Biết là ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng mình vẫn phải viết, viết để giữ mình luôn hành xử đúng với các đối tác, viết để anh em trong ngành đọc.
Trước đây, tôi có đọc 1 câu chuyện diễn ra ở trời Âu (hình như bên Đức) là ai ai lên tàu điện đều phải quẹt thẻ mặc dù không có ai canh gác hay nhắc nhỡ, nhưng khi một số người nước ngoài đến thì họ lại nghĩ không có ai kiểm soát thì quẹt thẻ làm gì cho tốn tiền, tốn công và bộ phận người này lại nghĩ sao người ở đây họ ng* vậy. Nhưng họ đâu nghĩ rằng, những người dân ở đây trong đầu họ không có khái niệm khôn lỏi hay lách luật kiểu như thế vì họ được đào tạo từ nhỏ là cứ dùng dịch vụ là phải trả tiền, trả tiền để được tiếp tục phát triển, tiếp tục sử dụng dịch vụ tốt hơn.
Ở đây, xin chia sẻ đến các anh chị và các bạn câu chuyện về lĩnh vực tư vấn quản trị doanh nghiệp:
Có 1 doanh nghiệp rất lớn đã đầu tư và áp dụng dự án ERP hàng triệu USD trước đó và đội ngũ trong Ban CNTT tham gia hỗ trợ vận hành riêng cho giải phải pháp này lên đến hàng chục nhân sự. Doanh nghiệp này có nhu cầu mở rộng thêm 1 giải pháp mà trên thị trường ít có đối tác có kinh nghiệm về nhu cầu này và tất nhiên là đội ngũ nhân sự trong ban CNTT của họ cũng vậy.
Họ tìm hiểu thông qua các mối quan hệ trên thị trường, cuối cùng họ tìm đến chúng tôi vì chúng tôi là đối tác có khả năng giải quyết và tư vấn giải pháp tốt yêu cầu này.
Vì chúng tôi là công ty trẻ/mới nên phải đầu tư nhiều nguồn lực để đảm bảo rằng giải pháp và phương án chúng tôi đề xuất là tốt nhất, phù hợp nhất để giúp họ dễ dàng quyết định lựa chọn chúng tôi trong dự án này. Và như vậy chúng tôi đã tiêu tốn khoảng 20 ngày công (mandays) cho 1 team với 3 nhân sự trong quá trình khảo sát, chuẩn bị giải pháp demo và trình bày thuyết phục 2 đợt: đợt 1 cho Ban CNTT, đợt 2 cho Ban quản lý nghiệp vụ.
Và chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực và toàn bộ giải pháp mà chúng tôi trình bày và đề xuất đều đáp ứng được đúng nhu cầu và mong đợi của cả 2 đội CNTT và nghiệp vụ. Và họ yêu cầu chúng tôi gởi hồ sơ đề xuất giải pháp và chi phí.
Dù đây là 1 công ty rất lớn, vừa mới được đầu tư bởi đối tác nước ngoài nhưng chúng tôi không vì thế mà đề xuất chi phí dựa trên những yếu tố này. Chúng tôi có phương châm là làm bao nhiêu nguồn lực thì tính bấy nhiêu chi phí và hơn nữa đơn giá chúng tôi ở mức vừa phải nên họ rất hài lòng sau khi nhận báo giá.
Vậy mà sau khi doanh nghiệp này họp nội bộ, chúng tôi được chia sẻ rằng lãnh đạo quyết định nội bộ Ban CNTT tự xây dựng và triển khai gói giải pháp này mà không phải thuê chúng tôi. Và tất nhiên quyết định này được Ban CNTT đồng ý và chấp nhận tự làm.
Khi vừa nhận tin này, tôi lắc đầu ngao ngán vì 1 công ty to nhất nhì trong ngành của mình mà lại hành xử với chúng tôi - 1 công ty trong nước như vậy. Để có được giải pháp tốt và chi tiết như vậy thì ngoài sự tận tâm, sự đầu tư, chúng tôi phải tích luỹ hàng chục năm qua mới được kết quả như vậy. Mà việc quyết định này vừa là tư duy của ban lãnh đạo công ty, vừa là tư duy của lãnh đạo CNTT của doanh nghiệp vì nếu chúng tôi không tư vấn chi tiết tất cả giải pháp để nhằm mục đích họ yên tâm chọn chúng tôi thì họ có thể tự làm được không?
Đến đây tôi nhớ câu chuyện: "Giá 100$, trong đó 1$ là công gõ, còn 99$ là tìm đúng chỗ để gõ 1 lần."
Tư duy và hành xử của lãnh đạo và lãnh đạo CNTT một công ty lớn như vậy thì hầu hết nhân viên dưới quyền mình sẽ tư duy như thế nào với giá trị chất xám của các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn như chúng tôi? Và sự lan toả của tính khôn lỏi này sẽ kiềm hãm như thế nào đến với cộng đồng doanh nghiệp và hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam với quốc tế?
Cuối cùng KLQ là:
- Thắng không quá vui.
- Bại không buồn lắm.
- Và đặc biệt chờ đợi là không nản.