Hình ảnh nhiều sinh viên, bạn trẻ đứng xếp hàng đợi cơm từ thiện được một tài khoản Facebook đăng tải đã nhận về nhiều tranh cãi.
“Ai cũng biết khổ như sinh viên mà!”
Chủ nhân đăng dòng trạng thái này là anh Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.HCM. Anh Tuấn Anh tỏ vẻ rất bức xúc khi nhìn thấy cảnh rất đông sinh viên trai tráng xếp hàng chờ ăn cơm từ thiện, mà khi hỏi ra thì người dân ở đây nói rằng ngày nào cũng như thế.
“Hôm nay tôi sững sờ khi thấy hàng chục sinh viên xếp hàng để ăn cơm từ thiện. Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng. Tôi cẩn thận hỏi các anh bên cạnh - các anh nói sinh viên hôm nào cũng tới đông lắm. Trong lòng xót xa!…”, trích dòng trạng thái của anh Tuấn Anh.
Phóng viên phỏng vấn sinh viên tại TP.HCM cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
“Em thấy thông thường mấy quán cơm từ thiện này đều có để kèm dòng chữ là dành cho người lao động nghèo và cả sinh viên nghèo. Như thế thì sinh viên tụi em đến ăn cũng đúng thôi mà. Ai cũng biết là khổ như sinh viên rồi thì nên thông cảm cho tụi em”, N.V.S (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ, mặc dù S. chưa bao giờ đi ăn cơm từ thiện nhưng S. vẫn đồng ý với việc sinh viên ăn nhờ cơm từ thiện để bớt gánh nặng cuộc sống.
Tương tự, V.T.H (sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) chia sẻ: “Không gì là xấu hổ hết. Bây giờ mình nghèo, chưa làm ra tiền thì ăn cơm từ thiện. Sau này ra trường giàu có lại đi làm từ thiện. Như thế em nghĩ cũng được thôi mà”.
Còn T.A (sinh viên Trường ĐH Văn Lang) thì cho rằng “Em đã từng ăn cơm từ thiện khoảng 3 lần, nhưng chỉ ở khoảng thời gian năm nhất thôi. Nên em nghĩ ăn cũng được nhưng nếu thấy có nhiều người nghèo khổ hơn mình thì nên nhường vì dù sao tụi em cũng còn trẻ, còn khỏe và có sức khỏe để đi làm thêm kiếm tiền và tự nấu cho mình những bữa ăn dù không sang chảnh”.
Không có tiền nhưng vẫn có sức lao động
Liên hệ với anh Tuấn Anh, anh cho rằng đây là một biểu hiện của sự lười biếng và thiếu lòng tự trọng của người trẻ.
“Chúng ta không thể nào sống bằng từ thiện cả cuộc đời. Các bạn sinh viên sức dài vai rộng cần phải đi làm thêm và sống bằng những đồng tiền làm thêm đó. Có rất nhiều công việc làm thêm khác nhau, cơ bản các bạn có dám dấn thân để trưởng thành hay không”, anh Tuấn Anh bày tỏ.
Anh Tuấn Anh phân tích thêm: “Trong cuộc sống chúng ta không thể nào phân biệt đúng sai rõ ràng như đen và trắng. Có thể các bạn sinh viên nghèo không đủ tiền ăn cơm, về lý trí có thể tới ăn cơm 2.000 đồng nhưng về tình cảm thì lòng tự trọng không cho phép các bạn đi làm điều đó. Trong xã hội còn nhiều người có những hoàn cảnh khó khăn hơn các bạn như cụt chân cụt tay, bị bệnh hay nói cách khác đĩa cơm 2.000 đồng đó có nhiều người cần hơn các bạn. Và với lòng tự trọng các bạn cần phải biết tự để dành đĩa cơm 2.000 cho những người khó khăn hơn. Lòng từ thiện không chỉ là lúc các bạn chia sẻ miếng bánh khi no mà còn khi các bạn chia sẻ miếng bánh cho người nghèo hơn, khó khăn hơn trong khi các bạn cũng đang đói”.
Đồng quan điểm với anh Tuấn Anh, anh Cao Trung Hiếu (sáng lập và điều hành Dân Trí Soft) bày tỏ: “Một người trẻ có lòng tự tôn bản thân thì không bao giờ làm vậy, bởi lẽ có sức khỏe, có trí tuệ, có thời gian và có môi trường để tự tạo ra việc làm để kiếm tiền phụ gia đình. Sinh viên có nhiều thời gian, nên nếu gia đình quá nghèo thì hãy biến thời gian đó thành tiền với sức lực và trí tuệ của mình. Nếu chẳng may đói quá, nghèo quá thì có thể nương nhờ cơm từ thiện nhưng phải thoát ra được. Và phải báo đáp lại khi có điều kiện tốt hơn”.
Dấu hiệu của sự ỷ lại
“Nếu đúng như vậy thì thực sự quá thất vọng. Thanh niên trai tráng mà lại đi ăn cơm dành cho những người khó khăn hơn mình. Có thể cho rằng các em là người khó khăn nhưng các em có sức khỏe, có kiến thức nên cũng cần có suy nghĩ tích cực hơn”, thạc sĩ Phạm Thái Sơn (giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), chia sẻ.
Không những thế anh Sơn cũng cho rằng: “Nếu đây là hành động mang tính thường xuyên của các em thì cũng nên có cách training các em lại về kỹ năng và thái độ để các em có tinh thần trách nhiệm hơn với hành động của mình và hướng tới cái cao đẹp hơn là một xã hội có trách nhiệm và phát triển”.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa phụ nữ TP.HCM) thì nhìn nhận: “Đúng là sinh viên thì có nhiều bạn khó khăn nên thỉnh thoảng cũng cần đến những quán cơm từ thiện. Điều này rất quý đối với sinh viên. Nhưng mà dù có khó khăn đó nhưng mình là những con người lành lặn, có sức khỏe, tuổi trẻ và hoàn toàn có thể đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Một vài bữa thì nhờ cơm từ thiện được nhưng nếu ngày nào mình cũng phụ thuộc vào cơm từ thiện và mình ỷ lại thì đấy là một điều đáng trách”.
Chị Thúy cũng thẳng thắn rằng: “Tôi hoàn toàn không ủng hộ. Chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ là ốm đau bệnh tật hay phải thi cử và không thể đi làm thêm được thì có thể tìm đến cơm từ thiện. Nhưng còn bình thường thì phải tự lực cánh sinh, tự làm tự ăn”.
Nữ Vương
Báo Thanh Niên