẹ, đàng hoàng, từ tốn, có rào trước đón sau. Có người thì thích quần áo chim cò, bay bướm cho nghệ sỹ nhưng có người lại thích nghiêm túc cổ điển, kính cổng cao tường. Nội chuyện quần áo mặc không đúng gu thôi mà có khi cũng gây nhiều trở ngại trong mối quan hệ, tuy là không có sếp nào nói ra!
Hiểu được “gu” của sếp là coi như thành công hết 50% trong khâu quản trị ngược dòng này. 50% còn lại là làm như thế nào để dung hoà cá tính và thói quen của mình vào trong bối cảnh đó. Coi vậy mà cũng có thể là một thách thức lớn, nhất là đối với những ai sở hữu một cá tính mạnh mẽ.
Cho nên đi phỏng vấn xin việc cũng phải lưu ý là mình cũng đang âm thầm phỏng vấn người phỏng vấn mình và là sếp tương lai của mình. Nếu cảm thấy không thoải mái, không hợp gu và mình lại là người khó thay đổi, thì nên rút lui ngay từ đầu, tiết kiệm thời giờ cho cả hai phía.
Và một khi đã chấp nhận cái job rồi thì phải chấp nhận sự khác biệt, phải chấp nhận xuôi theo dòng nước mà chảy chứ không cố gắng đi ngược lại. Phải học cách sống với nó một cách vui vẻ, chủ động, hiệu quả. Đó là nghệ thuật của khâu quản trị ngược dòng.
Bài chia sẻ từ facebook của anh Lý Quí Trung
Từ Sydney