Người thành công thực sự, đều làm được 3 điểm này...
Chú của tôi, chú Thu là một tấm gương của những người vừa có tiền đồ vừa có đạo đức lại vừa được mọi người kính trọng. Khi còn trẻ, chú làm thầy giáo ở trong làng, sau này về phường làm thư kí hơn chục năm. Nhắc tới chú ấy, người trong thôn đều khen ngợi không ngớt. Nhưng khi hỏi Nguyễn Chí Thu tốt ở đâu, phần lớn cái tốt của chú ấy đều có liên quan tới công việc. Chẳng hạn, lúc đi thăm nhà học sinh, chú không chỉ nói về tình hình học tập của học sinh mà còn đi sâu tìm hiểu gia cảnh của học sinh đó, lúc sắp rời đi, còn thường để lại một chút tiền cho những học sinh có gia cảnh khó khăn; đối với những thành phần "bất trị" trong làng, chú cũng chưa từng to tiếng, mà sẽ ngồi xuống nói chuyện với chúng đàng hoàng, hoặc thường đến nhà thăm, giúp chúng giải quyết những vấn đề khó chia sẻ.
Chú Thu năm nay 60 tuổi, đã nghỉ hưu ở nhà. Tuần trước, tôi có về quê thăm chú. Ngồi nghe chú kể chuyện xưa, tôi tổng kết ra được một đạo lý: người thành công thực sự, đều làm được 3 điểm này.
Thứ nhất: làm việc khiến người khác yên tâm, phàm là chuyện gì cũng rất giữ chữ tín
Chú Thu lúc còn làm thư kí của phường được mọi người hết sức tin tưởng. Người làng đều nói "giao việc cho thư kí Thu là an tâm rồi, không phải lo cái gì cả", rất nhiều người dân trong phường thậm chí còn nhờ chú Thu tư vấn cho cả chuyện gia đình.
Phường nhiều người như vậy, một mình chú Thu chắc chắn không thể quản hết, vì vậy, nguyên tắc làm việc của chú là: việc không làm được nhất định sẽ từ chối thẳng thừng, chứ tuyệt đối không việc gì cũng ậm ờ nhận cho xong rồi làm không đến nơi đến chốn. Cũng chính nhờ vậy, mà chú Thu đã thiết lập được một chữ tín rất vững chắc trong lòng mọi người, việc đã hứa, chú nhất định sẽ làm đến nơi đến chốn. Chú bình thường ra ngoài đều sẽ cầm theo một quyển sổ nhỏ, nhà ai cần giúp việc gì chú đều ghi chép lại, chuyện gì không ghi chép trong sổ sẽ không đi làm.
Sau này, không khó để nghe được cuộc hội thoại như này giữa bà con với nhau, "chuyện nhà ông có được thư kí Thu ghi lại không, nếu không ghi thì thôi đi, ông ấy không làm đâu. Còn nếu đã ghi rồi thì cứ yên tâm ở nhà đợi tin tốt thôi..."
Người có tiền đồ, được mọi người kính trọng, làm việc sẽ luôn khiến người khác yên tâm, họ có nguyên tắc của riêng mình, đặc biệt biết lượng sức mình, năng lực tới đâu làm việc tới đó, tuyệt đối không phải kiểu nhận cho oai rồi chẳng làm được gì ra hồn.
Thứ hai: thấu hiểu, nói ít, nhưng nói câu nào khiến người khác dễ chịu câu ấy
Chú Thu nói chuyện rất dễ nghe, tốc độ nói không nhanh, chú luôn cố gắng nói để người khác nghe hiểu, nghe rõ. Hôm đó, chú nói về chuyện học hành của đứa con nhà hàng xóm. Người phụ nữ hàng xóm, hồi trẻ rất xinh đẹp, sau khi sinh con xong, liền bỏ đi theo người khác, hơn 10 năm rồi vẫn chưa quay lại. Người đàn ông hàng xóm một mình gà trống nuôi con, đứa con vì không có mẹ nên hay bị bạn học trêu chọc, bắt nạt. Ngày họp phụ huynh, lúc người cha bước vào lớp học, rất nhiều phụ huynh khác cứ thì thầm bàn tán, "không có vợ, một mình gà trống nuôi con như vậy thì làm thế nào được", "chỉ trách mình nghèo, không có bản lĩnh giữ được vợ thôi, kiếp sau may ra đầu thai vào nhà giàu có thì mới xứng với cái khổ phải chịu ở kiếp này"... nói là mọi người thì thầm vậy thôi chứ người cha đều nghe thấy hết, cảm thấy bản thân rất vô dụng, là người đàn ông vô năng nhất trên thế giới.
