Hiện tượng này không lạ, gần 10 năm tôi đi làm tư vấn thì cả 10 năm tôi đều gặp. Nhưng nó tạo ra ở các sếp cũ rất nhiều kiểu phản ứng khác nhau. Có vị thì tự hào vì “anh em họ trưởng thành dưới sự điều hành của mình, họ vẫn coi đây là mái nhà chung”. Người khác thì nghiến răng tức giận vì “chúng nó ăn cháo đá bát!” “tốt với chúng nó vậy rồi mà lại đi phản lại công ty cũ!”…
Thực ra cả hai trường hợp cảm xúc của các sếp đều đúng tuỳ theo góc nhìn của họ! Vấn đề là họ nên làm gì với hiện tượng này khi nó xảy ra ngày càng nhiều?
Thực tế là những nhân viên này vốn đã có ý định từ rất lâu và họ lên kế hoạch đàng hoàng đầy đủ từ trước khi quyết định ra đi. Thậm chí có nhiều trường hợp có công ty chạy song song với công ty mình đang làm từ trước khi muốn nghỉ. Trong lúc chạy như vậy họ tận dụng mọi nguồn lực của công ty cung cấp như tài chính, trang bị, nhân công, xe cộ,… Đó là vì công ty mà họ đang làm tạo ra một cơ chế khiến họ có đủ điều kiện làm vậy. Tại các công ty lớn và chuyên nghiệp chuyện này cũng xảy ra, nhưng nó khác ở chỗ chỉ khi nào nhân viên nghỉ thì họ mới chính thức bắt tay vào làm công ty của riêng họ.
Từ tư cách người làm chủ, chúng ta không ngăn được suy nghĩ của nhân viên kiểu này. Điều có thể làm, từ những gì tôi đã đang và chắc chắn sau này vẫn chứng kiến, là giữ họ được lâu hơn. Đó là khi chúng ta làm được tối thiểu hai việc thiết yếu mà tôi liệt kê sau đây, chưa kể các hoạt động tạo văn hoá và động lực khác:
1. Giao và quản lý đủ thời gian làm việc của nhân viên sales, tạo ra ít thời gian rảnh nhất có thể cho anh em trong lúc làm việc
Và
2. Khống chế tốt danh sách khách hàng của mình, không để cho một mình bạn sales giữ toàn bộ mối quan hệ này. Dù cho là khách hàng lớn dạng B2B hay khách hàng đại lý và người tiêu dùng mua ít dạng B2C.
Tới đây sẽ có người đặt ra câu hỏi làm sao khống chế danh sách khách hàng B2B khi đối tượng đó ra quyết định mà không đi theo một quy trình hay lộ trình nào cụ thể cả.
Tôi tin các anh/chị ấy cần phải nhìn rộng ra một chút khi đã có những công ty ở Việt Nam quản lý được dạng khách hàng này. Việc này tuy khó nhưng không phải không làm được, quan trọng là chúng ta có muốn làm hay không. Ngay cả tại các công ty chưa có phần mềm CRM quản lý khách hàng, một người biết quản lý cũng sẽ chỉ ra được những cách quản lý thủ công khác hiệu quả không kém bằng các phần mềm phổ biến như Excel.
Xét cho cùng, quản lý khách hàng thực chất là quản lý chất lượng quan hệ của công ty nói chung với đối tượng đó dưới dạng lượng hoá tối đa!
Theo Facebook Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt