Cổ nhân dạy: Làm việc không trì hoãn - nói chuyện không lắm lời - làm người có chừng mực

Làm người chính trực, thẳng thắn, đường đường chính chính, không hổ thẹn với trời đất, với lòng mình. Bình tĩnh, trầm ổn, thản nhiên vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. Cái “độ” “vừa hay” này chính là thứ mà ai trong chúng ta cũng nên theo đuổi.


Không trì hoãn

Là người, ắt sẽ có tính lười, tính ì.

Ai cũng có lúc mệt mỏi, yếu đuối, khó tránh khỏi những lúc muốn dừng lại một lúc để lười biếng, để nghỉ ngơi.

Nhưng, làm việc, đáng sợ nhất là hai chữ "trì hoãn".

Chuyện hôm nay, hôm nay phải làm cho hết.

Ngày mai rồi lại ngày mai, biết bao nhiêu cái ngày mai lặp lại?

Người không biết trân trọng hôm nay, làm sao có thể nắm bắt được ngày mai?

Gặp việc chỉ biết trì hoãn, chần chừ, trì hoãn rồi trì hoãn, thoắt cái đã tới già, chần chừ lại chần chừ, việc cũng "mốc meo" lên cả.

Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, sống trong sự "tê liệt", việc nhỏ biến thành việc lớn, việc tốt trở thành việc xấu, việc dễ trở thành việc khó, cuối cùng không đạt được cái gì, không được việc gì.

Làm người, nhất định phải biết trân trọng thời gian đi nỗ lực chăm chỉ; làm việc, nhất định phải nhanh nhẹn, dứt khoát.

Chỉ cần bạn "siêng", thế gian sẽ không có việc gì khó; chỉ cần bạn "hoãn", việc dễ cũng thành việc khó.

Đừng tiếp tục viện cớ cho mình nữa, nghĩ xong rồi thì ngay lập tức hãy bắt tay vào hành động.

Khi đã bước được những bước đầu tiên rồi, những việc phía sau nhất định không hề khó khăn như bạn nghĩ.

Không lắm lời

Người trầm mặc ít nói thường là người hành sự cẩn trọng, có tướng cát tường; người lắm lời thường là những người nóng nảy, hấp tấp, bộp chộp, rất dễ chuốc thù rước hận.

Vì vậy, quản cho tốt cái miệng là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân.

Lời nói, không quý ở nhiều, mà quý ở sự tinh tế.

Nói chuyện phải thực tế, có gì nói nấy, không nịnh hót, lẻo mép.

Mặc Tử có một người học trò tên Tử Cầm, Tử Cầm có một lần hỏi thầy giáo của mình rằng: "Nhiều lời và ít lời, cái nào mới là tốt hơn?"

Mặc Tử đáp: "Con ếch và con ruồi, con thì ộp ộp, con thì vo ve không ngừng suốt đêm, kêu đến khô cả họng, nhưng chẳng có ai muốn nghe tiếng kêu của chúng cả; còn con gà trống, chỉ khi bình minh mới cất lên tiếng gáy của mình, người trong thiên hạ lại nghe tiếng gáy đó mà thức dậy. Vậy, nhiều lời có ích gì? Điều quan trọng ở đây đó là nói chuyện phải biết lựa chọn thời điểm mà nói."

Đang bực mình, tâm trạng không vui, đợi bình tĩnh lại rồi hãy nói.

Lúc chưa rõ đầu đuôi xuôi ngược, đợi biết rõ thực hư rồi hãy nói.

Có việc gấp, từ từ bình tĩnh lại rồi hãy nói cho rõ ràng.

Lúc không cần thiết thì đừng có mở miệng.

Không nên nói thì đừng có nói bừa, không được nói lời vớ vẩn, không đồn đại linh tinh.

Lời nói, chỉ khi là lời hay ý đẹp, chỉ khi nói đúng lúc đúng chỗ mới có thể phát huy ra được sức hấp dẫn của riêng nó.

Có chừng mực

Làm người, nhất định phải có chừng mực.

Cái gọi là chừng mực ở đây ý muốn nói phải nắm cho chắc tiêu chuẩn đạo đức trong làm người.

Chừng mực là thước đo, vừa có thể dùng để đo bản thân, vừa có thể dùng để đo người khác.

Trong lòng có "thước", hành sự có "độ";

Không nóng nảy, không tùy tiện, không ti tiện, không cao ngạo;

Cương nhu kết hợp, lấy nhu khắc cương, trong "vuông" ngoài "tròn";

Có lễ có tiết, có độ có lượng.

Lúc tiến biết tiến, lúc cần lui biết lui.

Lúc cần thể hiện hãy thể hiện, lúc cần che dấu hãy che dấu.

Ở vị trí nào làm việc đó, bưng bát như nào ăn cơm như vậy.

Hành sự phải chừa cho người khác một đường lui, cũng là chừa cho bản thân đường lui sau này.

Làm người chính trực, thẳng thắn, đường đường chính chính, không hổ thẹn với trời đất, với lòng mình.

Bình tĩnh, trầm ổn, thản nhiên vượt qua những thăng trầm của cuộc sống.

Cái "độ" "vừa hay" này chính là thứ mà ai trong chúng ta cũng nên theo đuổi.

Tử Đình
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét