Cách nhận biết người thực sự có tố chất lãnh đạo: Chỉ gói gọn trong một từ duy nhất!

Cho dù bạn có tài năng và xuất chúng đến đâu, nếu thiếu đi phẩm chất này thì khó lòng mà chạm tay được tới thành công.


Ở thời đại 4.0 với công nghệ và trí thông minh nhân tạo (AI) đang dần có khả năng thay thế con người, thì tiêu chí về một ứng viên lý tưởng cũng cần phải thay đổi. Các công ty không còn cần những người chỉ biết giải quyết vấn đề, mà họ cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và khả năng nhìn ra vấn đề tiếp theo cần xử lý.

Lãnh đạo là những người truyền cảm hứng, được trang bị một đôi tai sắc sảo để lắng nghe, sẵn sàng phá vỡ bất kỳ khuôn mẫu nào và luôn chấp nhận rủi ro. Trong thời đại kỹ thuật số, kỹ năng cần thiết hàng đầu này của các thủ lĩnh là điều mà công nghệ không thể nào thay thế và đáp ứng.

Nó tóm gọn trong một từ: khiêm nhường.

Biết khiêm tốn, thừa nhận sai lầm là chìa khoá dẫn đến thành công.

5 lý do tại sao đức tính khiêm nhường chính là một lợi thế

Để học cách rèn luyện sự khiêm nhường như một nhà lãnh đạo tài ba, tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Aaron Meyers, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hammer & Nails Groom Shop for Guys, một start-up thành công ngoài mong đợi, nay là chuỗi cửa hàng làm đẹp, điểm đến hàng đầu của nam giới.

Đi cùng với nỗ lực luôn là sự khiêm tốn, hai yếu tố quyết định giúp Meyers xây dựng thành công doanh nghiệp của mình và trở thành một lãnh đạo đáng kính trong ngành. Dưới đây là năm phương châm hàng đầu của ông để làm chủ nghệ thuật khiêm tốn.

1. Khiêm nhường để suy ngẫm

Bên cạnh thời gian làm việc, hãy dành thời gian để suy nghĩ về những tuần vừa qua. Ngẫm lại, lưu ý cả điểm mạnh và điểm yếu của bản thân qua từng vấn đề đã xử lý. Khiêm tốn là biết học hỏi từ vấp ngã và sai lầm nhỏ nhất của bản thân. Đừng phàn nàn hay ủ rũ, thay vào đó hãy biến nó thành động lực, thành cảm hứng vươn lên cho chính mình.

2. Khiêm nhường để đặt cái tôi xuống

Sự khiêm nhường đặt cái 'tôi' xuống thấp và tập trung nhiều hơn vào 'chúng ta'.

Meyers chia sẻ rằng ông hướng phong cách lãnh đạo của mình dựa trên một trích dẫn: "Mọi thứ trở nên tồi tệ, là do tôi. Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn nhờ có chúng ta. Khi mọi thứ còn tuyệt hơn cả mong đợi, là nhờ bạn đấy", câu nói đơn giản nhưng đủ để làm người khác chiến đấu vì mình.

Một bộ máy không thể hoạt động trơn tru nếu thiếu đi bất kỳ bộ phận nào, và trong một tập thể cũng vậy: "Tất cả những gì nhà lãnh đạo cần làm để thành công trên một chiến tuyến là biết sử dụng, tập hợp và vực dậy đồng đội của mình", và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào đức tính khiêm nhường.

3. Khiêm nhường để không ngại bày tỏ khó khăn

"Các nhà lãnh đạo cũng cần được giúp đỡ. Giống như nhóm của bạn phụ thuộc vào người đứng đầu, bạn cũng phải dựa vào họ", Meyers chia sẻ. Tất cả chúng ta đều có những thế mạnh khác nhau và không ai có thể vỗ ngực tự hào rằng rằng mình không biết tất cả mọi thứ. Đây là lý do tại sao các nhà lãnh đạo nên cởi mở với những trải nghiệm mới, chấp nhận rủi ro, đặt niềm tin và trông cậy vào cấp dưới, những người đồng hành cùng mình để làm nên nhiều điều không tưởng. Bởi rõ ràng, "Một cây làm chẳng nên non"!

4. Khiêm nhường để lắng nghe

Muốn học hỏi, trước hết phải biết lắng nghe.

Trong một cuộc hội thoại, khi bạn không nói, tâm trí của bạn sẽ tự động xây dựng, hình thành phản ứng tiếp theo của bản thân. Chúng ta bước vào các cuộc nói chuyện hay tranh luận với một vấn đề cụ thể theo quan điểm cá nhân bởi não bộ đã được lập trình để chuẩn bị từ trước đó.

"Hãy thử cách tiếp cận khác xem? Hãy tham gia cuộc họp hoặc thảo luận tiếp theo của bạn một cách tự nhiên và ngẫu hứng. Khi đó, bạn bắt buộc phải lắng nghe những gì người khác đang nói và đổi hướng tư duy của mình theo diễn biến mới". Meyers giải thích thêm: "Mẹo này sẽ giúp bạn biết cách lắng nghe để học hỏi hơn, mang đến cho bạn một tư duy phát triển thay vì một tư duy cố định."

5. Khiêm nhường để nhìn thấy được ánh sáng ở nơi tối tăm nhất

Meyers chia sẻ với Inc rằng lần đầu tiên giới thiệu đứa con tinh thần của mình trên chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) đã bị từ chối ngay lập tức. Đó là một thất bại, nhưng không có nghĩa là dấu chấm hết, ngược lại, chúng ta có thể lấy đó làm đòn bẩy để đi xa hơn.

"Khi được tham gia góp ý, chúng tôi nhìn nhận rõ hơn về những thiếu sót của dự án. Và chúng tôi tiếp tục biến những ý tưởng thành thực tế, cho đến khi chúng thực sự hoạt động và hữu ích", Meyers nói thêm.

Sai lầm là một phần tất yếu trên hành trình trở thành một nhà lãnh đạo và doanh nhân, cho dù bạn đi từ bàn hai bàn tay trắng hay đã có chút từng trải. Đừng ngại vấp ngã và khiêm tốn thừa nhận vấp ngã ấy, chỉ cần chắc chắn rằng bạn có mục đích và việc làm của bạn sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống này.

Theo Như Phạm
Trí Thức Trẻ/Inc
0 Nhận xét