Theo báo cáo 2017 Edelman Trust Barometer – đo niềm tin của con người trên thế giới thì niềm tin đang khủng hoảng nặng nề nhất từ trước đến nay trên toàn thế giới, và giảm đều từ niềm tin vào chính phủ đến niềm tin vào các tổ chức xã hội, vào cơ quan truyền thông, và ngay cả vào doanh nghiệp.
Truyền thông: 83% quốc gia được đưa vào nhiên cứu có mức độ tin tưởng vào truyền thông dưới 50%. Chỉ có 5 quốc gia mà truyền thông còn được tin trên 50% bao gồm Singapore, Trung quốc, Indonesia, Ấn độ, Hà lan.
NGOs – tổ chức xã hội: lần đầu tiên xã hội giảm niềm tin vào các NGO. Niềm tin vào các tổ chức xã hội này giảm dưới 50% tại các quốc gia như Mỹ, Trung quốc, Nhật, Đức, và Anh.
Chính phủ: 75% các quốc gia trong nghiên cứu có mức độ niềm tin với chính phủ dưới 50%.
Một trong những kết quả đáng lưu ý nhất là niềm tin vào doanh nghiệp. Người dân tin rằng doanh nghiệp vừa tạo ra lợi nhuận nhưng đồng thời cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Từ kết quả này, doanh nghiệp cũng nên nhìn lại các mình kết nối và đối thoại với cộng đồng. Đã qua rồi thời ta mải mê nói về thành tựu và sự hay ho của mình. Nếu cộng đồng đi tìm một niềm tin, ta đang làm gì để xây dựng và truyền thông niềm tin đó? Đây có lẽ là thời gian tốt nhất để doanh nghiệp quay lại với những nền tảng cơ bản nhất của mình – back to basics và hỏi mình những câu hỏi về chính sự tồn tại của bản thân doanh nghiệp. Chưa bao giờ nền tảng lại quan trọng với người dân, với cộng đồng đến thế. Vậy doanh nghiệp nên nhìn lại và đánh giá lại những nền tảng cơ bản nào?
Nền tảng 1: Purpose – Mục đích
Doanh nghiệp có đang:
- bảo vệ môi trường?
- xây dựng các chương trình mang lại ảnh hưởng tích cưc cho cộng đồng?
- tham gia giải quyết các vấn đề xã hội qua hoạt động vận hành của doanh nghiệp hàng ngày?
- kết nối với các tổ chức xã hội, chính phủ, và các bên thứ ba để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội?
Nền tảng 2: Integrity – Sự chính trực
Doanh nghiệp có đang:
- hoạt động với đạo đức kinh doanh?
- có trách nhiệm và hành động để tham gia giải quyết một vấn đề hay khủng hoảng xã hội?
- minh bạch trong hoạt động kinh doanh của mình?
Nền tảng 3: Engagement – Tương tác
Doanh nghiệp có đang:
- đối xử tốt với nhân viên?
- lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng?
- đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi nhuận?
- truyền thông và tương tác một cách chân thật với khách hàng?
Nền tảng 4: Products & Services – Sản phẩm & Dịch vụ
Doanh nghiệp có đang:
- đưa ra thị trường sản phẩm và dịch vụ đạt chất lượng?
- luôn sáng tạo để đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng tốt hơn?
Nền tảng 5: Leadership – Lãnh đạo
CEO của doanh nghiệp có đang:
- bản thân tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng, xã hội?
- xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng?
- hiểu vai trò của người CEO và giá trị mà mình bảo vệ?
Chẳng có lúc nào hay hơn là lúc chẳng ai tin ai để doanh nghiệp nhìn lại giá trị và nền tảng của chính mình. Mong các doanh nghiệp Việt Nam dành chút thời gian và trả lời những câu hỏi trên đây. Một giai đoạn phát triển mới vượt bậc có thể bắt đầu từ đó.