Cá sống biết nghịch dòng bơi lên, cá chết mới thả mình theo dòng nước
01
Thời đại học tôi có ở cùng phòng với một người bạn. Ngay từ lúc nhập học chúng tôi đã biết hoàn cảnh gia đình của cậu ấy không tốt. Ba của cậu ấy là người tàn tật, cậu ấy học ở trường theo diện học sinh nghèo. Trong phòng bất kể là ai mua đồ ăn vặt hay hoa quả cũng đều sẽ chia cho cậu ấy một ít.
Lúc mới đầu mọi thứ đều khá ổn, sau này chúng tôi dần dần phát hiện ra sự việc phát triển theo hướng rất kì lạ. Cậu ấy có thói quen mượn thẻ ăn cơm của chúng tôi hoặc nhờ chúng tôi mua cơm hộ, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nhắc tới chuyện tiền cơm. Mỗi lần ai đó trong phòng mua túi mới hoặc quần áo mới, cậu ấy đều sẽ đứng ở bên cạnh xuýt xoa "Nhà cậu nhiều tiền thật!". Trong phòng có một bạn được học bổng, cậu ấy liền nghĩ mọi cách bắt người ta mời mình ăn cơm, còn cho rằng đây là điều đương nhiên .
Sau này bạn cùng phòng không chịu được nữa liền chủ động nói với cậu ấy chuyện tiền cơm, cậu ấy liền tỏ ra tủi thân:
"Bạn bè với nhau, sao phải tính toán chút tiền này?"
Nhưng cậu ấy quả thực không nghèo tới mức không có tiền ăn cơm, hơn nữa thời sinh viên sinh hoạt phí của mọi người thực sự không có nhiều. Mọi thứ của mình cậu ấy đều quy về không có tiền, mở miệng ra là: "Nếu tôi có tiền vậy thì tôi nhất định sẽ thế này thế nọ...."
Người khác có được học bổng, cậu ấy nói đó là bởi có tiền đi học thêm.
Người khác đi tham gia cuộc thi khiêu vũ, cậu ấy nói quả nhiên nhà có tiền mới cho con cái học nghệ thuật.
Người khác bảo vệ luận án thành công, được điểm cao, cậu ấy nói lấy tiền đi cửa sau....
Thực tế thì sao?
Câu lạc bộ miễn phí trong trường đầy ra đấy, lên thư viện đọc sách cũng đâu có mất tiền, nhưng cậu ấy đâu có đi.
Lúc bạn học ở trên thư viện học bài, cậu ấy đang ở trong phòng xem phim, ngủ; người khác đi làm thêm kiếm thêm tiền, cậu ấy nói vất vả lắm không đi.
Vừa tốt nghiệp xong đã kết hôn, suốt từ đó tới nay, cậu ấy chỉ là một bà nội trợ toàn thời gian.
Có nói chuyện với cậu ấy vài lần, cậu ấy cũng ca thán chồng không có bản lĩnh, không kiếm được nhiều tiền, nếu không thì cuộc sống đã tốt hơn bây giờ, gửi tin nhắn vào nhóm cũng đều là than nghèo kể khổ.
02
Một tỷ phú Nhật Bản từng nói rằng: "Không làm bạn với người nghèo ý chí."
Nghèo ở đây không chỉ chỉ những người không có tiền, nghèo về vật chất, mà còn là nghèo về cả tinh thần, nghèo về tư duy và nghèo một cách "đương nhiên".
Mọi điều không thuận lợi trong cuộc sống, họ đều quy về vì không có tiền, đồng thời không có ý thức bỏ ra bất cứ nỗ lực nào đi thay đổi hiện trạng, chỉ biết ngồi một chỗ oán than.
Nghèo không phải là lỗi của bạn, nhưng cứ mãi nghèo, thì vấn đề lại ở chính bạn.
Bất luận là về vật chất hay tinh thần, chúng ta không thể quyết định xuất thân của bản thân, nhưng chúng ta luôn có quyền quyết định cuộc sống sau đó sẽ ra sao.
Tôi có một đồng nghiệp, anh ấy đến từ nông thôn, anh ấy từng nói rằng nhà anh ấy lúc nghèo nhất, đến một cái bánh bao cũng phải ăn cả ngày, mốc lên rồi cũng không nỡ vứt đi.
Nhưng dù như vậy, dù là nghỉ hè, anh ấy vẫn kiên trì buổi sáng đi làm thêm buổi tối ở nhà ôn bài, cuối cùng thi được vào trường đại học có tiếng.
Hiện tại, anh ấy làm việc ở thành phố, có nhà có xe, gia đình hạnh phúc.
Gia đình nghèo khó không thể là cái dây trói buộc bạn cả đời, chỉ cần bạn nỗ lực, nhất định có thể thoát được ra khỏi sự nghèo khó.
Ngược lại có những người lấy nghèo khó làm cái cớ để lợi dụng lòng thương của người khác, không muốn thấy người khác sống tốt hơn mình, không có tinh thần tích cực. Những người như vậy, xác định cả đời chỉ có thể sống trong nghèo đói.
03
Tôi từng đọc được câu chuyện như sau:
Một người giàu một lần về nhà xuống xe, trông thấy một người ăn xin lảng vảng xung quanh.
Người giàu không thèm để ý, thấy vậy, hàng xóm xung quanh cho ông là máu lạnh vô tình.
Người giàu giải thích: tôi cho anh ta tiền, anh ta càng xin được tiền càng không có ý thức lao động đi làm giàu, sống ở đời, giàu là từ nghèo ép mà ra.
Người hàng xóm nói người giàu thế nào cũng nói được. Người ta bây giờ một xu cũng không có thì làm giàu kiểu gì, có tiền rồi tự nhiên sẽ tìm cách mưu sinh thôi.
Người giàu nói vậy chúng ta thử xem.
Ngày thứ hai, người giàu cho người ăn xin 500 ngàn và nói:
Năm xưa tôi khởi nghiệp từ 500 ngàn, bây giờ tôi cho anh số tiền y như vậy, anh tự mình đi làm ăn, làm cái gì đó, đừng chỉ suốt ngày đứng đây xin tiền nữa.
Người ăn xin cầm lấy tiền mắt sáng lên, hứa lên hứa xuống, từ đó, nửa tháng sau không thấy anh ta đâu nữa.
Người hàng xóm những tưởng người ăn xin đã quyết chí làm ăn, không ngờ, nửa tháng sau người ăn xin lại quay lại đúng chỗ ấy, tiếp tục ngửa tay ra xin tiền.
Người giàu lái xe qua, nhưng lần này, ông nhất định không thèm để ý tới người ăn xin nữa.
Sống ở đời, nghèo nhất thời, nghèo vật chất không đáng sợ, chỉ sợ "tâm" nghèo nghèo cả đời.
Người có "tâm" nghèo, chỉ biết sống trong oán than, không nhìn thấy được trời rộng sông dài, đổ hết mọi khổ sở của bản thân lên đầu cái nghèo, không có ý thức đi đấu tranh hay thay đổi.
Ở bên những người như vậy sẽ chỉ khiến chúng ta khổ sở, vất vả hơn mà thôi.
Con người nếu không muốn khổ cả đời, vậy thì những cái khổ nhất thời là điều rất khó tránh, rất nhiều người vì muốn tránh những cái khổ nhất thời mà phải khổ cả đời.
Hoàn cảnh gia đình, chúng ta không cách nào thay đổi, nhưng chúng ta trong quá trình trưởng thành hoàn toàn có thể tích lũy sức mạnh, chờ một ngày "trở mình".
Con đường "trở mình" có lẽ rất khó đi, nhưng chỉ cần tốt hơn ngày hôm qua một chút, tốt hơn tháng trước, năm trước một chút, dần dần tích lũy theo thời gian, bạn có thể tìm ra con đường của riêng mình trong muôn vàn chông gai.
Hãy nhớ:
- Cá sống biết nghịch dòng bơi lên, cá chết mới thả mình theo dòng nước.
- Chỉ người biết nắm bắt cơ hội mới có thể vươn tới thành công, cái gọi là may mắn sẽ chỉ xảy đến với những ai biết chuẩn bị và sẵn sàng.
- Thế giới này rất công bằng, sẽ chỉ nhường đường cho những ai sẵn sàng nỗ lực và chăm chỉ.
Như Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