Nghĩ được gì từ một phong trào ở xứ lạ...

Ngày 17/8/2017, tòa phúc thẩm Hồng Kông đã tuyên án tù đối với ba thanh niên lãnh đạo phong trào "Dù Vàng" (còn được gọi với cái tên Phong trào Ô Dù) là Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Chu Vĩnh Khang, nhiều người cho rằng, bản án đã đặt dấu chấm hết cho dư âm của phong trào sinh viên đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông năm 2014. 

Nhưng sự kiện 1 triệu người dân Hồng Kông, (dân số của họ chỉ hơn 7 triệu) trong đó giới trẻ chiếm tỉ lệ đáng kể xuống đường biểu tình trong im lặng để phản đối Luật dẫn độ mà Trung Quốc muốn áp đặt cho Hồng Kông Chúa nhật 9/6/2019 vừa rồi đã minh chứng rằng, khi người ta đã thực sự được sống trong một nền dân chủ, thì không thể nào cai trị họ bằng xiềng xích, lao tù. Và trong mọi cuộc cách mạng, người trẻ không thể đứng ngoài cuộc.

Nhìn lại giới trẻ Việt Nam, có thể nhận xét một cách buồn bã rằng, lớp trẻ Việt Nam hiện tại bị bỏ lại ở một khoảng cách khá xa, không biết bao giờ mới đuổi kịp.

Người Việt trẻ kém chịu đựng những mệt mỏi thể xác hoặc những khó khăn ngoại cảnh, lười biếng tập thể thao nên thể lực rất yếu nhưng lại đam mê những hoạt động tiêu cực cho sức khỏe như game điện tử, dùng chất kích thích, thức khuya dậy muộn...

Người Việt trẻ dễ tổn thương, giàu tự ái, hay đòi hỏi, không thích nghe lời nói thẳng, không biết đặt mình vào vị trí của người khác, hay nản chí và dễ bỏ cuộc, đề cao cái tôi ích kỷ, thiếu lòng biết ơn....

Người Việt trẻ có sự trái ngược sâu sắc giữa nhận thức về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Vật chất được đưa ra làm tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm hạnh, giá trị một con người thay vì nhìn họ qua trí tuệ, tâm hồn và những cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước. Vì thế mới xảy ra tâm lý ca ngợi, thần tượng những người giàu về vật chất, cho dù họ chỉ là gái bán dâm cao cấp hay một thằng xã hội đen vô học, chỉ vì họ có tiền, nhưng những người miệt mài hàng chục năm đem sách tới nông thôn, những người vượt qua mọi trở ngại, ngăn cản để mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, những người dành thời gian tiền bạc cho sự phát triển dân trí... thì lại không được giới trẻ quan tâm và tiếp tay.

Người Việt trẻ có ý thức cộng đồng kém. Những năm gần đây, tình trạng chen lấn khi xếp hàng đã được cải thiện, gần như không còn, nhưng thói quen xả rác bừa bãi, ăn nói tục tĩu và không hiếm hành vi ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng vẫn diễn ra.

Người Việt trẻ sống không có hoài bão, lý tưởng, phó thác đời mình cho người khác quyết định, thậm chí tới tuổi thi đại học vẫn chưa biết mình yêu thích ngành nghề gì, mình học để làm gì, mình có sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại để theo đuổi con đường mình chọn không, và với họ, học đại học giống như một chặng tiếp sức của cấp học thứ 4, nên học xong đem mảnh bằng trang trí để rồi lại trở thành công nhân hoặc ăn bám bố mẹ. Như vậy thì đòi hỏi làm sao cho các bạn ấp ủ làm được những điều lớn lao, cao cả vì sự tốt đẹp của cộng đồng?

Câu hỏi đặt ra, vậy người lớn có vô can không?

Câu trả lời là Không. Nói cách khác, người lớn chính là tấm gương và khuôn mẫu của lớp trẻ. Người trẻ soi mình qua thế hệ trước, người trẻ bị thế hệ trước ấn vào một cái khuôn, không cho tự do phát triển và trở thành những sản phẩm con người có chất lượng thấp.

Thứ nhất, lớp trẻ có đầy đủ tính tốt cũng như tính xấu của người lớn. Những nhược điểm của lớp trẻ liệt kê bên trên có bóng dáng của thế hệ trước. Có ông bà, cha mẹ, thầy cô....Chúng ta không thể đòi hỏi thế hệ sau vượt trội về khí chất trong khi chính chúng ta mang đầy đủ thói tật. Thay vì tập thể thao, thì la cà trong quán rượu, thay vì lên tiếng chống bất công thì chỉ dám về nhà chửi bới vợ con, thay vì dành thời gian đọc sách cho tâm trí sáng sủa thì ngồi lê đôi mách đem chuyện người khác mua vui, thay vì trồng một cái cây thì lại ném rác ra đường, thay vì đả đảo những giàu có bất chính thì lại ca ngợi và ao ước, thay vì khuyến khích con cháu quan tâm chính trị xã hội thì lại sợ sệt ngậm miệng và ngăn cấm con cháu này tỏ chính kiến....

