Nên khởi nghiệp ở độ tuổi nào?

Có ý kiến cho rằng học sinh, sinh viên thì không nên khởi nghiệp vì còn non kinh nghiệm. Ngược lại, cũng có quan điểm quan trọng là tuổi nghề, không phải tuổi đời. Vậy độ tuổi có quyết định đến sự thành bại của một dự án khởi nghiệp?

Dù khởi nghiệp ở độ tuổi nào thì cũng phải
trang bị cho mình thật nhiều kỹ năng và kiến thức khởi nghiệp


Tuổi nghề quan trọng hơn tuổi đời?

Năm 3 đại học, Nguyễn Minh Trung (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đã mon men khởi nghiệp, nhưng như các dự án khởi nghiệp khác, Trung gặp thất bại nhiều lần. Cuối cùng, thành quả cũng đã mỉm cười khi Trung tốt nghiệp ra trường, chuyên tâm hơn vào dự án khởi nghiệp và giờ đã là chủ của các cửa hàng rau sạch ở quận Gò Vấp, TP.HCM.

Trung quan niệm: “Khởi nghiệp nếu chưa có kinh nghiệm thì dễ thất bại, nhưng kinh nghiệm chỉ có khi bạn bị vài lần thất bại. Với mình, độ tuổi nào khởi nghiệp cũng được. Nhưng quan trọng hơn là các bạn phải xác định được ở mỗi thời kỳ thì nên ưu tiên vào những việc gì nhiều hơn. Từ kinh nghiệm, mình nghĩ rằng thời sinh viên nếu muốn khởi nghiệp thì nên đi từ những dự án nhỏ, hoặc là chuẩn bị thật tốt những kỹ năng cần thiết trước khi khởi nghiệp. Chẳng hạn như tham gia nhiều lớp đào tạo về khởi nghiệp, các hội thảo, buổi tập huấn, hay các cuộc thi,…, chứ đùng một cái mà lao đầu vào thì thất bại sẽ rất thảm hại...”.

Còn Ngô Cự Mạnh, sáng lập và điều hành Giao Thoa Tech (dự án khởi nghiệp làm sản phẩm khóa thông minh Atovi) thì cho rằng kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp là một điều vô cùng quan trọng. Người ta thường nhìn vào tuổi tác một người để đánh giá về khả năng khởi nghiệp vì thông thường có sự tương đồng giữa tuổi tác và tuổi nghề. Nhưng thực tế, tuổi nghề mới là yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp. Bởi vì, với tuổi nghề (kinh nghiệm) đủ lớn thì người khởi nghiệp có đủ những yếu tố quan trọng nhất để tạo ra sản phẩm ứng dụng được. Như hiểu về người dùng thật sự để tạo ra sản phẩm cần, đủ các kết nối cần thiết để làm ra sản phẩm, và thật sự quan trọng là chuẩn bị một kế hoạch tài chính phù hợp để đảm bảo hoàn thiện giải pháp (làm sản phẩm mẫu, kiểm tra thị trường, duy trì tài chính cá nhân cho cuộc chiến lâu dài, và có cái để kêu gọi đầu tư;...).
“Vì vậy, theo quan điểm của mình, người sau khi đào tạo hoặc ngay trong trường đại học thì nên tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, làm việc cụ thể, có tuổi nghề trước rồi mới nên khởi nghiệp. Đối với mình, người khởi nghiệp, trước hết phải là một người làm công xuất sắc”, Mạnh chia sẻ.

“Không có thời điểm nào là hoàn hảo”

Theo anh Lâm Tuấn Minh, CEO LP Investment & Consulting (thành viên tổ hợp LP Group) chuyên tư vấn hỗ trợ SME & Startup, thì khởi nghiệp độ tuổi nào tốt nhất là tùy vào từng người.

Theo anh Minh thì học sinh, sinh viên có thể khởi nghiệp trong khả năng, theo kiểu của các em ấy. Như các em có thể đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, đi làm gia sư và tập hợp thành nhóm bạn gia sư, đi bán chè bưởi như cô bé Bống cũng có thể là khởi nghiệp. Tuổi này thì có thể bị giới hạn về thể chất, góc nhìn xã hội ủng hộ còn hạn chế cũng như bị xem là chưa "chín chắn".

