Phong trào khởi nghiệp rầm rộ mấy năm qua khiến số lượng “doanh chủ” tăng nhanh như nấm mọc sau mưa rào, có thể nói vui là “người người làm chủ, nhà nhà làm chủ, cả xã hội cùng làm chủ” trông thật là thích thú, cho nên mới có đầu sách “khởi nghiệp ngay - sạt nghiệp luôn” cũng từ phong trào khởi nghiệp này mà ra vậy. Đa số việc khởi nghiệp bắt đầu từ một nhóm nhỏ, gọi là những nhà sáng lập và thường “te tua, tan tành” từ đó vì bất đồng chính kiến, vì khó khăn, vì quyền lợi cá nhân… Một số khác thì bắt đầu tuyển dụng nhân sự để mở rộng đường kinh doanh và câu chuyện tuyển dụng - đào tạo - phát triển nhân sự làm sao để nhân viên làm việc năng suất hiệu quả và hết lòng cống hiến là bài toán vô cùng phức tạp với đại đa số doanh chủ khởi nghiệp vì thiếu kiến thức lẫn trải nghiệm về vấn đề đối nhân xử thế.
Đứng với góc độ một nhân viên chọn một công ty khởi nghiệp để làm việc thì bài viết sẽ chỉ điểm ra 5 kiểu “anh doanh chủ” mà nhân viên nên tránh hoặc phải rời xa càng sớm càng tốt để hai bên không xảy ra xung đột mà không thể giải quyết trong tương lai.
Anh doanh chủ số 1: Chủ không nhận sai và cũng không sửa sai.
Tào Tháo thời tam quốc diễn nghĩa được biết đến là "kẻ không bao giờ nhận sai nhưng nhất định sửa sai". Vậy nên một số “anh doanh chủ” cũng học theo nghệ thuật của anh Tào về khoảng “không bao giờ nhận sai” để tỏ ra mình có tầm nhìn và có khả năng rèn luyện bản thân, nhưng không chịu học vế sau “nhưng nhất định sửa sai”. Ông bà có câu "giang sơn dễ đổi bản tính khó dời" quả đúng cho những “anh doanh chủ” số 1 này. Vì vậy nếu bạn làm việc với “anh doanh chủ” số 1, bạn sẽ luôn luôn cảm thấy “mình thật vô tích sự, mình thật kém cỏi”. Bởi vậy khó có cơ hội để phát triển bản thân và điều tồi tệ là bạn có thể dễ dàng bị lây nhiễm căn bệnh này “không bao giờ nhận sai và không bao giờ sửa sai”.
Anh doanh chủ số 2: Hứa nhiều và thất hứa nhiều hơn.
Biểu hiện của “anh doanh chủ” số 2 này thường là đầu tháng hay đầu quý sẽ đưa ra chính sách lương thưởng rất chỉnh chu, hoành tráng với từng nhân viên, còn quản lí anh sẽ thưởng X% lợi nhuận nếu doanh thu trên ABC triệu. Thế là nhân viên, quản lý có động lực mạnh để làm việc hết mình với “củ cà rốt ấy” xanh non phơi phới ấy. Ai dè anh chủ này có bệnh "rất hay quên" nên lại bẽn lẽn chi đúng lương như chưa hề có chương trình hoành tráng ngày nào. Anh em nhân sự lần đầu thấy sốc, nhưng sau vài lần chứng nào tật nấy thì quen dần. Với những nhân sự có năng lực sẽ xin nghỉ thì “anh doanh chủ” số 2 này mới “chợt nhớ lời hứa” ngày nào, nài nỉ chi trả thưởng và tiếp tục hứa những điều tốt đẹp trong tương lai để xoa dịu tâm hồn. Gặp “anh doanh chủ” hứa nhiều và thất hứa nhiều hơn này, tốt nhất nên tránh xa.
Anh doanh chủ số 3: Rất tốt với nhân viên trên Facebook, luôn trăn trở về cuộc sống của nhân viên trên Facebook.
