Thôi đừng nghĩ nghề giáo là cao quý nữa!

Muốn nghề giáo bớt cực nhọc hơn, có lẽ chúng ta không nên tung hô nghề giáo nữa. Nghề giáo không thanh cao hơn nghề khác nếu người thầy không đủ ăn. Càng bớt “tô hồng” việc “làm nhà giáo”, chúng ta càng thẳng thắn đối diện với thực tại và phải tìm cách giải quyết thực tại cay đắng là giáo viên ở Việt Nam còn quá khổ.

Có nên nghĩ nghề giáo là cao quý nữa?

Có bao giờ chúng ta tự hỏi nhau: Tại sao (phần lớn) người làm giáo viên, một nghề được coi là cao quý ở Việt Nam, lại khổ thế? Nếu là một nghề cao quý thì người ta phải thực sự tự hào, thực sự sống được với nghề đấy chứ nhỉ? 

Là một người từng làm thầy, tôi bị mắc kẹt mãi trong mâu thuẫn này. Sao nghề “cao quý” gì mà lại nghèo thế? Và sau một thời gian triền miên suy nghĩ, tôi đã trả lời mình như sau: Nghề giáo thông thường không phải là một nghề “cao quý” như chúng ta hay nghĩ.

Nghề giáo là nghề có thu nhập vào hàng thấp ở Việt Nam hiện giờ. Lương trung bình của một giáo viên phổ thông từ 5-10 triệu đồng/tháng, ngang bằng lương người lao động chân tay bình thường như công nhân khu công nghiệp, bảo vệ, người giúp việc, người lái xe ôm, mở cửa khách sạn, phục vụ quán ăn (thậm chí còn thấp hơn, nếu tính cả tiền hoa hồng).

Cơ hội tăng thu nhập chỉ có với những giáo viên rất giỏi và dạy những môn quan trọng như toán, tiếng Anh, hay dạy ở trường công nổi tiếng, các trường tư hoặc với người làm quản lý giáo dục. Đối với đại đa số giáo viên, mức lương chỉ tạm đủ sống “mòn”. Vậy thì rõ ràng nghề giáo hiện nay không phải là nghề đem lại cuộc sống tạm đầy đủ.

Thế tại sao nghề giáo trước đây lại được tôn kính và mơ ước? Thời xa xưa, làm thầy là một nghề đáng mơ ước. Người thầy hồi đó có khi không nhận được nhiều tiền, nhưng thực ra không hề nghèo.

Nghề làm thầy hồi ấy là một trong những nghề có tính “độc quyền” cao, có khi cả làng chỉ có một ông đồ. Không học thầy thì học ai? Nên dĩ nhiên là xã hội phải tôn trọng thầy. Học thì phải trả học phí, không nhất thiết là tiền mà có thể là vật chất như gạo, thịt.

Ngoài ra, người thầy cũng được hưởng khá nhiều đặc quyền đặc lợi trong làng xã. Tết, lễ, bao giờ cha mẹ cũng phải có quà cáp cho thầy. Chả thế mà cụ Nguyễn Khuyến đã từng trào lộng:

“Sự học chẳng phải chơi 

Sáng cặp tối rèn, mổ bụng con nhét chữ

Nuôi thầy đâu có bỡn

Năm hết, tết đến, bổ đầu bố lấy tiền”.

Ông thầy nào có học trò giỏi đỗ đạt thì thầy ấy càng được trọng vọng, vì “sản phẩm” giáo dục của thầy đã được chứng minh chất lượng. Với một làng, xã chỉ có một ông thầy trong nhiều năm, kiểu gì chả có người đỗ đạt ở đó. Thầy lại càng được trọng vọng. Nghề làm thầy lại càng “cao quý”.

Mọi thứ đã thay đổi cả trong xã hội hiện đại: việc làm thầy không còn là nghề “độc quyền” trong một phạm vi địa lý nhỏ nữa, chuyện đỗ đạt để làm quan cũng không còn là mục đích cuối cùng của học sinh.

