(PL)- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết khi nào có kết quả cụ thể về vụ kiện thì sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN |
Chiều 30-8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 với sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người phát ngôn của Chính phủ.
Cuộc họp báo nóng bỏng với nhiều vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay như vụ VN Pharma, vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, kết quả thanh tra biệt phủ Yên Bái, đề xuất mời đối tác Trung Quốc ở dự án sân bay Long Thành…
Pháp Luật TP.HCM lược ghi những nội dung chính của buổi họp báo (riêng nội dung về VN Pharma xin xem trang 4).
Thanh tra biệt phủ Yên Bái đã quá hạn
. Phóng viên: Cuộc thanh tra liên quan đến tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 7 nhưng đến nay Thanh tra Chính phủ (TTCP) nhiều lần trì hoãn. Xin hỏi khi nào thì có kết quả vụ này?
+ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Đối với vụ việc Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý, TTCP đang tiến hành thanh tra.
Thời hạn kết luận thanh tra của TTCP đã quá hạn rồi, hiện đang trong quá trình hoàn thiện để kết luận, công bố. Thanh tra đang tiến hành làm, sau đó sẽ công bố sớm vấn đề khối tài sản thế nào, sử dụng đất đai thế nào. Tất cả vấn đề liên quan đến khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý sẽ được công bố sớm.
Tòa đang xem xét, chúng ta phải đợi
. Quan điểm của Chính phủ về vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, một người Hà Lan gốc Việt, đòi bồi thường 1,25 tỉ USD tại một tòa án quốc tế?
+ Ông Mai Tiến Dũng: Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay tòa án quốc tế đang xem xét việc tranh chấp. Như các báo đều biết, vì vấn đề bảo hộ đầu tư nên một khi địa phương, một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết, không thực hiện đúng điều luật thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện Chính phủ. Vậy cho nên hiện nay vấn đề này tòa án đang xem xét, chúng ta phải đợi.
Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là chúng ta sẽ rất minh bạch, tạo môi trường, tạo niềm tin. Trong tám tháng nay vốn đăng ký mới, vốn bổ sung, vốn mua cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 23,3 tỉ USD và tăng 45,1% so với cùng kỳ, điều này không phải là tự nhiên có.
Hiện nay, làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất tốt nhưng chúng ta phải kiểm tra lại, xem xét lại việc ở chỗ nào đó, địa phương nào đó thực hiện không đúng quy định pháp luật, từ đó tạo ra những tranh chấp. Tranh chấp này không giải quyết dứt điểm thì họ kiện lên tòa án quốc tế. Về vấn đề này, khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí.
Hoan nghênh mọi nhà đầu tư
. Vừa qua Gelaximco có bày tỏ đề xuất sẽ cùng các đối tác Trung Quốc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về đề xuất này như thế nào khi rất nhiều dự án có đối tác Trung Quốc đang bị nợ vốn và chậm trễ thời gian?
+ Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT: Liên quan đến việc đề xuất đầu tư Cảng hàng không sân bay Long Thành, quan điểm của Bộ là hoan nghênh tất cả nhà đầu tư. Trong nghiên cứu tiền khả thi của dự án để xin chủ trương đầu tư cũng đã nghiên cứu định hướng một số hạng mục Nhà nước có thể sử dụng vốn đầu tư công, một số có thể thu hút được thành phần kinh tế khác.
Hiện dự án đang trong giai đoạn tuyển chọn tư vấn, chưa hoàn thành xong nghiên cứu khả thi. Đến khi được các cấp có thẩm quyền, ở đây là Chính phủ, thẩm định, trình Quốc hội thông qua, bước tiếp theo chúng ta mới xem xét lựa chọn đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, thu hút vốn đầu tư vào hạng mục của khối kinh tế tư nhân và đầu tư công theo đúng quy định đầu tư xây dựng của Nhà nước.
Liên quan đến quan ngại nhà đầu tư này, nhà đầu tư kia, tôi xin trả lời là việc lựa chọn nhà đầu tư có tiêu chí, đánh giá, có lựa chọn thông qua đấu thầu. Chúng tôi lựa chọn nhà đầu tư phải kiểm soát tiến độ, giá thành trên cơ sở hồ sơ đấu thầu…
Còn nhiều giấy phép con, giấy phép cháu
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tám tháng đầu năm, lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả tám tháng năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 104.511 doanh nghiệp. Tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm đạt 11 triệu tỉ đồng, trong đó vốn đăng ký mới là 822.000 tỉ đồng.
Cũng trong tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ đã có phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, trong đó có thảo luận về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hiện theo thống kê có tới 5.719 điều kiện kinh doanh. Thủ tướng đã giao Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, yếu kém như giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó vẫn còn vấn đề về thuế, phí đối với doanh nghiệp, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc…
TUYẾN PHAN lược ghi
Báo PHÁP LUẬT TP HCM