Nhiều bạn trẻ inbox cho tôi hỏi rằng ''Em thích làm nghề bán lẻ như chị lắm, làm sao để em làm được?''; ''Chị chỉ giúp em nên học ngành gì để sau này làm nghề bán lẻ được với!'' ; ''Em thấy chị viết bài về bán lẻ hay, hẳn chị có nhiều kinh nghiệm trong ngành, chị giúp em chia sẻ bí quyết để thành công trong ngành này được không?''
Tôi đã chia sẻ với một vài bạn những gì mà mình biết về ngành này, mong các bạn có thêm thông tin để có thể chọn được công việc mình yêu thích. Hôm nay xin phép được chia sẻ thêm cho nhiều bạn trẻ khác cùng đọc về những kinh nghiệm của bản thân tôi trong một ngành đầy năng động và thử thách này.
Tôi may mắn có được thời gian trau dồi kinh nghiệm và học hỏi từ khi mới ra trường hầu như tại những công ty bài bản và chỉn chu về hệ thống bán lẻ. Ngay từ những ngày đầu khi hoàn toàn không biết bán lẻ là gì tôi đã được học những bài học về quy trình vận hành một counter tại TTTM hay một cửa hàng boutique một cách chi tiết thông qua việc thực hành từng công việc nhỏ nhất. Từ chuyện phải đi order từng cái bảng tên đeo cho nhân viên bán hàng, khiêng hàng thùng thùng, làm thủ kho, lên assortment cho cửa hàng mới mở, cách in tem sản phẩm như thế nào, thực hiện giấy tờ lưu hành sản phẩm ra sao cho đến việc lớn hơn là tuyển dụng nhân viên, deal với supplier, chủ nhà cho thuê, deal với cả chính quyền…. Nếu hỏi tôi tại sao tôi biết mình hợp với bán lẻ mà chọn, tôi xin trả lời rằng tôi được nghề chọn chứ không hề biết cách chọn nghề ngay từ những ngày đầu khi còn là cô intern chưa biết gì. Tôi vốn dĩ thích làm marketing, nhưng hỡi ơi tôi chưa bao giờ được làm một công việc về marketing đúng nghĩa như mong muốn. Về sau khi bắt đầu dấn thân sâu hơn vào công việc của một nhân viên vận hành bán lẻ, tôi mới cảm thấy sự thú vị mà công việc đem đến. Từ đó tôi biết nghề chọn tôi mất rồi.
Vậy để trở thành một người có thể làm việc, điều hành một hệ thống bán lẻ các bạn trẻ cần có những kỹ năng và bước đường đi sẽ như thế nào?
1. Nếu có cơ hội hãy đừng ngần ngại làm một nhân viên bán hàng - cấp độ thấp nhất trong một hệ thống bán lẻ, nhưng vai trò thì vô cùng quan trọng. Vì đây là vị trí thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và trau dồi nhiều kỹ năng nhất. Hãy tìm và dấn thân cho những công ty có sự đầu tư bài bản. Hãy đi phỏng vấn và hỏi thật nhiều xem mức độ đầu tư của họ vào nhân viên đến đâu thông qua những chính sách và sự training cho nhân viên. Vì khi làm với những công ty này, nhất là nếu đó là công việc đầu tiên của các bạn, nó sẽ là một nền tảng trong mindset cực kỳ quan trọng, có thể làm thay đổi cả tư duy của bạn, có khả năng ảnh hưởng đến bước đường sự nghiệp của bạn sau này. Bạn sẽ hỏi tôi, nếu bạn không có đủ kinh nghiệm để vào những công ty lớn và thương hiệu bài bản như vậy mà vẫn thích làm nghề thì phải làm sao? Làm cho những start-up thì chắc chắn mức độ đầu tư của họ có giới hạn. Vâng đúng như vậy, làm cho những start-up các bạn hãy nhìn vào người chủ công ty và người sếp trực tiếp của các bạn. Bạn có tin họ, tin những gì họ đang xây dựng, tin vào cái công việc mà họ đang sell cho bạn hay không. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm chọn lựa, đừng ngại, chúng ta có với nhau 2 tháng để thử việc cơ mà.