Chai bia Việt

Mấy hôm nay muốn viết một bài về chai bia 333 ở xứ Úc nhưng cứ đắn đo sợ mang tiếng quảng cáo công không cho thương hiệu này, nhất là nghe nói có cuộc đấu đá diễn ra giữa chai bia 333 và chai bia 33 thời trước 75 sau này được phục hồi lại.


Đúng ra đối với tôi, 3 con số 3 hay 2 con số 3 cũng không quan trọng lắm, mà điều quan trọng là thương hiệu này đến từ Việt Nam.

Nhìn nó nằm chểm chệ trên bàn trong nhà hàng của mình mà thấy sướng. Thực khách cũng thấy thích vì hầu như ai cũng muốn uống thử chai bia made-in-vietnam chính cóng khi thưởng thức các món ăn Việt. Lại còn vui vui khi được mấy cô phục vụ mặc áo bà-ba duyên dáng chỉ cho cách phát âm chuẩn bằng tiếng Việt chữ “ba-ba-ba”. Thành ra bỏ ra cũng mấy đô-la mà hưởng được nhiều hơn bình thường!

Rồi chợt nghĩ chai bia 333 này cũng đang góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đây. Vì nhiều thực khách địa phương khi săm soi chai bia sẽ không khỏi liên tưởng đến suy nghĩ “Ồ Việt Nam cũng có bia ngon ghê, đâu thua gì mấy nước có xuất khẩu bia trên thế giới!”. Nên mỗi chai bia là mỗi băng-rôn quảng cáo đất nước hình chữ S nằm ngay trên bàn.

Nên cái hay của chai bia so với mấy sản phẩm khác là độ “visual exposure” của nó, không như đôi dép hay đôi giày phải lật chân lên mới thấy được hiệu. Ngay cả ly cà phê sữa đá đã nổi tiếng khắp thế giới rồi cũng vậy, nhãn mác, thương hiệu thường nằm trên bao bì gói cà phê nằm tận trong quầy pha chế.

Rồi chợt suy nghĩ tiếp, ước gì một ngày nào đó chai bia mang thương hiệu Việt này có thể len vào tất cả các nhà hàng ở Úc chứ không cần phải nương nhờ đến nhà hàng Việt Nam mới có mặt được. Như bia Asahi của Nhật, bia Heineken của Ha Lan, bia Tiger của Singapore, San Miguel của Phillipines…đã làm được.

Đặc biệt tại thị trường Úc trong 10 năm gần đây các thương hiệu bia của Châu Á đang bùng phát dữ dội, liên tục nới rộng thị phần và giúp tổng sản lượng bia tiêu thụ tại nước Úc phát triển không ngừng. Cũng tự nhiên thôi, vì vai trò của Châu Á đối với Úc ngày càng quan trọng, từ kinh tế đến chính trị, ngoại giao. Bối cảnh này là một điều kiện rất thuận lợi cho chai bia Việt.

Bia Tsingtao made-in-china đã bắt đầu có tiếng nói tại thị trường Úc, cùng sánh vai với bia Kingfisher của Ấn Độ và bia Chang của Thái Lan. Bia Chang của Thái mới đáng khen, thâm nhập vào thị trường này khá muộn màng nhưng đã chen chân vô được hệ thống chuỗi siêu thị Woolworth lớn nhất tại Úc.

Không biết chính phủ Thái có chủ động hỗ trợ gì cho thương hiệu bia Thái này hay không, như họ đã từng hỗ trợ cho mấy ngàn nhà hàng Thái trên khắp thế giới vào đầu những năm 2000. Nếu không lầm thì đó là chương trình marketing mang tầm quốc gia của Thái với chủ đề “gastro-diplomacy” hay “ngoại giao bằng con đường ẩm thực”, ngoại giao thông qua cái bao tử! Trong chiến dịch này, chính phủ Thái chủ động hỗ trợ giúp đỡ người Thái bằng nhiều cách để mở thêm nhà hàng Thái tại hải ngoại, trong đó không loại trừ hỗ trợ về vốn.

Nghĩ đến đây thì thấy sốt ruột cho chai bia 333 hay bất kỳ thương hiệu nào khác của Việt Nam. Thấy nó lẻ loi quá. Về chất lượng sản phẩm, đóng gói bao bì, giá cả, bia made-in-vietnam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu khác của Châu Á. Chỉ cần quảng cáo, quảng bá, tiếp thị, đầu tư cho đủ đô, đủ tầm thì cơ hội mở ra rất lớn. Cho doanh nghiệp Việt Nam và cho hình ảnh của Việt Nam.

Nhưng lại có quá nhiều câu hỏi lăn tăn trong đầu, là liệu hình ảnh chai bia, một sản phẩm có cồn như vậy có nhiều tiềm năng hay xứng đáng được hỗ trợ khi đi ra thế giới? Và nếu hỗ trợ thì hỗ trợ như thế nào? Rồi ngoài chai bia ra, các sản phẩm hay thương hiệu nào khác của Việt Nam nên được chú ý đầu tư, hỗ trợ theo kiểu có chiến lược marketing của cả một quốc gia? Và quan trọng hơn nữa, chính phủ Việt Nam có nghĩ đến, hay có đủ điều kiện và ngân sách để phát động các phong chiến dịch như kiểu chính phủ Thái Lan đối với ngành nhà hàng hay chính phủ Hàn Quốc đối với ngành âm nhạc, điện ảnh?

 Bài chia sẻ từ facebook Lý Quí Trung
Từ Sydney - Úc.
0 Nhận xét