Thứ nhì, chúng ta bao bọc bọn trẻ quá đáng, thương yêu chúng một cách thiếu suy nghĩ, biến chúng thành những cái cây còi cọc trong lồng kính, thương yêu vô điều kiện, bắt chúng nghĩ và làm theo những gì mình cho là đúng. Chúng ta chỉ hi sinh mà không đòi hỏi con cái có trách nhiệm, chúng ta vắt kiệt mình để lo cho cuộc sống vật chất của con nhưng lại bỏ mặc chúng với thế giới tinh thần trống rỗng. Chúng ta đâu có thương yêu con đúng cách. Chỉ là chúng ta thể hiện ẩn ức tâm lý về một thời đói kém và dùng con cái để thỏa mãn, bù đắp thiếu thốn một thời. Vô hình chung, trong khi trả nợ quá khư thì ta mắc nợ tương lai.

Và người Việt trẻ, các bạn nghĩ gì?

- Người lớn đã hi sinh cả cuộc đời vì các bạn. Nhưng không có nghĩa bạn là bản photocopy của họ, mà lại là bản photo tồi. Họ là thời gian đã qua. Các bạn là thời gian đang đến. Họ không là chuẩn mực. Lịch sử luôn tiến lên vì thế hệ sau tiến bộ hơn thế hệ trước. Cái gì họ sai, bạn phải sửa. Không phải vì bạn, mà vì tương lai con cháu. Bạn cần thoát khỏi cái bóng và cả xiềng xích tư duy của họ.

- Hãy lắng lòng hiểu những gì cha mẹ dành cho, để mà cư xử cho tròn đạo nghĩa. Làm người tử tế trước hết phải làm con tử tế.

- Hãy chăm chỉ tập thể thao, vì không có sức khỏe thì làm gì cũng rất vất vả, nhất là trong một thế giới hiện đại, cường độ công việc cao, áp lực lớn như hiện tại.

- Hãy chăm đọc sách, đừng ngu muội nghĩ rằng có thể kiếm rất nhiều mà không cần đọc. Người Do Thái giỏi buôn bán nhất thế giới, là những người giàu có, cho dù từng trải qua hàng thiên niên kỷ mất nước, nhưng đứa trẻ sinh ra đã được trao truyền tình yêu sách. Và họ đã làm được gì cho nhân loại, nếu chịu đọc thì bạn sẽ hiểu. Nói không cần đọc sách vì không ham thích, chỉ cho thấy rằng, bạn đã được nuôi dạy không được đầy đủ và đừng truyền ý nghĩ ngu ngốc đó cho thế hệ sau.

- Hãy có những ứng xử văn minh nơi công cộng, nó không là những việc khó khăn nguy hiểm nhưng khiến cho môi trường tự nhiên và xã hội sạch.

- Hãy quan tâm tới chính trị và có chính kiến trên cơ sở hiểu biết thực trạng xã hội để ứng xử đúng trách nhiệm công dân. Đó là sức khỏe, là môi trường sống, là cơm áo của bạn và gia đình chứ không phải điều gì cao siêu cả.

Phong trào Ô Dù của giới trẻ HongKong

Trong khi, giới trẻ Hồng Kông làm nên phong trào Ô Dù.

Trong khi người Hồng Kông vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền tự do tự quyết.


Thì tôi ước mơ ở Việt Nam cũng có phong trào Ô Dù. Nhưng nhỏ bé hơn, tầm thường hơn, đáng xấu hổ hơn.

Đó là: Mong sao thế hệ trước hãy làm gương, hãy đặt cho bọn trẻ niềm tin, cho chúng thoát khỏi những Ô Dù nhân danh thương yêu nhưng làm thui chột nhân cách. Con cháu chúng ta cần được quyền phát triển tự nhiên. Mong người lớn thoát khỏi Ô Dù nhận thức để thấy cả bầu trời, đừng hơi tí đổ lỗi cho thể chế rồi tặc lưỡi cam chịu và bắt con cháu cam chịu. Thể chế làm hỏng con người. Nhưng con người tạo nên thể chế thì cũng có thể đập tan thể chế khi nó không còn phù hợp.

Mong sao người Việt trẻ hãy thoát được những Ô Dù giáo dục lạc hậu để đừng đi sau thế giới thêm nữa. Văn minh lúa nước rất đáng tự hào. Nhưng tính xấu tiểu nông cần xóa bỏ. Văn minh công nghệ thật đáng khâm phục. Nhưng sự hưởng thụ thành quả mà không đáp đền là điều vô ơn. Sửa chữa những thói tật xấu là biểu hiện của lòng biết ơn đúng nghĩa nhất.

Cho dù nhiều lần thất vọng về người Việt trẻ nhưng tôi kiên trì tin và yêu các bạn. Mong một ngày các bạn thoát khỏi Ô Dù để làm nên một cuộc cách mạng Ô Dù chứ cứ ngồi ở vùng trũng mà gào Tự hào hát mãi tên Việt Nam còn thế giới văn minh ngày một bỏ xa thì thật chả có gì để tự hào đâu.

Facebook Thảo Dân

* Tiêu đề bài viết được Cao Trung Hiếu đặt
0 Nhận xét