Nguyên nhân khiến Metro Sài Gòn "nợ như Chúa Chổm" khi bị đội vốn từ 19.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, ơn giời, cuối cùng đã được xác định. Và lần này, cũng không gì lạ, là vì "thiếu kinh nghiệm"!
3 cái chữ này, được chính Trưởng BQL Đường sắt đô thị xác nhận nhẹ tênh, thanh thản như thể đó là chuyện dĩ nhiên vậy. Theo ông, Metro Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) khởi sự năm 2006, "thủa ấy", đơn vị tư vấn trong nước thiếu kinh nghiệm do loại hình đường sắt đô thị (metro) còn quá mới mẻ tại Việt Nam nên chưa cập nhật được giá trị đầu tư thực tế.
Đã đành là nó mới mẻ, nhưng tổng dự toán 19.000 tỷ đồng bị đội lên 47.000 tỷ đồng, hay quy đổi dollar là từ 1 tỷ USD đã tăng lên 2,49 tỷ USD mà bảo là vì "thiếu kinh nghiệm" thì kể cả bảo là vì dốt cũng chẳng ai tin đâu.
Đường sắt trên cao suất hiện tại Liverpool từ năm...1893. Và trong hơn 1 thế kỷ qua, công nghệ đường sắt đô thị cũng như suất đầu tư đã trở thành những cái chuẩn, nhấn mạnh là để cạnh tranh.
Mỗi một quốc gia, khu vực địa lý có mức độ đầu tư khác nhau, và TPHCM có cái khó là công tác giải phóng mặt bằng không ít tốn kém, nhưng không thể vì thế mà đem "kinh nghiệm" ra để giải thích cho việc lách luật từ một dự án hàng chục ngàn tỷ chứ không đơn giản như một dự án nhà WC công cộng.
Giờ đây, chỉ vì sự "thiếu kinh nghiệm" ấy mà Metro Bến Thành - Suối Tiên nợ như Chúa Chổm và phải ngửa tay xin tiền từ TƯ. Ví dụ như năm 2017, tuyến Metro này cần 5.400 tỷ đồng, nhưng đến tháng 4.2017, Trung ương chỉ phân bổ khoảng 2.000 tỷ đồng.
Do nhà thầu không được thanh toán, không có tiền trả cho công nhân dịp Tết 2017, thành phố phải "tạm ứng" 600 tỷ đồng và mới đây ứng tiếp 500 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu. Số tiền này như muối bỏ biển vì bình quân mỗi tháng, TPHCM cần thanh toán cho nhà thầu từ 500 - 600 tỷ đồng nếu không muốn nó thành ra một cái dự án cao su không biết bao giờ mới xong.
Xét ra, dự án ngàn tỷ này đang có những sai phạm rất hiển nhiên chứ không đơn thuần chỉ là đội vốn.
Và xét ra, "thiếu kinh nghiệm", một lý do không phải là lý do, nếu mà được chấp nhận như một sự đã rồi thì ngân sách nhà nước, thì người dân còn phải gánh chịu nhiều hậu quả, còn phải nhiều lần chết đứng.
"Thiếu kinh nghiệm", trong một thế giới phẳng, trong bối cảnh một nền kinh tế mở và cạnh tranh với những nhà thầu so kè từng xu là một sự nực cười.
Và "thiếu kinh nghiệm" với hậu quả là mấy chục ngàn tỷ đồng đội vốn, nó giống như sự chế nhạo, thậm chí như một sự xúc phạm những người đóng thuế vậy.
ANH ĐÀO
Báo Lao Động
Link gốc: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/da-phat-hien-ra-nguoi-lanh-chiu-14-ty-usd-roi-563880.ldo