Gởi đến các bạn đang ở trong tình cảnh: đóng startup hay đi tiếp!

Đây là phần đầu của status do bạn Hải Hà Nguyễn học viên CEO Khởi nghiệp HN2, viết trong Group của lớp (bạn đã đồng ý cho tôi đăng câu chuyện và tên của bạn).


“Kính gửi thầy Lâm Minh Chánh, thầy Hoàng Tùng và toàn thể các anh chị,

Ngày 16/09/17 là một ngày có giá trị rất lớn đối với em.

Hai ngày qua, em đã suy nghĩ rất nhiều rồi mới đưa ra quyết định khai tử cho cửa hàng của mình. Bản thân em giờ này là minh chứng rõ ràng nhất của câu nói: khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng và kết thúc với 1 đống nợ to".

Cửa hàng của em đã được tròn 1 tuổi, qua bao thay đổi, cuối cùng cũng chỉ đi đến được ngày hôm nay. Nếu tiếp tục cố chấp, cái em nhận lại sẽ là một khoản nợ ngày càng lớn mà thôi. Cửa hàng em tập hợp rất nhiều lý do để thất bại, trong số 15 lý do thất bại của thầy Lâm Minh Chánh, thì chiếm đến 7 lý do….”

Sau đó, tôi (LMC) đã viết, tư vấn cho bạn như sau:

Ai ở trong cuộc thì mới biết, doanh chủ yêu thương startup của mình như thế nào, và đau đớn khổ sở đến tột cùng khi thấy đứa con ruột của mình chết dần dần ngay trong trước mắt mình mà không làm gì được. Cảm giác đó phải là người trong cuộc thì mới thấu, mới hiểu…Còn những người khác như doanh nhân chỉ thành công chưa thất bại, các nhà quản lý, các nhà tư vấn...…dù có thông minh có mẫn cảm đến đâu cũng chỉ “feel” được phần nào thôi. Không thể nào thấu hiểu sâu sắc được tình cảnh startup sắp chết đau đớn và khủng khiếp như thế nào.

Sau 2 start up thành công vang dội, tôi bị "chết" ở startup thứ ba. Tháng nào cũng lỗ vài trăm triệu. Lúc đầu thì tôi lấy lời từ nơi khác đưa qua. Sau đó thì khoản lỗ ngày càng nặng, và tôi cũng không còn xông xênh nữa. Thế nhưng tôi đã kéo nó đến gần 3 năm trời. Có 2 lý do chính.

- Lý do thứ nhất: tôi quá tiếc những gì tôi đã đầu tư: tiền bạc, công sức, và thương hiệu...Đã đầu tư đã bỏ chi phí thì phải gỡ lại. Suy nghĩ đó là 1 suy nghĩ cực sai. Chính tôi đã viết 1 bài đầu đề “Chi phí chìm” trên báo Kinh Tế Sài Gòn những năm 2005, Bây giờ tôi lại mắc phải. Trong tài chính, những gì chúng ta đã bỏ ra, đầu tư trong tài chính gọi là chi phí chìm. Chúng ta kg được tiếc và tính về nó nữa. Điều chúng ta cần tính là: bắt đầu từ bây giờ: đi tiếp lợi hơn hay ngừng lại, bán đổ bán tháo thì lợi hơn. Dân tài chính, tính ra những phương án: và phương án nào lợi thì họ đề nghị.

Thế nhưng nhiều người vẫn không hiểu điều này. Họ nghĩ đơn giản, giống như con bạc. Nãy giờ thua quá, giờ phải gỡ. Việc thua trong quá khứ là đã xảy ra. Việc quan trọng là tương lai mình sẽ đánh như thế nào. Mình có kinh nghiệm để thắng, hay là mình say máu để thua thêm. Chứ đâu có phải đã thua rồi sẽ thắng lại.

- Lý do thứ hai còn quan trọng hơn lý do thứ nhất đó là sự sĩ diện. Tôi là quản lý cấp cao của các tập đoàn, học MBA học bổng từ những năm 97-99, đi dạy CEO, quản lý, ra startup 2 cái đầu tiên thành công vang dội, bây giờ tuyên bố thua startup này thì còn gì là mặt mày nữa??? Tôi không thể nào chịu đựng được việc này. Chính điều này đã làm tôi quyết định sai, mất tiền và khổ sở hơn 2 năm.

Nhưng, sống “đủ” lâu tôi biết rằng những suy nghĩ đó là sự sĩ diện hảo. Thật sự thì chẳng ai thật sự quan tâm đến mình cả. Họ chỉ quan tâm đến họ. Họ không nghĩ gì về mình đâu, mà họ đang suy nghĩ rằng mình đang nghĩ gì về họ. Câu chuyện của mình cũng chỉ là 1 chút hương hoa để họ tám hay đố kỵ thôi, rồi họ sẽ quên nhanh thôi. Và nhất là khi chúng ta quay lại làm startup up mới thành công thì họ không còn nhớ gì nữa. Mà nói cho cùng, mình sống cuộc sống của mình, chứ không nên sống cuộc sống cho người khác.

Nếu cho tôi quay lại những năm đó. Tôi sẽ đặt câu hỏi như sau cho mình: 6 tháng nữa, mình có chiến lược gì khác? 6 tháng nữa mình có nguồn khách hàng nào khác? 6 tháng nữa sản phẩm của mình có thay đổi gì đột biến? 6 tháng nữa tôi có đạt số khách, doanh số để quỹ đầu tư vào…. Nếu có 1 hy vọng nào có cơ sở, tôi sẽ tận lực.

Còn nếu không thấy có cơ sở nào cho 1 sự thay đổi lớn, khác biệt… mà chỉ là những cố gắng hơn 1 chút, và mong chờ vào sự may mắn nào đó từ trời rơi xuống thì tôi sẽ đóng cửa sớm. Kết quả đã thấy trước sao phải kéo dài sự mất mát. Hãy để cái đầu mình tươi tỉnh, hãy tạm nghỉ ngơi, dù chỉ 1, 2 ngày để có thể startup cái mới. Mục tiêu cuối cùng mới chính là cái đang quan tâm, startup hay doanh nghiệp cũng chỉ là những phương tiện đưa ta tới mục tiêu.

Hết cái này sẽ có cái khác, nếu đầu chúng ta còn lạnh, còn chịu suy nghĩ, còn chịu học hỏi, tim chúng ta còn nóng.

Thân ái
Nguồn group QTvKN
0 Nhận xét