“Truy bức” và “Tìm diệt” Người Thầy

Nếu không có lối học vị bằng cấp, áp đặt, làm thui chột óc sáng tạo và hứng thú, đẩy cả thầy cô, học sinh và phụ huynh vào thế phải sống chung với học vẹt, học tủ (thậm chí thờ ơ với dối trá), trẻ sẽ không cần phải học thêm kiến thức, mà chỉ cần học thêm kỹ năng.

Cô giáo ở Đăk Lăk quỳ gối trong khuôn viên cơ quan hành chính.
Trước đó, cô bị phát hiện tổ chức dạy thêm.

Nếu có một nền giáo dục thực sự nhân văn, khai phóng, đặt trọn vẹn người học vào vị trí trung tâm, sẽ tạo ra những lớp trẻ biết tự học, để làm người, để chung sống, để khẳng định mình, với đầy đủ lương tri, tự trọng.

Nhất là, sẽ không còn một ai phải quỳ gối trước ai, không ai được quyền/cho phép mình ban phát…

Đó mới là những cái làm nên phẩm giá con người, hội thành phẩm giá dân tộc!

Vì sao và từ bao giờ, ở một đất nước giàu truyền thống tôn sư trọng đạo, lại xuất hiện cảnh đoàn này đoàn nọ đi “truy bức”, báo chí lê ống kính đi “tìm diệt” người thầy ở các lớp dạy/học thêm một cách quá ư chua xót?

Dạy thêm, cần phải căn cứ vào động cơ, sự phù hợp: Cưỡng ép hay là mong muốn truyền dạy kỹ năng, kiến thức?; Mức học phí cao hay vừa phải, tượng trưng?…

Những thầy cô dạy thêm miễn phí, hoặc chỉ thu tượng trưng cho đủ tiền điện, nước, phấn và thuốc viêm họng, sao lại “truy bức”?

Những thầy cô dạy thêm vì tiếc nuối sở học cả đời, nhiều người đã về hưu, sao lại “tìm diệt”?

Nguồn: Fb ĐKG

Bài báo Tuổi Trẻ: Cô giáo quỳ gối trong sân UBND tỉnh xin về lại trường cũ

----------------------------------------------------------------------------------------

'Tôi không quỳ dâng đơn để xin chuyển trường mà tôi bị oan ức, bị xúc phạm'

Tôi bị oan ức, bị xúc phạm, bị đối xử không công bằng. Tôi muốn được minh oan và tôi không quỳ để xin về trường cũ.
Câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh giáo viên Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) quỳ trước cổng Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh Đắk Lắk ngày 6/8 vừa qua đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Cô giáo Hoa Anh mặc áo đen (Ảnh CTV)

Có thông tin cho rằng, cô giáo quỳ dâng đơn chỉ để xin về trường cũ.

Thế nhưng trò chuyện với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hoa Anh cho biết:

“Tôi bị oan ức, bị xúc phạm, bị đối xử không công bằng. Tôi cần được đối thoại với người có thẩm quyền cao nhất nhưng người ta xua đuổi và không tiếp tôi. Tôi muốn được minh oan và tôi không quỳ để xin về trường cũ”.

Dạy kiến thức cho trẻ trong dịp hè không thu tiền là không phải dạy thêm

Ngày 26/6, cán bộ Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột ập vào nhà tiến hành lập biên bản tôi vì tội “Tổ chức dạy thêm trái phép”.

Lúc đó tại gia đình tôi có 15 em học sinh.

Trong đó chủ yếu là con cháu trong nhà và con của bà con chòm xóm xung quanh, họ đi làm cả ngày không có điều kiện chăm sóc con nên gửi nhà tôi.

Tôi dạy nhưng không thu một đồng học phí như thế có phải là dạy thêm học thêm trái phép không?

Ngay Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cũng đã định nghĩa về dạy thêm học thêm rất rõ ràng.

“Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm”.

Phụ huynh của 15 em học sinh đã làm đơn, đã khẳng định họ gửi con đi làm vì không yên tâm cho con ở nhà.

Giáo viên hoàn toàn dạy miễn phí.

Vậy nên, Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành lập biên bản tôi vi phạm việc tổ chức dạy thêm học thêm là hoàn toàn sai căn cứ.

Cũng vì biên bản này, tôi đã bị đối xử như một kẻ phạm tội thật sự.

Tại sao, chính quyền thành phố Buôn Ma Thuột lại nói lời bất nhất?

Trong quyết định thuyên chuyển công tác của cô giáo Hoa Anh từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu về Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh ghi rõ:

“Điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu?”

Nhưng trong thực tế, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu lúc ấy đang thiếu giáo viên trầm trọng.

Chuyển cô Hoa Anh đi, buộc nhà trường phải bố trí bà Lương Thị Bích Nguyên, Phó Hiệu trưởng thực hiện công tác chủ nhiệm lớp 2B.