Sự “độc quyền” trong cung cấp dịch vụ giáo dục thuở trước mất đi, cùng với nó, sự “cao quý” của nghề giáo đi kèm những “bổng lộc” cũng nhạt dần. Giá trị của nghề giáo theo khuôn đúc xã hội xưa đã giảm đáng kể, nên suy nghĩ về tính chất “cao quý” của nghề giáo chỉ còn là một cảm giác hoài cổ về những giá trị xa xưa.

Thế thì khi nào làm thầy lại trở thành “cao quý”? Tôi tự vấn mình, tự nghĩ lại những lần mình đi dạy xem chuyện gì xảy ra? Sau mỗi lần đi dạy, khi thấy sinh viên mình dạy hiểu biết hơn, thành đạt hơn, tôi lại có cảm giác viên mãn.

Hóa ra việc đi dạy, việc chia sẻ kiến thức cho người khác làm tôi hạnh phúc chứ không chắc đã làm cho học trò của tôi hạnh phúc. Hoặc thực ra tôi hạnh phúc hơn học trò tôi rất nhiều, và càng nhiều học trò thành công thì niềm hạnh phúc của tôi càng tăng theo. Nên biết đâu, tôi đã nhầm lẫn, đánh đồng, coi cái việc làm mình hạnh phúc là một việc “cao quý”?

Vậy hóa ra việc đi dạy cũng giống như việc làm từ thiện? Cảm giác truyền lại hiểu biết của mình giống như cảm giác giúp đỡ người khác, cho đi, làm phúc. Giúp đỡ người khác luôn đem đến một cảm giác tuyệt vời. Có lẽ khi chúng ta giúp người khác, chúng ta cảm thấy mình tiến một bước gần tới đẳng cấp “thánh nhân”, chúng ta có cảm giác vượt trên sự tầm thường, được giải thoát khỏi những điều trần thế. Và điều đó đem lại cho chúng ta cảm giác hạnh phúc không gì sánh được.

Nhưng cũng giống như làm từ thiện, (phần lớn) người ta chỉ hạnh phúc khi họ khá đầy đủ, khi họ đã ấm no (một phần) về vật chất hoặc khi không còn cần bất cứ vật chất gì. Đó cũng là lý do nhiều doanh nhân, chính trị gia, người thành đạt... khi về hưu lại tích cực đi dạy, đi làm từ thiện. Vì họ có được cảm giác hạnh phúc, viên mãn khi dạy, khi cho.

Nhưng, gắn liền chuyện cho đi như thế với sự “cao quý” thực ra không phải chút nào. Do vậy, tôi sẽ không coi nghề giáo là “cao quý” theo một nội hàm xưa cũ nữa.

Muốn nghề giáo bớt cực nhọc hơn, có lẽ chúng ta không nên tung hô nghề giáo nữa. Nghề giáo không thanh cao hơn nghề khác nếu người thầy không đủ ăn. Càng bớt “tô hồng” việc “làm nhà giáo”, chúng ta càng thẳng thắn đối diện với thực tại và phải tìm cách giải quyết thực tại cay đắng là giáo viên ở Việt Nam còn quá khổ.

Và có lẽ, khi biết làm nghề giáo là thực sự khổ, không “cao quý” như mọi người vẫn nghĩ, sẽ có ít người muốn làm giáo viên hơn. Điều đấy chắc sẽ tốt hơn. Vì khi có nhu cầu giáo dục và với chất lượng cao, người ta sẽ phải sẵn sàng trả tiền cho nghề giáo một cách đàng hoàng, sòng phẳng theo quy luật thị trường (như ngày xưa), lúc đó có thể nghề giáo sẽ bớt khổ.

Hoặc là khi có quá ít người dạy chuyên nghiệp, những người đã thành đạt hoặc những người tình nguyện (đã một phần no ấm hay không quá khổ) sẽ tham gia dạy để có cảm giác hạnh phúc vì được cống hiến cho chính mình. Có lẽ đến lúc đó nghề giáo sẽ trở thành nghề “cao quý” vì nó không còn gắn liền với những đòi hỏi vật chất nữa.■

NGUYỄN QUỐC TOÀN
Phụ trách mảng tư vấn chiến lược Công ty EY Việt Nam

Link gốc: https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20171106/thoi-dung-nghi-nghe-giao-la-cao-quy-nua/1406183.html
0 Nhận xét