(GDVN) - Tình hình BOT Cai Lậy lại nóng trở lại, và người ta thấy, ở đó có một cuộc tranh đấu giữa chủ đầu tư và các tài xế. Ai sẽ thắng?
Trạm thu phí BOT Cai Lậy sau một thời gian tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại thu phí vào ngày 30/11, nhưng ngay sau đó vấp phải sự phản đối của người dân và một cuộc giằng co với chiến lược rõ ràng giữa một bên là người dân phản đối điều vô lý, một bên là doanh nghiệp có sự giúp đỡ.
Mở ra là thất thủ
Nhiều người cho rằng bản thân trạm BOT Cai Lậy “sinh ra đã là một sai lầm” nên không có gì ngạc nhiên khi trạm này cứ mở ra là thất thủ.
Hơn ai hết, chỉ có người dân đi qua đây mới thấy bức xúc khi những nhà đầu tư vẫn hàng ngày lấy tiền của họ trên con đường mà họ đã phải đóng thuế để xây dựng.
Người dân không phản đối sao được khi chủ chủ đầu tư chỉ phải bỏ 300 tỷ đồng để tu sửa đoạn đường quốc lộ 1 và hơn 1.000 tỷ đồng để làm tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy – sau đó đặt trạm thu phí.
Dân lại tiếp tục phản đối, lý do đơn giản trạm thu phí này đặt sai vị trí nên mới xảy ra những rắc rối như thời gian vừa qua.
Những cuộc phản đối này đã tạo thành một cuộc “khủng hoảng tiền lẻ”, gây ra ùn tắc kéo dài.
Nhiều lần Ban quản lý đã phải xả trạm. Dân thắng tạm thời.
Nhưng độ “lì” của ban quản lý vẫn còn rất cứng. Sau 3 tháng xả trạm, nhiều giải pháp để xử lý vấn đề đưa ra.
Tuy nhiên, thay vì xử lý dứt điểm vấn đề tồn đọng, giải pháp được đưa ra chủ yếu vẫn là xử lý tiền lẻ.
Sau khi người ta tính toán nhiều, tính đi tính lại rồi thu phí, kết cục là lại tiếp tục thất thủ.
Cơ quan chức năng lại tiếp tục đưa ra giải pháp khác là… đáp ứng 100 đồng theo yêu cầu của tài xế.
Cuộc khủng hoảng 100 đồng liệu có giải quyết được vấn đề nếu BOT Cai Lậy chỉ làm theo yêu cầu của tài xế ?
Rõ ràng không. Cách làm như vậy chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.
Cuộc đối đầu không hề có dấu hiệu ngừng lại khi không ai dám chắc dân sẽ lại nghĩ ra “phương án” khác nhau để đối phó.
Xử lý kiểu đổ thêm dầu vào lửa?
Việc đơn vị xử lý cũng đang vấp phải nghi ngại thiếu khách quan khi vấn đề của BOT lại được giao cho Bộ Giao thông vận tải xử lý việc này.
Đây là điều được cho là thiếu khách quan khi cho ông “bố xử lý ông con”.
Điều này khác hoàn toàn so với BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, nơi mà Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước vào cuộc. Sự vào cuộc của các cơ quan này đã đem lại những kết quả rõ ràng.
Tại BOT Cai Lậy, các phương án mà Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư đưa ra tiếp tục vấp phải sự phản đối của những người đi qua trạm thu phí này.
Cần phải nhắc lại câu chuyên BOT Cai Lậy, cũng như gần 100 trạm BOT trên cả nước, đang gặp phải rất nhiều vấn đề về tính minh bạch và nó phức tạp hơn một bài toán kinh tế.
Người ta đã nhìn nhận sự việc bằng cách nhìn khác. Họ giảm mức phí đến 30%, giảm phí dịch vụ cho người dân địa phương.
Những tính toán ấy tưởng chừng như sẽ hợp lý. Bởi nó hợp với logic của kinh tế: đưa giá về điểm cân bằng để mức dịch vụ được chấp nhận.
Tuy nhiên, đáng tiếc đó chỉ là việc tính toán theo lý thuyết sách vở.
Cái gốc của BOT Cai Lậy không được giải quyết. Điều đó dẫn đến việc các tài xế sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế của mình để phản ứng lại trạm. Họ sẵn sàng hi sinh phần nhiều lợi ích kinh tế của mình để không phải trả phí trong ấm ức.
Các tài xế họ thừa hiểu những việc làm của họ đang ảnh hưởng đến chính nồi cơm của gia đình họ khi họ đang phải làm những việc ở ngoài đường, ngoài chợ mà không đem lại lợi ích thiết thực nào cho chính họ.
Họ cũng “lì” chẳng kém ban quản lý trạm BOT.
Bởi ngay sau đó cuộc khủng hoảng 100 đồng lại xảy ra. Kết quả của cuộc khủng hoảng ấy là BOT liên tục xả trạm.
“Cuộc đấu” dường như đang ở lúc đỉnh điểm khi ban quản lý trạm sẵn sàng làm đến cùng là xin tiền trong kho để trả cho tài xế.
Nhân dân phản đối, tài xế phản đối, các chuyên gia cũng chỉ ra những điểm không hợp lý của không chỉ riêng BOT Cai Lậy mà còn rất nhiều BOT trên cả nước.
Trước tình trạng hàng loạt trạm thu giá BOT giao thông gây bức xúc trong dư luận, ngày 21/10 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết 437 nêu rõ:
Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí phát đi chiều 1/12, Bộ Giao thông vận tải một lần nữa khẳng định lập trường của mình là quyết không dời trạm mà chỉ giảm phí.
Nếu trạm BOT Cai Lậy vẫn nằm nguyên ở đó chắc chắn sự bức xúc không phải chỉ có người dân địa phương, mà sẽ lan ra cả những tài xế liên tỉnh khác.
Những phương án xử lý này có lẽ không bao giờ giải quyết tận gốc vấn đề.
* Tài liệu tham khảo:
2. https://tuoitre.vn/vi-tri-dat-bot-cai-lay-bat-hop-ly-khong-doi-tram-khong-xong-20171201081447848.htm
3. http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tram-bot-cai-lay-cach-go-cuoc-khung-hoang-tien-le-414279.html
Lại Cường