Chỉ mỗi việc bố trí Phó Hiệu trưởng đứng chủ nhiệm một lớp học, điều này đã vi phạm về công tác phân công chuyên môn.

Đứng dạy lớp như những giáo viên bình thường khác, Phó Hiệu trưởng sẽ chỉ đạo, giám sát chuyên môn nhà trường mình vào lúc nào?

Khi trường học nào đó buộc phải bố trí Phó Hiệu trưởng đứng lớp, hiệu trưởng giảng dạy tăng giờ là nhân lực nơi ấy đang thiếu trầm trọng.

Câu hỏi được đặt ra, quyết định luân chuyển cô giáo Hoa Anh “từ trường thừa sang trường thiếu” đã đúng chưa?

Chắc chắn lý do ấy là điều vô lý! Vậy vì sao họ cứ nhất quyết thực hiện điều vô lý ấy?

Quyết định điều chuyển giáo viên của Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột nêu rõ ràng như thế.

Nhưng trong văn bản trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột lại nêu nguyên nhân chính khiến cô Hoa Anh bị điều động là:

“Vi phạm dạy thêm học thêm không đúng quy định”.

Tại sao giữa quyết định thuyên chuyển và văn bản trả lời báo chí của Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột lại bất nhất như vậy?

Phải chăng nhà trường cùng Ủy Ban Nhân dân Thành phố quyết tâm “điều động” cô Hoa Anh chuyển đến vùng khó để tạo điều kiện cho cán bộ quản lý nhà trường trực tiếp giảng dạy để có điều kiện hưởng chế độ thừa giờ?

Bởi, một tiết dạy tăng giờ của giáo viên hiện được tính khá cao (Tiền lương 1 giờ dạy thêm = Tiền lương 1 giờ dạy x 150%).

Lương của một giáo viên hơn 20 năm công tác, một tiết dạy được khoảng 130-150 ngàn ngàn đồng.

Một năm dạy ít nhất khoảng 200 tiết thì số tiền nhận được lên tới vài chục triệu đồng.

Thuyên chuyển công tác là không công bằng với cô giáo Hoa Anh

Cô Hoa Anh cho biết: “Thành phố chưa có quy định thuyên chuyển giáo viên vi phạm dạy thêm vì có một số giáo viên vi phạm trong năm vẫn không bị điều chuyển.

Tôi yêu cầu lãnh đạo thành phố phải đưa ra quy định việc luân chuyển viên chức do vi phạm dạy thêm, học thêm, thì họ không đưa ra được.

Trong khi trong dịp hè, lúc vừa chăm con nhỏ ở nhà, tôi giúp những người hàng xóm trông con, phụ đạo miễn phí tại sao lại nói tôi vi phạm?”

Chưa kể đến việc cô Hoa Anh đã từng dạy 14 năm tại vùng khó.

Nay mang tiếng bị kỷ luật lại chuyển về nơi ấy.

"Tôi không nặng nề đến trường vùng ven, khó khăn hơn, nhưng cách làm của thành phố, của ngành giáo dục cho thấy có việc xem trường vùng ven là nơi "đày ải" giáo viên vi phạm.

Tôi thấy bị tổn thương chứ đâu phải do tôi chỉ muốn ở trường cũ?”

Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột cần rút lại quyết định bởi cô Hoa Anh không vi phạm dạy thêm

Ngày 7/8, trả lời trên Báo Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Hưng, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột - người trực tiếp ký các văn bản điều chuyển cô Hoa Anh vẫn khẳng định:

"Không thể chuyển người bình thường, không vi phạm gì cả đi trường khác.

Trong quá trình giải quyết việc điều chuyển, cô Hoa Anh có vi phạm về dạy thêm, nên đó là một trong những tiêu chí để lựa chọn”.

Ông tiếp tục khẳng định "Tuy nhiên, quyết định điều chuyển cô giáo Hoa Anh đi trường khác là không sai, đúng thẩm quyền và sẽ không thay đổi".{1}

Vậy đã rõ, nguyên nhân điều chuyển cô giáo Hoa Anh đi trường khác là do cô đã vi phạm quy định dạy thêm, học thêm.

Thế nhưng như chúng tôi đã phân tích ở trên, cô giáo Hoa Anh có dạy đám trẻ hồi hè nhưng không thu tiền.

Căn cứ theo quy định của Thông tư 17 dạy mà không thu tiền là không phải dạy thêm.

Bởi thế, Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột cần ban hành quyết định thu hồi biên bản phạt vi phạm quy định dạy thêm, học thêm của Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành lập ngày 26/6/2017 và thu hồi quyết định chuyển trường của cô Hoa Anh để đưa về trường cũ.

Phan Tuyết
Link https://baomoi.com/toi-khong-quy-dang-don-de-xin-chuyen-truong-ma-toi-bi-oan-uc-bi-xuc-pham/c/31771156.epi
0 Nhận xét