Nếu hỏi bất kì khách hàng nào của “anh doanh chủ” số 3 này thì 100% sẽ cho rằng anh chủ rất tốt với nhân viên vì trên Facebook anh này suốt này cập nhật trạng thái lo cho nhân viên, lo từng “miếng ăn giấc ngủ”, trăn trở tăng doanh số để trả lương cao hơn cho nhân viên vì đã làm việc cật lực, đã cống hiến cho sự nghiệp. Còn thực tế trong nội bộ thì hầu hết nhân viên anh chủ này đều unfllow vì sợ nhân viên làm lộ tẩy chiêu trò đánh bóng PR rẻ tiền trên Facebook của anh. Nhờ PR tốt doanh thu thì tăng do khách tới càng nhiều còn lương bổng nhân viên thì cứ dậm chân tại chỗ, không giống như những trăn trở suy tư của anh ấy trên Facebook.
Anh chủ số 4: Anh chủ "siêu nhân" với câu cửa miệng của anh với nhân viên "cái này mà cũng không biết làm à, kém cỏi thế".
Anh “anh doanh chủ” số 4 này thì nổi tiếng là giỏi giang về chuyên môn, có thể nói là làm được tất tần tật mọi việc, nhưng "người làm giỏi chưa chắc làm chủ giỏi". Trong cơ sở kinh doanh mọi vấn đề đều phải theo ý anh ấy. Với khả năng tư duy logic, kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm kinh doanh, anh ấy tự tin giải quyết được tất cả mọi việc. Thế nhưng anh đâu phải là con robot làm việc 365/7/24, thế là cần có người quản lý sẽ thay mặt điều hành ở một số việc. Anh ấy không dám tin ai nên có “thú vui” theo dõi camera từ xa và cứ hễ 5 phút lại ngóng 1 lần xem nhân viên có lười biếng không.
Rồi “anh doanh chủ” số 4 phát hiện ra những “bí mật tày trời” chẳng hạn như khách đặt bàn 10 người nhưng xếp bàn 12 người dư 2 ghế làm gì, có gian lận không, sao không xếp bàn 10 người? Lầu 2 còn vắng sao cho khách lên lâu 3 rồi?...bla…bla. Cái mà anh chủ này quan tâm là "sao lại làm khác mà không chịu làm giống như cách suy nghĩ của anh ấy" - còn anh ấy nghĩ gì thì chỉ có “anh ấy biết”, 10 chuyện thì chưa tới 1 chuyện anh ta chịu lắng nghe nguyên nhân. Khi thấy chuyện không vừa ý việc đầu tiên anh ấy hay làm là xổ một tràng lý lẽ theo cách của anh ấy như là "cái này mà cũng không biết làm à, kém cỏi thế" chứ chẳng quan tâm nhân viên có “tâm phục khẩu phục không”.
“Anh doanh chủ” số 4 làm việc rất tốt khi anh ấy làm một mình và chẳng cần nhân viên nào vậy. Vì vậy, bạn không cần có mặt ở công ty của anh ấy nhé.
Anh “anh doanh chủ” số 5: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động để thu lợi cá nhân.
Ví dụ tình huống này, “anh doanh chủ” số 5 nói với nhân viên “em là nhân viên thử việc, đi học việc mà còn đòi lương à”, với lý luận đó anh ấy chỉ phải trả 2/3 lương cho nhân viên mới này, anh ấy còn cho rằng đây là ân huệ, mà rõ ràng từ đầu đã thống nhất về lương/thưởng, nhưng giờ sao lại đổi thay và giảm lương.
Hay như tình huống, có những bạn mới đi làm thì được “anh doanh chủ” số 5 hứa hẹn công việc tốt đẹp. Thế rồi một hôm do cũng dư thừa nhân viên so với nhu cầu anh chủ lại bày ra trò kiểm tra học việc với “đề bài khó nhằn”. Bạn nào làm không được thì cho nghỉ ngang vì “không đáp ứng nhu cầu”, làm điểm thấp thì hạ lương…
Gặp dạng “anh doanh chủ” số 5 nhân viên hãy bỏ chạy dài.
??? Theo bạn còn kiểu "anh doanh chủ" nào cần né xa nữa không?
*** Thuốc để chữa được bệnh 5 dạng “anh doanh chủ” này: là ít nhất “một lần” “khởi nghiệp ngay - sạt nghiệp luôn” thì may ra mới thấm.
(Bài viết thể hiện quan điểm, nhìn nhận cá nhân của bản thân tác giả)
Bài viết đồng tác giả
Cao Trung Hiếu & Mạc Văn Trung