Lúc bắt đầu họp, người đầu tiên mà chú Thu nhắc đến chính là người cha đó, chú Thu biểu dương cách dạy con nghiêm túc của người cha, đồng thời khen ngợi thành tích học tập và biểu hiện của đứa con ở trên lớp, từ đầu tới cuối không hề nhắc tới hai chữ "vợ bỏ". Nói chuyện, không động vào "nỗi đau" của người khác, đây chính là sự khôn ngoan và mềm dẻo trong cách nói chuyện của chú Thu.
Chú Thu đồng thời cũng là một người rất "kín miệng", bất kể người ta có tới "cáo trạng" với chú điều gì, chú cũng đều sẽ không nói ra ngoài, sẽ không khuếch đại mâu thuẫn. Có chuyện, sẽ mặt đối mặt nói chuyện rõ ràng với đối phương, chuyện qua rồi, tuyệt đối sẽ không nhắc lại. Chú còn dạy tôi, "một người ăn nói hàm hồ, không biết chịu trách nhiệm với lời nói của mình thì không phải là người tin cậy, mà chỉ là một dạng vớ vẩn mà thôi."
Muốn thành công, trước hết phải là người có đạo đức, nói năng phải có chừng mực, hiểu thế nào uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Lời mà chưa "qua não"thì không được nói. Đôi khi, phải học cách dừng lại lắng nghe người khác chứ không phải cứ một mình thao thao bất tuyệt.
Người có đạo đức, khi nói chuyện đều sẽ nghĩ đến cảm nhận của người khác, nghĩ đến thể diện của người khác, tuyệt đối không bới móc nỗi đau của người khác để rồi châm chích thêm vào đó, ngữ khí nhẹ nhàng, dù đó có là lời phê bình đi chăng nữa.
Thứ ba: Luôn tươi cười, hòa đồng với mọi người
Lúc tôi nói chuyện với chú Thu, mặt chú lúc nào cũng nở nụ cười, mặc dù dáng vẻ không cạo râu của chú trông có vẻ khá già nhưng sắc mặt thì luôn rất tươi, đem lại cho người khác cảm giác rất dễ gần và chất phác.
Chú Thu nói, "mỗi người dù là làm công việc gì, ở vị trí nào thì cũng đều có những phiền não, đều sẽ có lúc tức giận, nhưng tức giận, nghĩa là cháu đang tự làm khó mình". Từ một thầy giáo quay trở về làm việc ở phường, trên thực tế cũng có không ít người nói này nói nọ sau lưng về chú, nhưng chú đều chịu được hết, không tính toán sự cười chê của người đời.
Công việc của chú thường xuyên phải xử lý những mâu thuẫn của người nông dân, có rất nhiều người "cùn", nói chuyện vô lý, người ta nói lý họ cũng không nghe, luôn đặt lợi ích của mình lên trên đầu. Còn nhớ ngày mà làng được làm đường lớn, rất nhiều người dân đã tìm lên phường đòi bồi thường. Làm đường là chuyện tốt, là bệ phóng cho con em sau này bước ra bên ngoài. Chú Thu đã rất kiên nhẫn giảng giải cho mọi người chính sách, thể hiện sự đồng cảm với người dân, người dân từ đó cũng nguôi ngoai dần, đồng ý với việc làm đường. Chú nói với tôi, "con người với con người khi giao tiếp với nhau, cháu luôn phải giữ cho mình nụ cười, có vậy mới dễ dàng hòa nhập, nói chuyện với nhau được."
Khi bạn mang một khuôn mặt rạng rỡ, hòa đồng, người khác nhất định sẽ không "nỡ" mắng bạn.
Người thành công, dù có phiền muộn tới đâu, họ cũng sẽ không cau có mặt mày, người khác nói gì, làm gì, họ cũng đều không dễ tức giận, bởi họ sống rất lý trí. Khuôn mặt, cho thấy nội tâm của một con người, một người luôn hòa đồng, dễ chịu, khuôn mặt lúc nào cũng sẽ nở nụ cười.
Thành công không phải cái gì quá to lớn, vĩ đại, nó bắt đầu từ chính những hành động nhỏ nhặt nhất, bắt đầu từ cách đối nhân xử thế của bạn với mọi người. Một người có đạo đức, biết nghĩ tới cảm nhận của người khác, "nhân duyên" tự nhiên sẽ kéo đến. Có "nhân duyên là có quan hệ, có quan hệ là có tài nguyên, có tài nguyên là có thành công..."
Như Quỳnh
Theo Trí Thức Trẻ