Tổng thống Mugabe đã hủy hoại Zimbabwe như thế nào?

TTO - Nắm giữ quyền lực từ năm 1980 với 7 năm làm thủ tướng và 30 năm trên ghế tổng thống, ông Mugabe đã đem lại tất cả cho người Zimbabwe, ngoại trừ sự an toàn và phát triển.


Plato, triết gia vĩ đại của Hi Lạp, từng nói: "Thước đo một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực". Quyền lực, thứ mà ông nhà giáo Mugabe đã có trong tay sau cuộc cách mạng, đang dần hủy hoại nhân cách và đất nước của ông.

Zimbabwe một ngày năm 2016, đường phố thủ đô Harare đông đúc lạ thường, nhiều hàng dài người xếp hàng bên ngoài các ngân hàng hoặc các điểm rút tiền, mệt mỏi nhưng hi vọng có thể lấy được tiền mặt.

Họ đã quá sợ với những chính sách kinh tế của nhà lãnh đạo 92 tuổi. Năm ấy, Tổng thống Mugabe đưa ra chính sách kinh tế mới, in giấy bạc mới và tuyên bố nó có giá trị ngang đồng đôla Mỹ…

Zimbabwe từng có những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, một ngành nông nghiệp phát triển bùng nổ và nguồn vốn con người dồi dào nhưng suốt 37 năm qua, ông Mugabe đã làm phung phí gần như toàn bộ những nguồn lực đó. Gần một phần tư người dân Zimbabwe đang cần hỗ trợ lương thực và 72% trong số họ sống trong nghèo đói, theo tờ Economist.

Sai lầm nghiêm trọng nhất của ông Mugabe diễn ra vào năm 2000, khi ông tiến hành cải cách ruộng đất "nhanh chóng" và khuyến khích việc tiếp quản một cách bạo lực các trang trại của người da trắng, khi đó vốn là xương sống của ngành nông nghiệp nước này.

Cuộc tháo chạy của những người Zimbabwe da trắng
đã dẫn tới sự nổi giận và cô lập của phương Tây - Ảnh: CNN

Phần lớn đất đai bị tịch thu được giao cho những nông dân da đen thiếu kinh nghiệm về hoạt động nông nghiệp hiện đại; nhiều người trong số họ được lựa chọn trên cơ sở mối quan hệ của họ với ông Mugabe và đảng của ông, Đảng Mặt trận yêu nước châu Phi Zimbabwe (ZANU-PF).

Các trang trại của Zimbabwe, đến lúc đó vẫn là điều ao ước của khu vực và là nguồn lực chính cho doanh thu xuất khẩu của nước này, bất ngờ trở nên sa sút và đã khiến toàn bộ nền kinh tế bị sốc.

Tình hình tài chính vốn đã căng thẳng, với việc ông Mugabe kéo Zimbabwe dính líu vào cuộc nội chiến ở Congo. Ngân hàng Trung ương của ông bắt đầu in tiền nhanh hơn để trả nợ và bồi thường cho các cựu chiến binh, đối tượng được xem là một trụ cột quan trọng trong chính sách hỗ trợ của ông Mugabe, và để bù đắp mức giá cao hơn gây ra bởi sự thất bại của các trang trại.

Mọi thứ nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tại một thời điểm trong năm 2008, tỉ lệ lạm phát lên tới 231.000.000%. Các tờ giấy bạc chỉ thấy toàn số 0, một tờ 100.000 tỉ đôla Zimbabwe nhưng chỉ tương đương 40 xu Mỹ vào lúc nó bị sụp đổ.

Chương trình cải cách ruộng đất của ông Mugabe đã gây ra làn sóng di tản của người da trắng khiến phương Tây phẫn nộ, đẩy tình hình nội bộ Zimbabwe rơi vào bất ổn. Các phe phái đối lập lợi dụng tình hình kích động bạo loạn, bãi công, phản đối chính quyền, đòi Tổng thống Mugabe từ chức.

Bất chấp tất cả, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng 2008, ông Mugabe tuyên bố "chỉ có Chúa" mới có thể hạ bệ ông…

DUY LINH
Báo Tuổi Trẻ
0 Nhận xét