Khi "con đường tơ lụa" mà anh Khải tạo ra, đi từ Trung Quốc về Hàng Gai, bị đổ bể nghiêm trọng, bao nhiêu thượng đế đã từng đến và gật gù mua những tấm lụa tự hào Việt Nam, sẽ giật mình thầm hỏi: Bao nhiêu phần trăm trong số sản phẩm ấy, trôi về từ bên kia biên giới?
Anh nhập hàng từ Trung Quốc về và gắn Made in Khai Silk đã 27 năm có lẻ, nhưng hôm qua, ngay sau khi anh nhận lỗi, các cơ quan quản lý về thị trường mới bay xuống nhanh như điện, kiểm tra các cửa hiệu của anh.
Nếu không có cơn bão này, 27 năm qua họ đã thực thi nhiệm vụ, phát hiện gian thương như thế nào nhỉ? Tôi không trả lời được.
Khi "con đường tơ lụa" mà anh Khải tạo ra, đi từ Trung Quốc về Hàng Gai, bị đổ bể nghiêm trọng, bao nhiêu thượng đế đã từng đến và gật gù mua những tấm lụa tự hào Việt Nam, sẽ giật mình thầm hỏi: Bao nhiêu phần trăm trong số sản phẩm ấy, trôi về từ bên kia biên giới?
Tôi đã từng đi Quảng Châu, Trung Quốc vài lần. Và chuyến bay, chiếc xe nào đến thủ phủ hàng thời trang nhái và giá rẻ này, cũng đầy chật khách Việt. Dĩ nhiên, những chuyến xe trở về Việt Nam luôn đầy chật hàng Trung Quốc. Vậy nhưng ở những thành phố lớn Việt Nam, có mấy tiệm treo biển thời trang Quảng Châu, thời trang Trung Quốc? Chúng đã bị phù phép xuất xứ như thế nào?
Trong một thị trường mà đến thuốc ung thư, thực phẩm chức năng cũng giả cả tấn, hàng hiệu cao cấp đến quả trứng gà đều có thể giả cả container, thì thì việc anh Khải cho nhân viên ngồi lấy kéo, nhẹ nhàng cắt cái mác made in China, gắn mác Khai Silk, biến tấm khăn mấy chục ngàn thành tiền triệu, cũng chả có gì khó hiểu. Có thể nói đó là những nhát kéo đáng giá nhất Việt Nam.
Anh Khải ạ, tôi thấy mừng vì chỉ một lời xin lỗi của anh thôi, cũng có thể khiến các lớp dạy doanh nhân làm giàu chân chính, các buổi tọa đàm về văn hóa kinh doanh…trở nên thưa vắng hơn hẳn. Chắc chắn không ít người sẽ rút được kinh nghiệm xương máu: Nếu chính mình vẫn có tì vết thì nên hạn chế chém gió và rao rảng đạo đức, sự chính trực, trung thực, tự tôn.
Lời nói trong thời đại internet trở thành bằng chứng chống lại anh hiệu quả nhất, khốc liệt nhất trong tương lai. Nếu như nhiều năm trước, tôi chỉ đọc đọc được vài phát ngôn hay của anh Khải, thì mấy ngày này, hàng trăm lời hay ý đẹp của anh chen nhau xuất hiện trên news feed của facebook khiến tôi không thở nổi.
Cái cúi đầu của anh Hoàng Khải làm tôi nhớ đến cái cúi đầu của sếp cây xăng Nhật Bản tại Việt Nam. Người Nhật có cái hay là trước khi cúi đầu thì họ đã biết ngẩng đầu tự hào và tự tôn, bằng lương tâm và sự chính trực. Những cái cúi đầu khiến tầm vóc họ cao hơn. Còn cái cúi đầu anh Khải, buồn thay, sẽ khiến các lâu đài đẳng cấp của anh bé lại.
Nếu người Việt không dùng hàng Việt, thì chắc chắn đất nước khó phát triển. Nhưng câu chuyện gian dối của một đế chế tơ lụa, lại mách chúng ta rằng, muốn đất nước phát triển, cần phải tỉnh táo khi dùng hàng Việt để lựa chọn đúng.
Một số cây xăng Việt Nam đã biết giăng băng rôn "người Việt dùng hàng Việt". Nhưng nếu nhiều cây xăng không thay đổi kiểu bán hàng gian lận, thái độ phục vụ cẩu thả, chất lượng xăng kém, thì những khẩu hiệu kia chỉ góp thêm một tiếng cười khẩy, trước khi thượng đế nhấn ga sang cây xăng được cúi chào.
Thưa anh Khải, sáng nay, tôi đọc được ý kiến của một doanh nhân làm lụa, cũng có tên tuổi đàng hoàng, nói rằng chị và nhiều người trong ngành đã biết anh nhập lụa Trung Quốc từ lâu, nhưng "việc ai nấy làm", không ai rỗi hơi nói.
Sự im lặng của chị và của nhiều người như chị, không chỉ khiến anh lún sâu hơn vào vết xe đổ, mà còn khiến cho thị trường lụa Việt Nam chao đảo. Sự im lặng ấy chả khác nào chính quyền biết lũ về mà không thông báo cho dân sơ tán, ứng phó. Đến khi dân nhìn thấy lũ, thì cũng là lúc họ gạt nước mắt nhìn xác trâu bò lợn gà của mình nổi trôi trên sóng nước.
Tôi hy vọng, nhờ sự cố của anh, có thể những người hôm nay đang im lặng, ngày mai sẽ mở miệng, vì chính mình và vì đồng loại.
Xin cảm ơn anh, vì cái cúi đầu của anh, cũng sẽ khiến khối người nổi tiếng Việt Nam nghiện khoe hàng hiệu giống như nghiện selfie mọi lúc mọi nơi, bất giác mở tủ đồ của mình, sờ nắn, thẩm định những chiếc áo, chiếc khăn tiền triệu đã trót phô phang trước ống kính.
Không ai mong muốn một cơn bão, một cơn lũ đi qua. Nhưng qua cơn bão lũ ấy, chúng ta cũng lột mặt được những kẻ sản xuất cột điện cốt… tre, cống hộp cốt… rơm, cán bộ cốt…quan liêu, chống lụt cốt…ngồi trên bè, từ thiện cốt…trục lợi.
Một cái kim giấu trong bọc 27 năm, rồi cũng bị lòi ra theo những cách không hề giống nhau.
Trên tinh thần ấy, thưa anh Hoàng Khải, tôi phải cám ơn anh. Cơn địa chấn anh gây ra có thể cuốn anh đi, nhưng khiến rất nhiều tầng lớp, đối tượng, người kinh doanh, người tiêu dùng, trong xã hội phải giật mình.
Dưới ánh mặt trời, rất khó giấu những góc u tối. Đừng trách miệng lưỡi thế gian nghiệt ngã. Dậu cứ đứng vững chãi, hiên ngang không đổ thì bìm làm sao leo?
Cách tốt nhất để không bị lộ sáng, không bị ánh mặt trời thiêu chết, là đừng biến mình thành ma cà rồng lẩn lút trong bóng tối hút máu đồng loại.
Đúng vậy không, thưa anh Khải đã lộ và những anh Khải chưa lộ?
Thư vắn tình dài, chúc anh bình an!
Thần Văn Tượng!
Theo Bùi Hải
Trí Thức Trẻ