5 bẫy tâm lý cần tuyệt đối tránh nếu muốn thành công

Các nhà tâm lý học gọi các trường hợp này là "biến dạng nhận thức" - những bẫy tâm lý này khiến chúng ta nhận thức vấn đề khác với thực tế.


Bộ não của chúng ta là một thể thống nhất có sự liên kết của mọi thứ từ suy nghĩ, ý tưởng, hành động và nhận thức về hậu quả. Nhưng đôi khi, đối với một số việc chúng ta trở nên thái quá, tiêu cực và đánh giá sai. Các nhà tâm lý học gọi những trường hợp này là "biến dạng nhận thức", những bẫy tâm lý này khiến chúng ta nhận thức vấn đề khác với thực tế.

Những người thành công nhất đã nhận ra và tránh những lỗi này trong suy nghĩ. Dưới đây là một số bẫy tinh thần phổ biến nhất kìm hãm chúng ta khỏi thành công và cách vượt qua chúng:

1. Lý giải theo cảm xúc

Sai lầm chúng ta hay mắc phải đó là nhầm lẫn cảm xúc của bản thân thành bằng chứng thực tế.

Ví dụ: Tôi cảm thấy những ý tưởng của mình là vô giá trị, vì vậy tôi quyết định không chia sẻ chúng trong cuộc họp này.

Lý giải theo cảm xúc thường có thể khiến chúng ta đưa ra những lựa chọn sai lầm. Để chống lại lý giải cảm xúc, các chuyên gia tâm lý khuyên bạn nên tự hỏi mình những câu hỏi như: "Những cơ sở, bằng chứng hỗ trợ cho quyết định dựa trên cảm xúc của tôi là gì? Có phải cảm xúc của tôi đang chi phối quyết định của mình không và có cần phải xem xét lại chúng?". Khi bạn ngừng coi cảm xúc của mình là sự thật, bạn sẽ có được tư duy logic, sự rõ ràng trong suy nghĩ để đưa ra quyết định thông minh hơn.

2. Đổ lỗi

Việc không chịu trách nhiệm về hậu quả mà bạn gây ra 
đồng nghĩa với việc bạn không học được gì từ những sai lầm của mình.

Chúng ta thường đổ lỗi, buộc người khác phải chịu trách nhiệm cho hành động và cảm xúc của bản thân.

Ví dụ: Khi chuẩn bị đi làm, con mèo của bạn bỗng nhiên chạy trốn khỏi cửa. Ngay lúc này bạn sẽ nghĩ: "Hay lắm, giờ mình sẽ bị trễ làm và tất cả là lỗi của con mèo !".

Theo Whit Whitbourne, giáo sư danh dự về Khoa học Tâm lý và Não bộ tại Đại học Massachusetts Amherst: "Chúng ta thường đổ lỗi cho người khác vì nó giúp chúng ta bảo vệ lòng tự trọng của mình bằng cách tránh nhận thức về những sai sót hoặc thất bại của chính mình".

Nhưng việc không chịu trách nhiệm về hậu quả mà bạn gây ra đồng nghĩa với việc bạn không học được gì từ những sai lầm của mình. Mà để có thể phát triển thành công, trải nghiệm là yếu tố rất quan trọng.

"Việc đổ lỗi cho người khác là hành động phi lý, gây tổn thương đối phương", ông Gustavo Razzetti, tác giả của cuốn sách Stretch Your Mind. Ông nói rằng việc rèn luyện sự đồng cảm có thể giúp bạn bỏ thói quen đổ lỗi. "Hãy thử tập trung vào việc thấu hiểu người khác, thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ, không phải lúc nào cũng nghĩ đến chuyện đúng-sai".

3. Quan trọng hóa vấn đề

Nhiều người trong chúng ta thường quan trọng hóa vấn đề, bất kể điều gì.

Ví dụ: Tin tức thông báo rằng một cơn bão đang đến gần. Bạn ngay lập tức bắt đầu tưởng tượng những điều tồi tệ có thể xảy ra: "Nếu nhà tôi bị phá hủy thì sao? Lỡ người thân bị thương thì sao? Nếu tôi bị thương thì sao?".

Sợ hãi, đặc biệt là nỗi sợ phi lý, là một phần của việc quan trọng hóa vấn đề. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy việc luôn dự đoán kết quả tồi tệ nhất xảy ra không hề hữu ích, trái lại có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm. Nhà tâm lý học Judith Beth khuyên bạn nên liệt kê ra hết những viễn cảnh tốt đẹp có thể xảy đến để tránh bẫy tâm lý này. Bạn có thể bình tĩnh, ít lo lắng hơn và tinh thần minh mẫn hơn.

4. Sai lầm của sự công bằng

Khi rơi vào bẫy sai lầm về sự công bằng, 
bạn có xu hướng cảm thấy tức giận, bực bội hoặc thất vọng.
Sai lầm về sự công bằng xảy ra khi một người tin rằng mọi tình huống nên được quyết định dựa trên công bằng.

Ví dụ: Bạn cay cú khi đồng nghiệp được thăng chức còn mình thì không. Bạn cho rằng điều này là không công bằng. "Cô ấy hiếm khi đi làm đúng giờ còn tôi thì chăm chỉ hơn cô ấy rất nhiều."

Nhưng, chắc hẳn từ nhỏ chúng ta đã được dạy rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng. Khi rơi vào bẫy sai lầm về sự công bằng, bạn có xu hướng cảm thấy tức giận, bực bội hoặc thất vọng.

Vì vậy, thay vì để bản thân cảm thấy bất mãn, hãy tự nhủ: "Ai cũng muốn được thăng chức, nhưng tôi không có quyền kiểm soát điều đó. Có lẽ tôi nên nói chuyện với sếp của mình để tìm ra cách cũng có thể được thăng chức trong năm tới."

5. Cá nhân hóa

Cá nhân hóa ở đây bao gồm cả việc tự làm, tự chịu trách nhiệm mọi thứ và nhận hết mọi lỗi lầm về mình bất kể lý do có hợp lý hay không.

Ví dụ: Con trai thi đạt điểm kém, bạn cho rằng đó là lỗi của bạn vì không dành thời gian kèm con học.

Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng cá nhân hóa có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi, xấu hổ và cảm thấy mình không thỏa đáng. Để khắc phục sự biến dạng nhận thức này, hãy thử "lùi lại một bước" và suy nghĩ lại về mọi việc, sau đó xem xét liệu tất cả có phải là lỗi của bản thân bạn hay không.

Bằng cách nhìn nhận sự việc khách quan hơn, bạn sẽ phát hiện ra rằng có nhiều yếu tố khác nhau tạo ra kết quả và lỗi lầm không phải hoàn toàn là do bạn. 

Duy Thắng
Theo Trí Thức Trẻ/CNBC
0 Nhận xét