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều người thành công trong ngành này đi lên từ vị trí nhân viên bán hàng. Giờ họ là những người quản lý cấp cao với những title rất kiêu Education Manager, Retail Operation Manager, Retail Director. Tôi và rất nhiều trường hợp khác không đi lên từ con đường này. Con đường thứ hai các bạn có thể đi giống tôi là hãy trở thành người “vận hành hệ thống bán lẻ” (tiếng anh gọi là Operation Executive), cấp độ thấp nhất. Đây là công việc làm tại văn phòng, không phải tại cửa hàng như nhân viên bán hàng, có 50% là xử lý công việc admin của nguyên cả một hệ thống bán lẻ, 50% còn lại bạn học cách vận hành từ sếp trực tiếp của bạn, người chịu trách nhiệm trong việc quản lý điều hành cả hệ thống. Để làm việc trong vi trí này cấp độ junior hoặc fresh graduated thì dĩ nhiên kinh nghiệm của bạn là điều không ai kiểm chứng được vì bạn chả có gì cả. Nhưng trong suốt thời gian thực tập hay trong buổi phỏng vấn hãy chứng minh hết cái sense, cái năng lực tương lai, cái điểm mạnh mà bạn có. Tôi may mắn gặp được những người sếp đầu tiên trong cuộc đời đi làm của mình là người luôn có mindset xem trọng việc đào tạo cho những nhân viên mà họ thấy có tiềm năng. Vì thế tôi luôn trân trọng những ngày tháng gọi là làm để học, dấn thân rất nhiều, từ những việc rất nhỏ, làm hết sức. Công việc đầu tiên tôi có được là do được offer giữ lại làm việc tại một văn phòng đại diện của một tâp đoàn mỹ phẩm lớn, trong khi có đến 5 bạn cùng đi thực tập tại đây không nhận được offer. Làm cho người sếp nhìn thấy khả năng của bạn là rất quan trọng. Con đường này thì mức độ thăng tiến của bạn gần hơn nên đòi hỏi bạn có khả năng hơn, bạn không cần phải trải qua vài năm làm tại cửa hàng, từ nhân viên bán hàng, lên trưởng cửa hàng, rồi quản lý khu vực…. Nhưng hãy chọn con đường phù hợp nhất với năng lực của bạn nhé.
2. Hãy dấn thân vào ngành hàng mà bạn yêu thích, ví dụ mỹ phẩm, thời trang, hàng điện máy, hàng tiêu dùng trong siêu thị và nếu đã yêu thích hãy tập trung theo đuổi nó.. Ngày xưa khi được chọn công ty đi thực tập, tôi đã chọn mỹ phẩm, sau khi tiếp tục được giữ lại làm việc cho đến khi có offer tốt hơn tại một công ty bán lẻ khác tôi cũng chọn mỹ phẩm, sau đó tôi tiếp tục làm mỹ phẩm, có chuyển sang thời trang một thời gian và giờ tôi lại tiếp tục làm mỹ phẩm. Sau này khi có start-up làm công việc riêng của mình tôi cũng sẽ tiếp tục chọn mỹ phẩm. Tôi may mắn vì tôi chọn được đúng ngành mà mình yêu thích, cũng là thế mạnh của mình. Nếu bạn chọn sai, chắc chắn bạn phải mạnh mẽ chọn lại càng sớm càng tốt. Vì khi xác định được đúng ngành phù hợp với năng lực, con đường sự nghiệp của bạn sẽ đi lên một đường thẳng, profile bạn sẽ rất đẹp, không đi vòng vèo, bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều. Và đến một lúc nào đó, bạn chẳng cần phải đi xin việc, head hunter sẽ tự động gọi đến bạn khi bạn có một profile đẹp mà người nào làm trong ngành cũng thích.
3. Retail is detail. Tất cả moi thứ đều phải là check list, từ nhỏ đến lớn. Nếu bạn không phải là người có tính chi tiết thì đừng vào ngành này nhé. Cầu toàn là một tính sẽ bổ trợ tốt cho công việc trong ngành này. Khi nào bạn hài lòng với những tiêu chuẩn bản thân đặt ra cho nhân viên, cho hệ thống, khi đó khách hàng sẽ hài lòng. Nhưng đừng quá cầu toàn. Vì hàng ngày bạn sẽ phải xử lý rất nhiều việc về operation, nếu cầu toàn quá sẽ mất rất nhiều thời gian của bạn. Vậy detail như thế nào thì phù hợp? Đối với tất cả các đối tượng, thông tin, sự việc xảy ra trong cuộc đời làm retail của bạn, hãy chắc chắn là tất cả phải ''clean, clear, clarified''. Đây là nguyên tắc tôi tự đặt ra để áp dụng trong công việc của mình, các bạn có thể tham khảo.