Một nhóm thứ hai cũng rất phổ biến là khoảng 35 - 50 tuổi, từ bỏ công việc ổn định, công việc nhà nước để tạo lập một thứ gì đó của riêng mình. Độ tuổi này cũng có kinh nghiệm, có nền tảng tài chính, quan hệ rộng nhưng lại thường bị xem là "chậm", không bắt nhịp được thị trường.

“Khởi nghiệp nếu xét rộng ra chỉ là chúng ta bắt đầu một quá trình tương đối nghiêm túc đối với hoạt động kinh doanh, vì vậy kinh doanh thì không hạn chế lứa tuổi và cơ hội. Và không có thời điểm nào là hoàn hảo để bắt đầu một thứ gì đó. Dù sao, nếu muốn khởi nghiệp 'an toàn', thì hãy dành thời gian chuẩn bị và tận dụng sức mạnh, kinh nghiệm của người khác để đi an toàn và nhanh hơn. 'Liệu cơm gắp mắm', khởi nghiệp 100% không hẳn là tốt và chọn cuộc sống ngoài 'thế giới khởi nghiệp' cũng không có gì là xấu”, anh Tuấn Minh khuyên.

Điều gì là yếu tố tiên quyết?

Anh Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, cho rằng trước khi trả lời câu hỏi “khởi nghiệp ở độ tuổi nào là tốt nhất?”, ta cần trả lời câu hỏi là “tại sao lại khởi nghiệp?”. Trả lời được câu hỏi “tại sao khởi nghiệp?” ta sẽ giải thích được cái gốc rễ của độ tuổi nào khởi nghiệp tốt nhất.

Anh Hiếu chỉ ra: “Tại sao lại chọn làm khởi nghiệp?, câu hỏi mà rất nhiều người làm khởi nghiệp không biết, không suy nghĩ thấu đáo hay không trả lời cho thật thuyết phục với chính mình mà thường là “hứng chí lên là làm”. Kết quả mong muốn của làm khởi nghiệp là kiếm được nhiều tiền, là thành công nhưng chắc chắn rằng động cơ, động lực của khởi nghiệp (câu trả lời của câu hỏi tại sao khởi nghiệp) thì nhất định không phải là tiền mà là tinh thần phụng sự xã hội mạnh mẽ”.

Theo anh Hiếu, có những người đến 60-70 tuổi mới tìm cho mình được câu trả lời thuyết phục và cũng có nhiều bạn trẻ mười tám, đôi mươi đã tự trả lời được câu hỏi “tại sao lại chọn làm khởi nghiệp?”. Nếu câu trả lời xuất phát từ bên trong, tức trong tâm trí, nó hoàn toàn tự nhiên mà không phải là bắt chước, là giả tạo và khi câu trả lời này phù hợp với thời điểm, được thực thi hiệu quả thì con đường khởi nghiệp mới bớt chông chênh, mới tiến đến thành công, còn nếu ngược lại sẽ dễ dẫn đến việc thất bại.

“Do đó, 'khởi nghiệp ở độ tuổi nào là tốt nhất?' thì không có một con số nhất định mà nó phụ thuộc nhiều vào chất lượng của người chuẩn bị làm khởi nghiệp. Nhưng có yếu tố vô cùng quan trọng trong đó là các nguồn vốn. Vốn ở đây được hiểu là vốn tài chính, tri thức, mối quan hệ, kinh nghiệm,…Thì thông thường những người có trải nghiệm sống, tức có thời gian chinh chiến thực tiễn sẽ có lợi thế hơn so với những bạn sinh viên, học sinh. Do đó mà theo thống kê của một số tổ chức thì độ tuổi khởi nghiệp thành công trên thế giới thường ở khoảng 35 - 50 tuổi. Khi ở độ tuổi từ 35 - 50 tuổi, người làm khởi nghiệp đã có những trải nghiệm sâu sắc về thực tiễn các hoạt động kinh doanh trong cuộc sống nên họ cũng sẽ có cái 'khẩu vị khởi nghiệp' sâu sắc hơn, có cách thức giải quyết vấn đề thấu đáo hơn những người còn non trẻ”, anh Hiếu nhấn mạnh.

Hoa Nữ
0 Nhận xét