Đức tính chính trực.

Bạn nên đọc hết bài này, cho dù đang rất bận.


Chính trực là cái gốc của phát triển bền vững. Phát triển bền vững trong hợp tác làm ăn, trong quan hệ xã hội và trong cả quan hệ bạn bè.

Đáng buồn hai từ cao quý này ở ta rất bị xem nhẹ, chưa được hiểu đúng và bị vi phạm thường xuyên. Sau đây là câu chuyện của một người bạn trên Facebook inbox cho tôi giãi bày bức xúc và nhờ chia sẻ để mong rằng ai đó làm chuyện tương tự hãy biết xấu hổ, ai đó chưa vi phạm thì đừng để nó xảy ra.

Bên em có 1 nhân viên technical support, bạn này đã nghỉ công ty được 6 tháng, tuy nhiên bạn này trước khi nghỉ thì đã có ý định từ rất lâu về việc kinh doanh riêng của bạn đó. Vì thế trong khi đi gặp các khách hàng quan trọng, khách hàng tiềm năng thì đều sử dụng số điện thoại cá nhân để liên hệ với khách thay vì số điện thoại công ty cấp để liên hệ với khách (công ty em cung cấp cho toàn bộ nhân viên mỗi người một số di động để liên lạc khách hàng). Do đó, khi bạn nghỉ thì bạn mang toàn bộ thông tin khách hàng đi và khách hàng vẫn liên lạc vào số cá nhân của bạn đó thay vì số công ty. Thật sự đây là điều không thể chấp nhận được. Thêm vào đó sau khi nghỉ bạn gọi điện cho nhân viên công ty, xin toàn bộ liên hệ của khách hàng và list dự án công ty đang theo. Rất may nhân viên công ty đã báo cáo việc này.

Một bạn khác cũng mới nghỉ ra mở công ty riêng cạnh tranh với công ty, trước khi nghỉ bạn lén chuyển hướng toàn bộ cuộc gọi tới số cố định của công ty, số di động công ty cấp cho bạn đó sang số cá nhân của bạn đó. Cũng rất may công ty phát hiện ra sớm nên chưa ảnh hưởng gì nhiều.

Thật sự 2 trường hợp này làm sếp em là người nước ngoài rất nghi ngờ và đánh giá thấp người Việt Nam rất nhiều. Em cũng cảm thấy rất xấu hổ về việc này.

Tôi rất chia sẻ với câu chuyện của bạn. Khuất tất mới chỉ là một trong nhiều hình thái của hành động phi chính trực.

Gian dối hay mưu cầu lợi ích cá nhân không đoàng hoàng, thiếu minh bạch. Tại sao những điều đáng xấu hổ này xảy ra ở nhiều người, nhiều tổ chức như vậy? Tại sao có nhiều người làm những điều này không chút mảy may hổ thẹn dù một chút trong lương tâm?

Gốc rễ có lẽ là họ không được giáo dục dạy bảo từ lúc còn trẻ ý thức về sự trung thực và như thế nào là một hành động đáng xấu hổ. Mỗi khi mọi hành vi tốt xấu bị phụ thuộc hoàn toàn vào sự kiểm soát từ bên ngoài thì còn lâu chúng ta mới hy vọng có một con người văn minh, một tổ chức văn minh và một xã hội văn minh.

Chính trực, về bản chất, phải được hình thành và tự kiểm soát từ bên trong mỗi người. Phòng người ngay chứ không thể phòng được kẻ gian. Ông cha ta nói cấm có sai. Mỗi khi chưa tự dựng lên được cơ chế tự kiểm soát bên trong thì một cá nhân chỉ cần hở ra là gian dối ngay. Và họ không hề cảm thấy hối lỗi vì điều đó. Và đó mới là điều đáng sợ nhất. Gian dối nối tiếp gian dối từ đó mà ra cả.

Nhiều mối quan hệ xã hội, anh em, bạn bè đổ vỡ khi đụng đến lợi ích nhất là tiền bạc. Nguyên nhân sâu xa là ở suy nghĩ không chính trực của một bên hoặc cả hai bên.

Tôi sẽ ngay tức khắc dừng hợp tác với đối tác hay sa thải nhân viên nếu họ có biểu hiên không chính trực (Howard Schultz).

Ông Howard là người nhân văn và rộng lượng trong quan hệ người với người. Nhưng ông không hề có một gram thoả hiệp nào với phi chính trực.

Vì ông cũng như ở những xã hội văn minh, chính trực là tôn chỉ tiên quyết cho sự phát triển bền vững lành mạnh. Trong quan hệ kinh doanh, quan hệ xã hội và cả quan hệ bạn bè.

Bài chia sẻ từ facebook Đức Sơn
0 Nhận xét