Trong khuôn viên làng đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM) có một khu rừng tràm được sinh viên gọi là rừng nhậu. Bởi từ mấy tháng nay, khu rừng tràm trở nên đông đúc và là địa điểm lý tưởng của những con sâu nhậu.
Những bữa tiệc nhậu quên lối về trong rừng nhậu của SV |
Trong một lần tình cờ cùng nhóm sinh viên (SV) đi từ ký túc xá khu A sang ký túc xá khu B của làng đại học, trên đoạn đường từ hồ đá trở vào ký túc xá khu B, chúng tôi ngỡ ngàng vì sự náo nhiệt ở nơi này. Tôi hỏi: “Ở đây có gì mà náo nhiệt thế?”, H.N.M.P, SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, trả lời với giọng ngao ngán: “Nơi đây giờ đã trở thành "thiên đường" ăn nhậu của cả SV lẫn người dân ở các khu vực lân cận, vì thế nên mới ồn ào đó ạ”.
P. cũng cho biết thêm, trước giờ nơi đây vốn rất yên tĩnh nhưng từ khi giải tỏa khu ăn nhậu trong chợ đêm làng đại học thì mọi người chuyển “địa bàn” sang đây. “Mà ở đây chắc do xa xôi cách trở với khu trung tâm nên tình trạng ăn nhậu còn ác liệt hơn lúc ở chợ đêm”, P. nói.
Quay lại đây vào một ngày giữa tháng 5.2018, chúng tôi ghi nhận những lời P. nói chẳng quá chút nào.
Nhậu từ sáng đến đêm
9 giờ sáng, khu rừng tràm đã bắt đầu nhộn nhịp. Từng tốp, từng nhóm rủ nhau đến. Họ chuẩn bị kỹ lưỡng các vật dụng cho một buổi ăn nhậu. Nào là thịt đã qua ướp sẵn và chỉ cần đưa lên bếp nướng, than, vỉ nướng, trái cây, chén đũa… và đặc biệt là bia.
Khu rừng khá rộng nên mỗi nhóm chọn cho mình một vị trí thích hợp, sau khi đã “bài binh bố trận” xong là bắt đầu “chiến”. Cứ thế bia lần lượt được dàn ra và cuộc vui bắt đầu.
Mới 9, 10 giờ sáng mà tiếng “zô zô, ra ra” đã nghe huyên náo cả một khu vực. Nhưng ở đây chính thức đông đúc kể từ sau 10 giờ, đông đến mức mà theo như nhiều SV là cả một khu rừng rộng như vậy nhưng không còn chỗ để trải bạt ngồi.
“Do tối hôm qua mưa nên đang còn ẩm ướt, mọi người chưa đến đông. Chứ bình thường, vào những ngày cuối tuần khác thì nếu ra trễ là hết chỗ ngay. Đông lắm, cuối tuần nào cũng đông như hội”, T.N.H, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay.
Chúng tôi hỏi: “Đông thế thì có vui không?”, H. nhanh miệng: “Vui chứ sao không. Nơi đây vừa mát, vừa đông, làm vài ly mới có không khí được”.
Nghe H. nói “vài ly”, P. đứng cạnh chúng tôi phản ứng: “Vài ly của mấy bạn này là vài chục ly. Uống từ sáng đến tối mịt thì làm gì có chuyện vài ly. Tụi này là bạn của em, trước đây ở cạnh phòng ký túc xá nên em rõ lắm”.
Đúng như P. nói, chúng tôi cũng trải bạt ngồi cạnh nhóm của H., hôm ấy trời không mưa, thế là đến tận hơn 6 giờ tối thì nhóm H. mới giải tán. Lúc này, số bia các bạn đã thay phiên nhau đi chở về là vô số kể. Nhóm H. lúc đầu có 10 thành viên, cuối cùng chỉ còn lại 4 thành viên nhưng cũng ngồi “lai rai” đến khi tàn tiệc.
Dịch vụ cho thuê loa mời gọi các nhóm nhậu |
Nhiều dịch vụ phục vụ tận nơi
Không chỉ riêng khu rừng tràm mà cả một đoạn đường dài quanh khu vực này cũng được SV tận dụng để tổ chức tiệc tùng, ăn nhậu.
Thật không khó để lý giải tại sao nơi đây lại thu hút đông SV đến vậy. Những trưa nóng oi ả lại có một không gian vừa rộng, vừa thoáng mát. Không những thế, nhiều dịch vụ phục vụ tận nơi như nước uống, các món mồi nhẹ, rồi dịch vụ thuê bạt, thuê võng, thuê loa để hát karaoke di động. Bạt nhựa thì 40.000 đồng cho một lần thuê, còn loa được tính thuê theo giờ, giờ đầu tiên là 100.000 đồng, kể từ giờ thứ hai trở đi giá giảm dần.
Lúc đầu chỉ vài nhóm tổ chức tiệc, như sinh nhật, mới có nhu cầu thuê loa để hát karaoke. Nhưng chỉ cần vài giờ sau, khi đã có hơi men trong người, thì nhóm nào cũng “hứng lên” và muốn thuê loa để hát. Đây chính là nguyên nhân làm cho nơi này ồn ào hơn rất nhiều.
“Thật sự em rất bức xúc vì nơi đây là khuôn viên của làng đại học mà lại thấy tình trạng ăn nhậu tràn lan thế này. Người ta nói gần mực thì đen, ở đây mãi rồi đứa nào không biết uống cũng thành biết và từ biết trở thành sâu nhậu lúc nào không hay”, Nguyễn Thị Phương Thúy, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lo lắng. Thúy chia sẻ thêm: “Trước đây khu rừng và con đường này là địa điểm chụp hình cưới của rất nhiều cặp đôi, vì phong cảnh ở đây rất đẹp. Thế mà giờ thành địa điểm tụ tập ăn nhậu, buôn bán”.
Ngồi cạnh tôi, P. chỉ tay về hướng những chàng mặc đồng phục quần xanh của trường An Ninh, và nói: “SV An Ninh là uống dữ dằn nhất. Tuần nào cũng uống và mỗi lần uống là vỏ bia vứt lai láng”. “Thế đó, ở đây, dù là SV của trường nào, dù là nam hay nữ vẫn có thể trở thành những con sâu nhậu nếu tình trạng này cứ tiếp tục tái diễn”, Thúy nói.
Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Đỗ Đại Thắng, Giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM tạo điều kiện để SV và các đơn vị có nhu cầu tổ chức cắm tại, dã ngoại… nhưng phải có kế hoạch của đơn vị và cam kết đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số người đến khu vực này ngang nhiên tổ chức nấu, nướng đồ ăn, thuê loa để hát… gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn xã hội, an toàn phòng chống cháy nổ và làm ảnh hưởng đến hạ tầng và tài sản chung của ĐH Quốc gia TP.HCM. “Trung tâm đã có văn bản đề nghị chính quyền, công an địa phương hỗ trợ ngăn chặn và giải quyết tình trạng này. Sắp tới, chúng tôi sẽ đặt bảng cấm, bố trí các chốt an ninh… để lập lại trật tự”, ông Thắng nói.
Nữ Vương
Báo Thanh Niên