Có một bạn du học sinh vừa tốt nghiệp cao học quản trị kinh doanh hỏi tôi là có nên về Việt Nam mở công ty khởi nghiệp hay không. Bạn ấy nghĩ là ý tưởng kinh doanh của mình khá độc đáo, nhưng tìm nhà đầu tư sao khó quá. Vì trong thời gian qua bạn trẻ này đã gõ cửa khắp nơi, nhưng vẫn bặt vô âm tính. Vay mượn tiền thì không dám nghĩ đến vì mình chưa có uy tín gì trên thương trường. Và được biết thêm là bạn trẻ này cũng sắp lập gia đình và có thể ở lại Úc ít nhất vài năm trước khi về Việt Nam hẳn. Nếu mở được công ty ở Việt Nam như mong muốn thì bạn sẽ đi đi về về trong thời gian này.
Tôi thấy những khó khăn mà bạn trẻ này nêu ra khá thú vị, vì nó đụng chạm đến một vài vấn đề mấu chốt liên quan đến chuyện khởi nghiệp. Sau đây là những suy nghĩ mà tôi đã chia sẻ với bạn ấy:
Đối với khởi nghiệp thì không có chuyện đi đi về về, chân trong chân ngoài, vừa học vừa làm, vừa làm cái này vừa làm cái kia cùng lúc. Khởi nghiệp là full-time (toàn thời gian), đúng ra còn hơn full time nhiều. Full time là 8 tiếng, 10 tiếng một ngày, còn khởi nghiệp là 24 tiếng một ngày. Ăn ngủ, tắm rửa với nó. Nó là tất cả. Vì nó là KHỞI đầu của một sự NGHIỆP mà. Nó không phải chỉ là kiếm tiền, không hẳn là cái job đầu tiên. Nó là cái gì đó mà mình ôm ấp, hoài bão. Một sự nghiệp lớn hơn một công việc rất nhiều.
Kế đến là chuyện đi kêu gọi vốn đầu tư, đi kêu người bỏ tiền ra cho mình làm, hay nói thẳng ra - đi bán ý tưởng kinh doanh của mình. Tôi nghĩ khó có nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền ra cho một dự án kinh doanh mà người chủ xị không chết sống với nó 24/24, 365 ngày/năm, chưa kể còn thiếu kinh nghiệm nữa. Ý tưởng kinh doanh chỉ là một vế, vế còn lại là phải triển khai một cách thành công. Khâu triển khai (execution) này giết chết biết bao nhiêu dự án tưởng như quá lý tưởng. Do đó, làm sao thuyết phục được nhà đầu tư là mình sẽ triển khai thành công khi chưa từng làm qua ít nhất một lần. Khó.
Vậy thì một người trẻ phải khởi nghiệp làm sao đây nếu không có tiền và không có kinh nghiệm?
Không biết sách vở nói thế nào, nhưng theo suy nghĩ của tôi, trong bối cảnh của môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, thì chỉ có cách phải tích luỹ vốn từ chính bản thân hay từ những người gần gủi xung quanh như gia đình, bà con, bạn bè, người quen. Không huy động được từ những người tin tưởng mình nhất thì khó có thể huy động từ những người xa xôi hơn. Các quỹ đầu tư hay thậm chí các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thường không hứng thú lắm với các ý tưởng kinh doanh còn nằm trên giấy. Họ phải thấy cái gì đó cụ thể, hiện thực, tuy là còn ở trong giai đoạn sơ khai để làm nền tảng dự đoán cho tương lai. Nói khác đi, họ muốn thấy “mặt mũi” của mô hình kinh doanh; thấy “xương máu” bỏ ra của người chủ xướng; thấy khả năng điều hành của người lãnh đạo; và thấy chất lượng của đội ngũ quản trị dự án.
Tóm lại, thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn do chưa huy động được thì không còn cách nào khác hơn là phải biết chờ đợi. Biết cách chờ đợi cũng là một nghệ thuật, một chất lượng không thể thiếu được của một doanh nhân.
Ý tưởng thành lập chuỗi nhà hàng Việt Nam và áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền franchising của thế giới đã được người viết bài này ôm ấp, thai nghén từ thời còn là sinh viên, để mãi mười mấy năm sau mới thực hiện được thông qua thương hiệu Phở 24.
Theo facbook Ly Qui Trung
Nguồn group QTvKN