[ENTERNEWS.VN] Hầu hết các chuyên gia đều khuyên không nên khởi nghiệp kinh doanh một mình. Thế nhưng để cùng đi chung một con thuyền lại không hề dễ dàng.
Và thực tế là nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chung dù thành hay bại cũng tan. Vậy nguyên nhân từ đâu và làm thế nào để giải quyết được thực tế này?
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên không nên khởi nghiệp kinh doanh một mình. Thế nhưng để cùng đi chung một con thuyền lại không hề dễ dàng. Và thực tế là nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chung dù thành hay bại cũng tan. Vậy nguyên nhân từ đâu và làm thế nào để giải quyết được thực tế này?
Ai cũng mang tư tưởng làm chủ
Bạn Nguyễn Viết Thương (cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) vừa tốt nghiệp ra trường đã quyết tâm khởi nghiệp với dự án nông nghiệp sạch. Thương kể, lúc đầu bạn đồng hành là bạn thân cùng lớp, sau vài tháng thì quen được một anh lớn hơn 2 tuổi tại một buổi hội thảo, cả ba thấy đồng chí hướng nên quyết tâm cùng nhau gây dựng dự án khởi nghiệp.
“Lúc đầu, dù khó khăn đủ đường nhưng anh em rất đoàn kết và cùng nhau vượt qua khó khăn. Đến khi xây dựng được cửa hàng và mở được vài chi nhánh, bắt đầu công việc nhiều và nhân sự cũng tăng lên. Từ đó mâu thuẫn của 3 anh em xảy ra”, Thương chia sẻ.
Rồi Thương khẳng định: “Nguyên nhân chính dẫn đến xung đột và khiến dự án thất bại là do 3 người ai cũng mang tư tưởng mình là chủ. Nên mỗi người mỗi cách quản lý và không hề có sự thống nhất”.
Còn anh chàng Ngô Cự Mạnh, sáng lập và điều hành Giao Thoa Tech (dự án khởi nghiệp làm sản phẩm khóa thông minh Atovi), thì chia sẻ về những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong dự án khởi nghiệp của mình.
“Tất cả thành viên đều học kỹ thuật ra, cái tôi kỹ thuật rất lớn. Nên giai đoạn đầu thì rất ổn, nhưng càng làm, việc bàn bạc càng khó khăn. Rồi kinh nghiệm đi làm được khoảng 2 năm thì khởi nghiệp nên còn non, công cụ quản lý, điều phối, phối hợp và đặc biệt là phương pháp làm việc chưa tốt nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn”, Mạnh chia sẻ.
Phải có người dẫn dắt
Nhận thấy những mâu thuẫn nếu không được giải quyết thì sẽ lớn dần lên. Mạnh nhận ra trong một đội ngũ đồng sáng lập phải có một người dẫn dắt, thế là với vai trò người dẫn dắt, Mạnh tập trung học tập về văn hóa làm gương.
“Bên cạnh đó, mình tăng cường các thành viên cùng đi học các khóa học về làm việc nhóm, khởi nghiệp. Rồi từ đó bắt đầu chuẩn hóa phương pháp làm việc và quy chuẩn họp, bàn bạc hằng tuần. Nhờ vậy mà có nhiều mâu thuẫn có thể trao đổi trực tiếp, thẳng thắn, giải quyết dễ dàng hơn và mới duy trì được đội hình, chứ nếu không cũng đường ai nấy đi rồi”, Mạnh rút ra bài học.
Đồng quan điểm, anh Cao Trung Hiếu (sáng lập và điều hành Dân Trí Soft) khẳng định: “Có một sai lầm là ai cũng cho mình cái quyền của người làm chủ, không phân định rõ ràng được vai trò của ‘người sở hữu công ty’ và ‘người làm thuê cho công ty’, nên dẫn đến tình trạng thiếu kỷ luật, làm việc với năng suất, hiệu quả thấp lại hay đổ lỗi lẫn nhau khi thất bại”.
Theo anh Hiếu phải phân quyền, phân cấp và theo nguyên tắc một cấp quản lý. Tức mỗi nhân sự chỉ chịu trách nhiệm trước một cấp quản lý trực tiếp, không được phép chồng chéo lẫn nhau. Khi làm ăn chung, hãy phân quyền và phân cấp quản lý rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu dễ áp dụng, nếu không “thuyền dễ bị chông chênh”.
Phải minh bạch
“Tin tưởng nhau mới cùng nhau hợp tác làm ăn chung, đó là điều chắc chắn. Nhưng khi đi vào vận hành, nhiều người quên mất điều căn bản để mối quan hệ phát triển bền vững trong kinh doanh là ‘nguyên tắc minh bạch’, do đó họ cẩu thả, tùy tiện, không phản ánh số liệu báo cáo, không chia sẻ thông tin đến các thành viên sáng lập,… và đôi khi còn có việc tư lợi cá nhân. Một lần, hai lần có thể chẳng sao cả, nhưng khi vỡ lỡ rồi mất niềm tin lẫn nhau là xem như ‘thuyền chìm'”, anh Hiếu đặc biệt nhấn mạnh.
Không những thế, anh Hiếu cũng hài hước: “Trong việc làm ăn, thành hay bại cũng là điều bình thường, yêu hay ghét cũng phải tập trung cho sứ mệnh, cho tầm nhìn, cho tính hiệu quả, cho ý nghĩa của việc khởi nghiệp ở ngày đầu. Không vì thương nhau mà cả nể bỏ qua cái sai trái, không vì ghét nhau mà thiếu tôn trọng công sức, thành quả của đối tác. Nếu công việc làm ăn có đổ vỡ thì hãy giữ cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất, giữ cho nhau sự trọng nể lẫn nhau, hãy ‘chia tay không đòi quà’”.
Còn anh Trần Quang Ninh, CEO của Công ty cổ phần SaveMoney, thì khuyên cần xác định rõ tôn chỉ mô hình kinh doanh là lợi nhuận, giá trị xã hội hay phát triển bền vững,… Nếu các đồng sáng lập không cùng quan điểm chí hướng lúc đầu thì sau này gặp khó khăn hoặc cơ hội kinh doanh phát triển đến rất khó đưa ra quyết định.
Cũng đồng quan điểm với anh Hiếu, anh Ninh nhấn mạnh: “Dù là anh em, bạn bè nhưng phải tuân thủ và minh bạch trong quá trình vận hành công ty. Các thành viên bắt buộc tuân thủ mặc dù không thích vai trò được giao, để nếu có thất bại thì cũng biết vì sao thất bại. Mọi hoạt động đều minh bạch thông tin vì người Việt hay đẻo cày giữa đường, thay đổi kế hoạch giữa chừng làm rối loạn nội bộ dẫn đến mâu thuẫn. Và đặc biệt, trước khi quyết định làm ăn chung thì không nên vội vàng mà phải suy nghĩ kỹ càng như việc kết hôn vậy”.
Theo startup.gov.vn