Việc dùng phần mềm crack là phổ biến ở Việt Nam, ví dụ hệ điều hành Windows, bộ Microsoft Office...cài trên máy tính đa số là bản crack, chỉ số ít là bản quyền và thông thường bản quyền đi kèm theo máy mới, ví dụ chiếc laptop tôi đang dùng là máy mới có bản quyền Window 10. Có nhiều lý do gây ra hiện tượng này.
Những công ty phần mềm tên tuổi, lâu đời của Việt Nam như MISA, FAST, Lạc Việt... đều gặp phải tình trạng bị kẻ xấu crack, kể cả đem bản crack này để bán cho người sử dụng với giá bèo bọt. Khi dùng bản crack về nguyên lý dễ bị rủi ro về dữ liệu và không được cty sản xuất phần mềm hỗ trợ. Bạn biết đấy, các công ty phần mềm phát triển được là nhờ nguồn thu từ phần mềm bản quyền, từ các dịch vụ xung quanh, nếu ai cũng mua bản crack thì công ty phần mềm chỉ có phá sản, khi ấy thử hỏi ai sẽ đem trí tuệ để sản xuất phần mềm tốt cho bạn dùng!?
Công ty của chúng tôi tương tự cũng bị kẻ xấu crack và đem bán ra thị trường. Và chúng tôi đã nói về nguy hại của việc này tại chương trình sở hữu trí tuệ tại kênh truyền hình VITV, để lên tiếng và đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng xấu như vậy, crack phần mềm như là hành động ăn cắp, phá hoại, nó khiến nhiều công ty phần mềm lao đao kể cả bị phá sản. Chúng ta hay chê trách người nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại đưa vào cây trồng, chúng ta thấy đáng ghét những tiểu thương kinh doanh gian dối và cũng vậy crack phần mềm của người Việt là hành vi của người có ăn có học, tạm gọi là có tri thức vậy, chúng ta cũng cần mạnh mẽ phản đối.
Việc crack phần mềm gây tổn hại về kinh tế lẫn tinh thần đến những công ty hướng về xây dựng giá trị bền vững, nhưng pháp luật ta vẫn chưa quyết liệt trong khâu hành pháp mà chỉ đang dừng ở quy định trên văn bản.
Và hành động crack phần mềm càng trở nên phổ biến hơn khi mà công cụ crack ngày càng nhiều, người làm crack kiếm tiền dễ dàng hơn nhiều so với công ty sáng tạo phần mềm, mất một vài ngày để crack phần mềm từ công ty sản xuất dùng nhiều năm nghiên cứu phát triển. Nguy khốn đến mức người crack phần mềm đem đi bán cho người sử dụng, rồi còn xem thường và cả việc thách thức với công ty sản xuất, xem thường pháp luật, sự vô liêm sỉ gọi là đến đỉnh cao mà ở đây là sự vô liêm sỉ của bộ phận “có ăn có học” đấy.
Để tự bảo vệ công ty, bảo vệ khách hàng, các công ty phần mềm đòi hỏi phải có nguồn lực, phải tốn nhiều chi phí hơn để tự bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình, để tìm giải pháp bảo mật tốt hơn. Và hơn nữa, các công ty phần mềm và cộng đồng cần lên tiếng mạnh mẽ, phản đối quyết liệt & kể cả tấn công kẻ xấu bằng pháp luật lẫn truyền thông tới những cá nhân/tổ chức có hành vi crack/ăn cướp tài sản trí tuệ của cá nhân/tổ chức sáng tạo ra. Khi cộng đồng cùng nhau tẩy chay những kẻ crack/kẻ cướp tài sản trí tuệ sẽ giúp xã hội phát triển tốt đẹp hơn.
Yêu tri thức, biến tri thức thành cái có giá trị cho xã hội, làm giàu bằng tri thức đó mới là con đường thành công bền vững còn ăn cắp (crack) là việc làm vừa vi phạm pháp luật vừa gây nên nghiệp báo xấu.
P/s: Bọn ăn cắp sẽ nhận quả đắng! Chẳng qua là sớm hay muộn và là người tử tế hãy cùng nhau vạch trần bộ mặt thật của kẻ xấu là thúc đẩy quá trình nhận quả đắng nhanh hơn nhé!
Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.