Nỗi đau lớn nhất của người làm kinh doanh là không đạt mục tiêu đề ra, không đạt doanh số, đồng nghĩa là thu nhập thấp, giảm giá trị bản thân và cả nguy cơ thất nghiệp.
Và rõ ràng, tỉ lệ bỏ việc thuộc top cao nhất luôn luôn có vị trí kinh doanh. Nhưng những người thành công nhất, thu nhập cao nhất cũng thường là từ vị trí này. Tại sao lại có sự khác nhau đến lạ vậy!? Bài viết này tôi sẽ nói về một cái lỗi nghiêm trọng đã khiến rất nhiều người làm kinh doanh đã bỏ cuộc, chấp nhận thất bại trên hành trình ấy.
Đại đa số người làm kinh doanh không được đào tạo bài bản và cũng đại đa số người làm kinh doanh thường có cách tư duy, phương pháp hành động sai nên kết quả thường không đạt mong đợi. Tôi kể lượt lại câu chuyện “Bán lược cho sư” để suy ngẫm:
Đề bài: giao cho kinh doanh một số lượng lược & yêu cầu chỉ bán lược này cho nhà sư.
Có 3 cách giải của 3 dạng người làm kinh doanh:
- Cách 1: kiên trì, nhẫn nại, thuyết phục, năn nỉ, cầu xin.. với các nhà sư, cuối cùng cũng có 1 nhà sư đồng ý mua lược vì vừa thấy đáng thương vừa thấy bị làm phiền quá.
- Cách 2: quan sát thấy các Phật tử thường tóc tai bù xù nên tư vấn thầy nên đặt các lược ở gần lư hương để phật tử chải tóc trước khi khấn Phật, và bán được chục cái vì có đúng chục cái lư hương.
- Cách 3: nhận thấy Phật tử đến với nhà chùa có nhu cầu cần quà lưu niệm và nhà chùa cũng cần có cái để Phật tử nhớ về, thế là tư vấn thầy trụ trì dùng tài năng thư pháp vẽ lên chiếc lược để tạo nên món quà độc đáo, ý nghĩa, duy nhất. Thế là nhà máy sản xuất lược quá tải vì nhu cầu quá cao.
Những ai luôn suy nghĩ bán hàng theo cách giải thứ 3 là bậc thầy về bán hàng, cách thứ 2 là bán hàng hiệu quả và cách thứ nhất thường sẽ bỏ cuộc.
Hình ảnh của những người chọn cách giải thứ 3 đó là những người kinh doanh luôn biết tôn trọng giá trị bản thân, nâng cấp giá trị bản thân mỗi ngày mỗi ngày. Họ là chuyên gia trong việc thiết lập - xây dựng - duy trì và mở rộng mối quan hệ. Những người kinh doanh này tập trung cho việc khám phá để tạo ra giá trị cao, cao hơn và cao hơn thế nữa. Vì họ là người tập trung cao độ nên dễ thấy họ rất tiết kiệm thời gian, sức lực, họ không bao giờ phung phí nguồn lực có giới hạn của bản thân và còn là người có kỹ năng từ chối rất tốt với những việc không tạo ra giá trị, không giúp họ hạnh phúc hơn, thành công hơn. Họ là người có giá trị cao nên theo quy luật của vũ trụ họ cũng hút được những người cùng hệ với họ, điều đó càng khiến họ thành công hơn trong công việc và cuộc sống.
Còn hình ảnh người chọn cách giải thứ 2 là người có óc quan sát và phát hiện nhu cầu nhanh chóng, chuẩn xác. Khi có cơ hội rõ ràng là họ dứt điểm rất gọn gàng, chuyên nghiệp, tốt đẹp. Họ cũng là người chịu khó phát triển bản thân, nâng cao giá trị nhưng vì họ thường chỉ nghĩ về lợi ích của bản thân, là phải bán được hàng - phải bán được lược, nên góc nhìn có phần hạn chế. Do rào cản này mà họ chưa đạt được trạng thái thấu hiểu khách hàng ở mức độ sâu sắc, nên bỏ lỡ nhiều cơ hội duy trì và mở rộng mối quan hệ bền vững.
Còn trong thực tiễn, đại đa số người làm kinh doanh lại chọn cách giải 1 và cũng đại đa số người bỏ nghề kinh doanh là thuộc dạng này. Họ thường nghĩ rằng nghề làm kinh doanh là tạm bợ, có giá trị thấp, hay bị từ chối, là chỉ biết lấy tiền từ túi khách hàng, là phải bán được hàng bằng mọi cách, là phải dùng thủ thuật để đạt chỉ tiêu…, nghề kinh doanh là cái nghề kém cỏi trong xã hội. Những người này có cách làm việc rất cơ bản, không cần phải tư duy nghĩ suy, không cần rèn luyện để nâng cao giá trị, họ gọi điện thoại như một chiếc máy gọi gọi và gọi, họ gặp khách hàng như một nhiệm vụ bị ép buộc, họ chỉ thấy vui khi bán được hàng là do hoa hồng của được tăng lên, họ chán ghét việc duy trì và mở rộng mối quan hệ, họ thích chốt đơn chứ không thích mở ra một chân trời mối quan hệ. Người kinh doanh theo cách này khác rất xa với người kinh doanh theo cách 3 về vấn đề tôn trọng bản thân, người theo cách thứ 3 họ tôn trọng bản thân bao nhiêu thì người theo cách 1 lại bừa bãi bấy nhiêu, vì họ sẵn sàng phí phạm thời gian, sức lực vào những việc vô bổ, chỉ cần thấy sướng thấy thích thì họ làm mà chẳng hề nghĩ suy hậu quả sẽ như thế nào. Họ không có lộ trình phát triển với nghề làm kinh doanh, họ bỏ cuộc dù có giấc mơ thành công với nghề.
Tóm lại, kinh doanh là một cái nghề đáng để theo đuổi, theo tôi đó là nghề chuyển giao & nâng cao giá trị từ nhà cung cấp đến khách hàng. Một công ty sẽ phá sản rất nhanh nếu không bán được hàng. Và thực ra, bản chất ở bất kỳ vị trí nào chúng ta cũng đang bán một cái giá trị gì đó để thỏa mãn người cần nó & sẵn sàng trả tiền cho giá trị ấy. Chúc bạn phát triển bản thân với nghề làm kinh doanh, mở ra nhiều mối quan hệ tốt đẹp trong công việc và cuộc sống để luôn hạnh phúc và thành công.
(Bài viết hơi dài, nên ai đọc đến đây tức là cũng thành công hơn nhiều người đã bỏ cuộc từ đầu)
www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
TP HCM ngày 26/06/2019