Chẳng có một ai không muốn được làm sếp, nhưng mấy ai biết rằng đằng sau chiếc ghế lãnh đạo là những đêm suy tư đến bạc đầu, đặc biệt là sếp khởi nghiệp.
"Làm sếp khổ trăm đường chú ạ. Anh là trục máy, còn chú là lớp sơn để bộ máy thêm bền lâu. Sơn hết bóng thì sơn lại, chẳng sơn một hai tháng thì cũng chẳng chết. Nhưng anh mà hỏng là cả cỗ máy chết cả buổi, công ty phá sản. Nên anh dù muốn, dù mệt nhưng không bao giờ được phép hỏng, dù là nghỉ máy một hai ngày". Trích tâm sự của một người sếp gửi cho nhân viên.
Trải qua nhiều năm tháng làm nhân viên, chẳng có một ai không muốn được làm sếp, nhưng mấy ai biết rằng đằng sau chiếc ghế lãnh đạo là những đêm suy tư đến bạc đầu. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để "làm sếp tốt" lại là bài toán khó.
Sau 7 năm làm nhân viên cho một công ty công nghệ có tiếng, được niêm yết cổ phiếu trong rổ Nasdaq, Joe Jones quyết định làm nhân viên cho chính mình. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, anh nhanh chóng rơi vào cơn "khủng hoảng ông chủ". Làm doanh nhân khó khăn hơn nhiều so với những gì anh tưởng tượng: một con đường đầy ổ gà, vạch giảm tốc và góc chết, hoàn toàn không phải là con đường cao tốc đi thẳng đến giàu có.
Những hy sinh thầm lặng
Anh nhận ra mình đã mất tất cả mọi thứ - những gì sếp của anh trước đây cung cấp cho anh, từ công việc hành chính đến mạng lưới xã hội. Anh phải học cách làm tất cả mọi thứ mà trước đây chưa từng nghĩ tới ngoài công việc chính. Trong khoảng thời gian đầu, anh luôn phải sống trong cảnh không có tiền lương. Đột nhiên, cuộc sống trở nên quá khó khăn với anh.
"Làm sếp, bạn luôn luôn bị cuốn theo công ty, không có thời gian dành cho gia đình". Phil Libin - giám đốc Evernote - công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ văn bản chia sẻ. Aaron Leive - sáng lập viên một công ty lưu trữ đám mây cũng cho biết, trong khoảng 2 năm đầu thành lập công ty, anh luôn phải ngủ lại công ty, ăn pizza và mì gói. Trước đây, Vivek Wadhwa là một doanh nhân. Sau khi đưa một công ty ra đại chúng và hồi phục một công ty khác, anh mắc chứng bệnh đau tim khi mới chỉ 45 tuổi. Sau đó anh đã quyết định từ bỏ con đường làm doanh nhân và trở về nghiên cứu.
Nghiên cứu của trường ĐH Harvard trong giai đoạn 2000-2015 cho thấy, hơn một nửa số startup tại Mỹ đã biến mất, những người trụ lại thì sống trong tình cảnh vật lộn. 3/4 startup được các quỹ đầu tư hỗ trợ vốn không thể hoàn lợi nhuận cho các quỹ này. Năm 2000, trường ĐH Washington kết luận lương của những ông chủ startup trong 10 năm còn thấp hơn 35% lương người làm thuê có cùng trình độ.
Làm sếp thì chẳng nhiều thì cũng ít nhất một lần bị nói là điên. John Gartner - giảng viên môn tâm lý học tại trường dược ĐH Johns Hopkins cho biết, doanh nhân thường bị mắc chứng hưng cảm nhẹ - trạng thái tâm lý hứng khởi cao bất thường, dễ bị kích thích, cáu kỉnh hoặc tràn đầy năng lượng và tự tin. Có thể hiểu, đó là trạng thái đối lập với trầm cảm.
Nếu một nhân viên bình thường có thể có rất nhiều bạn, nhưng đối với một ông chủ bạn bè hiếm như "sừng tê giác". Đời ai cũng cần có bạn, mà ông chủ thì càng cần. Làm ông chủ thì thường lắm tâm tư và cách tốt nhất để tránh trở thành một ông chủ đơn độc trong cuộc chạy đường dài là thành lập công ty với một người bạn. Nhưng điều đó lại thường dẫn đến những tranh chấp về quyền lực, tiền bạc mà bất cứ ai đã từng nghe đến câu chuyện của Facebook sẽ hiểu. Vậy chỉ còn cách tốt thứ nhì là kiếm thật nhiều nhà đầu tư và thuê nhiều quản lý giỏi. Nhưng quản lý đôi khi lại không hiểu đúng định hướng thành lập của công ty, khiến cho quyền lực bị phân tán. Nhiều sáng lập viên hiện nay vẫn đang làm giám đốc điều hành cho công ty của mình.
Cách đối phó
Vivek Wadhwa - doanh nhân bị mắc bệnh tim ở tuổi 45 nhắn nhủ tới toàn bộ những doanh nhân sáng lập hãy kiểm tra sức khoẻ định kỳ, tập thể dục đều đặn mỗi ngày và hơn hết, hãy học cách thư giãn. "Bạn không thể tin vào bất cứ thứ gì có tên là cân bằng cuộc sống và công việc, nhưng cơ thể của bạn cần điều đó". Joe Jones - doanh nhân thành đạt sau 7 năm làm thuê cũng đưa ra lời khuyên rằng, những người đang có ý định thành lập công ty riêng cần suy nghĩ nghiêm túc về việc xây dựng mạng lưới xã hội: ý tưởng thành công trong cô lập là sự ảo tưởng nguy hiểm. Chúng ta cần có những người bạn để dựa vào.
Anh Sa
Theo Trí thức trẻ/The Economist