4. Luôn nhớ như in những việc cần chỉn chu hàng ngày: hàng hoá, merchandise, thái độ nhân viên, doanh thu, customer service. Đó là những gì hàng ngày bạn phải đối diện và xử lý. Tất cả sẽ gói gọn trong hai cụm từ ''guideline'' và ''follow up''. Một khi không xây dựng được guideline thì còn lâu bạn mới follow up được. Và, bạn sẽ dần mất đi sự kiểm soát trong công việc. Điều này rất nguy hiểm. Ngoài ra, doanh số là thông tin lúc nào cũng phải nằm lòng trong tâm trí bạn. Khi bạn quản lý càng nhiều cửa hàng thì áp lực này càng tăng lên gấp nhiều lần.
5. Hãy tìm cho mình một quản lý bán lẻ mà mình ngưỡng mộ theo để học hỏi. Bạn sẽ học được rất nhiều khi ở bên cạnh một người sếp giỏi, có tâm và chịu đào tạo nhân viên.
6. Khi nào bạn suy tư với những thu chi của hệ thống mình đang làm, biết cách lên kế hoạch và theo dõi bảng P&L, bất cứ lúc nào cũng có thể nhận ra những vấn đề cần được chỉn chu và thay đổi, ngửi được mùi không an toàn của những kế hoạch kinh doanh, hiểu được khách hàng muốn gì.... Khi đó bạn đã đủ điều kiện để trở thành một người vận hành hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp! Để có được những thói quen này thời gian và công sức bạn ''lăn lộn'' với hệ thống không hề nhỏ. Nhưng khi đã có được những kinh nghiệm cũng như kỹ năng đó, bạn sẽ cảm thấy những gì mình bỏ ra cho công việc là không hề vô ích.
7. Nghề này không dành cho những người không muốn biết mặt con số và con số không biết mặt bạn là ai! Nếu bạn không thích số liệu, thì bạn sẽ gặp khó khăn trong vấn đề xử lý cũng như phân tích tình hình kinh doanh. Đây là công việc hàng ngày bạn phải thường xuyên thực hiện. Vậy nên thực hành phân tích để rèn luyện kỹ năng, nhuần nhuyễn các công cụ nhất là excel là kỹ năng không thể thiếu khi bạn muốn làm nghề bán lẻ.
Bán lẻ là một nghề rất thú vị, không có lý thuyết mà chỉ có thực hành, không có trường lớp đào tạo bài bản. Chính vì thế, sống được trong nghề một thời gian nhất định bạn sẽ trở nên đáng giá vì ngành này mỗi năm không có nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường cạnh tranh. Bù lại áp lực về con số sẽ là áp lực luôn đi theo bạn không bao giờ tách rời.
****
Trên đây là 7 điều mà tôi đúc kết được thông qua quá trình làm việc của bản thân mình. Hi vọng rằng các bạn sẽ hiểu được khái niệm, có sự suy nghĩ, chọn lọc cho chính mình. Mong rằng bài viết sẽ thực sự bổ ích với các bạn, nhất là những thông tin mà bạn sẽ khó tìm được trong trường lớp hiện nay.
P/s: Hình phía trên là 2 quyển sách về Retail mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn trẻ yêu thích ngành này nên đọc. Dĩ nhiên để áp dụng tất cả cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam thì không thể. Nhưng rất nhiều điều hay ho các bạn sẽ từ bài viết của tôi, rồi có thể tìm hiểu thêm từ những trang sách này. Khuyến khích các bạn nên đọc bản tiếng Anh, đọc chậm, rất chậm cũng được nếu kỹ năng tiếng Anh của bạn không tốt. Ngoài việc luyện khả năng ngoại ngữ thì các thuật ngữ trong ngành khi bạn đọc sách tiếng Anh sẽ cho bạn cái nhìn nguyên vẹn hơn, dễ nhớ hơn!
Chúc các anh chị và các bạn đầu tuần phấn khởi!
Cô nàng Retail Mỹ phẩm Vân Lê
Nguồn group QTvKN