Suốt đời làm điều thiện, điều thiện vẫn không đủ. Một ngày làm điều ác, thì điều ác đã dư thừa.

“Đừng vì điều ác nhỏ mà làm, đừng vì điều thiện nhỏ mà không làm”.


Người Việt bị giặc Tàu đô hộ hơn ngàn năm, giặc Tây hàng trăm năm nhưng dân tộc ta không bị đồng hóa, đó là vì ở ý chí tự lực tự cường của ông cha. Hơn nữa, vì dân tộc Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ chính nghĩa, độc lập, tự do, tự chủ và luôn hướng đến mục tiêu đó nên không có kẻ thù nào có thể khuất phục được.

Trong thời hiện tại, khi đất nước hòa bình, phát triển đời sống con người là nhiệm vụ chính. Những giá trị trong thời chiến nhường lại cho giá trị của thời bình với tư tưởng cốt lõi là “hợp tác cùng phát triển”, đôi bên cùng có lợi.

Vì vậy, thuật ngữ khởi nghiệp kinh doanh dần trở nên phổ biến. Nó dường như trở thành một trào lưu của thế hệ 8x, 9x và cả 10x và nhất là trong thời gian qua với chương trình "Quốc gia khởi nghiệp" được chính phủ phát động.

Ai đã từng “khởi nghiệp”, kinh doanh riêng thì mới hiểu nỗi cơ cực nên kinh doanh có câu “thương trường là chiến trường”.

Khởi nghiệp thành công không dễ dàng như nhiều khóa học làm giàu “tay không trở thành triệu phú đô la”, “tay trắng làm giàu”, “tung cánh đại bàng đừng sống kiếp gà”…. Có điều bí mật mà những “diễn giả” ấy không bật mí, đó là họ đang làm giàu từ “học phí” của bạn đấy, nếu tất cả không trả học phí xem họ có giàu nhanh không nhé. Cái thứ “quái thai” đó tiêm nhiễm vào đầu “sự ảo tưởng sức mạnh”, “sự mơ mộng viễn vông”… như cái kiểu “một thằng bé 3 tuổi chưa biết nói chỉ cần vươn vai đứng dậy, phóc lên ngựa sắt là đã trở thành chàng Thánh Gióng” đi đánh giặc vậy. Nhanh như một cái chớp mắt.

Khởi nghiệp kinh doanh là “khổ trăm bề”, người khởi nghiệp luôn đặt các câu hỏi và tìm cách giải nó như:

- Xác định mô hình kinh doanh như thế nào? Giá trị mang lại cho thị trường là gì?

- Thu hút, sử dụng, tối ưu hóa các nguồn lực kinh doanh ra sao?

- Quản trị đầu vào, nhà cung cấp, đối tác sao cho tốt?

- Làm thế nào để điều hành, vận hành trơn tru một doanh nghiệp?

- Bằng cách nào để đầu ra ngon lành, làm marketing và bán hàng hiệu quả…?

- Làm việc với cơ quan nhà nước về luật pháp, thuế ra sao cho đúng luật…?

Và hàng trăm các câu hỏi khác nữa.

Với những người thật, việc thật, đã từng khởi nghiệp, từng thất bại giàu lòng tử tế khi kể cả thất bại tấy đau đớn nặng nề nhưng tràn đầy tư duy tích cực, lạc quan và những bài học quý giá… Riêng tôi cũng có ít nhất 4 lần “khởi nghiệp ngay và sạt nghiệp luôn” và qua những thất bại đó tôi cảm thấy đau đớn vô cùng và ước ao “trước đây mà được học hỏi về kinh nghiệm khởi nghiệp thì giảm đi ‘đau đớn’ biết bao”.

Tôi tin rằng “đừng vì điều ác nhỏ mà làm, đừng vì điều thiện nhỏ mà chê không làm” nên cần nói với những nhận thức sai dù là nhỏ, cần hành động với những điều đúng dù chẳng cần to tát. Có như vậy, tôi tin Việt Nam sẽ hóa rồng.

Trước khi khởi nghiệp kinh doanh hay ra làm riêng, theo tôi bạn cần có một cách nhìn tổng thể và hiểu biết cơ bản những điều dưới đây, rồi hãy mạnh mẽ “chiến đấu” kiên gan trên con đường đã chọn nhé.

- Bức tranh tổng thể về khởi nghiệp kinh doanh.

- Khởi nghiệp là “bể khổ” đấy.

- Nguyên nhân gây ra “bể khổ”khi khởi nghiệp là gì?

- Khởi nghiệp thành công cần gì?

- Rèn luyện để thành công trong khởi nghiệp ra sao?

Bạn lưu ý, trên trái đất này bạn là duy nhất vì vậy phương pháp thành công của bạn cũng sẽ là duy nhất nhé.

TP HCM ngày 08/12/2017
Cao Trung Hiếu
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
0 Nhận xét