Có thể bạn không biết, trong các loại triết lý nhân sự có một tôn chỉ dành cho các lãnh đạo: "Chỉ giữ người muốn ở lại". Vì thế, nếu bạn quyết định ra đi, sẽ không có ai giữa bạn lại, ngay cả khi bạn là một nhân viên xuất sắc.
Ngày nay, trong một môi trường làm việc mở và cạnh tranh nhiều, chuyện nghỉ việc, nhảy việc không hề xa lạ với các bạn trẻ. Đôi khi, chỉ vì một chút không thích nghi với môi trường làm việc và cách quản lý của sếp, các bạn trẻ có thể nhanh chóng quyết định nộp đơn xin nghỉ việc.
Thế nhưng có thể bạn sẽ hối hận nhanh chóng khi đọc 6 lý do mà một cô gái có nickname Michi chia sẻ. Bài viết được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội.
"Bạn làm sai, sếp mắng một câu, bạn giận dỗi về bàn viết đơn xin nghỉ. Ngay khi email được gửi đi, câu trả lời ngắn gọn của sếp mà bạn nhận được là: "Ừ!"
Bạn nhếch mép, nghĩ: Rồi để xem ông ta tìm được ai thay thế mình, ông ta là một người không biết giữ chân nhân tài. Bạn nghĩ, khả năng của bạn có thể làm ở bất cứ đâu. Bạn mở Facebook và viết vài dòng thấm đẫm triết lý như "Lãnh đạo là...", "Sếp là kẻ...".
Có lẽ rất nhiều người đi làm đều từng ít nhất một lần nghĩ về sếp như vậy".
Nhưng với một người có nhiều năm đi làm, trải qua nhiều vị trí từ nhân viên đến lãnh đạo, tác giả bài viết đã rút ra những kinh nghiệm khiến bất kỳ ai từng đi làm đều phải soi xét lại bản thân. Nếu bạn cũng từng một lần quyết định xin nghỉ việc vì quá bực mình với sếp, hãy đọc thật kỹ 6 điều sau:
1. Trên tất cả các loại triết lý nhân sự, các vị lãnh đạo có một tôn chỉ "chỉ giữ người muốn ở lại". Nếu bạn đã muốn ra đi, sẽ không có ai giữ bạn cả. Ngay cả khi bạn là một nhân viên có năng lực.
2. Ai cũng có thể bị thay thế, ngay cả sếp. Vì thế đừng ảo tưởng bạn là người quan trọng vời vợi trong công ty.
3. Khi bị sếp chỉ trích, bạn nộp đơn xin nghỉ ngay lập tức. Đó chỉ giống như một đứa trẻ con làm mình làm mẩy khi bị người lớn mắng. Nó thể hiện bạn không chuyên nghiệp, bạn không đủ bản lĩnh và bạn quá đề cao cái tôi cá nhân.
4. Vài trường hợp, bạn có thể cho rằng mình không sai. Vì quy định công ty không nói rõ điều đó. Hoặc sếp chưa bao giờ nói với bạn điều đó.
Nhưng xin bạn hiểu, có những quy ước trong công việc không bao giờ được nói ra. Bởi nó được sử dụng để thanh lọc những người có EQ tốt.
Ví dụ: Gần đây tôi xem bộ phim Hàn Quốc, nhân vật Yoon Jin Ah thực sự rất chuyên nghiệp khi cô hiểu rằng không bao giờ được đi sneaker tới công sở, dù quy định công ty không có. Cô nói: "Hiểu được điều đó chính là sự chuyên nghiệp".
5. Ngoài năng lực tốt, các công ty luôn tìm kiếm những người có tính cách tốt. Một tính cách tốt không phải là bạn nhường nhịn đủ điều, bạn ngoan ngoãn dễ thương như một chú mèo con. Mà là cách bạn ứng xử. Bạn biết cách nói chuyện, bạn giao lưu khéo léo, bạn không ngồi lê đôi mách, bạn biết cách thể hiện bản thân.
Đừng gào lên khi có ai đó được sếp ưu ái hơn vì "đứa đó khéo nịnh sếp". Thực tế cho thấy, "khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ" - tựa một cuốn sách mà tôi rất thích. Đọc sách rồi bạn sẽ hiểu, "khéo nói" không -phải - là "xu nịnh".
6. Thực tế là ông chủ nào cũng muốn có được nhân tài làm việc cho mình. Vâng, tôi nhấn mạnh là: Làm - việc - cho - mình! Hoặc tốt hơn hết là Cộng - tác - cùng - mình! Chứ không phải là mời về để Làm - chủ - của - mình.
Nên nếu bạn còn nghĩ rằng, với trình độ của bạn (có thể cao hơn ông chủ), bạn nói gì ông chủ cũng nghe theo thì... bạn lầm!
Với suy nghĩ như thế, lời khuyên là, tốt nhất hãy tích cóp một số vốn và tự đứng lên làm chủ. Vì không ai muốn có một nhân viên chỉ lăm le cãi lời sếp.
Theo tác giả bài viết, khi đi làm, bạn sẽ đối mặt với vô số bất công trên cuộc đời này. Nếu may mắn, bạn có thể gặp được người sếp vừa có tài vừa có tâm. Kém may hơn một chút, sếp của bạn chỉ có 1 trong 2 điều. Còn nếu xui thì sếp của bạn có thể thiếu cả 2 thứ.
Dù trong hoàn cảnh nào bạn cũng sẽ chỉ có một số lựa chọn: "Nghỉ việc nếu không chịu được áp lực. Hoặc im lặng cho yên thân, làm đủ trách nhiệm rồi về. Hoặc vẫn cố gắng hết sức cho tới khi được sếp công nhận. Hoặc, tiếp tục phản ứng và tỏ thái độ với sếp dù biết có thể bị đuổi việc".
Nếu bạn nhận ra, tất cả các sự lựa chọn có thể đều là "thay đổi thái độ làm việc của bạn", không hề có sự lựa chọn thay đổi sếp. Thái độ làm việc của bạn sẽ quyết định thành quả bạn nhận được. Sẽ chẳng ai có thể khuyên bạn nên lựa chọn phương án nào, vì mọi quyết định là do bạn, chỉ có bạn mới hiểu rõ bản thân mình cần gì.
Tác giả bài viết cũng chia sẻ, một người sếp của cô từng nói: "Em chỉ được nghỉ việc khi bản thân em đã có đóng góp cho công ty. Hãy ra đi trong sự lưu luyến của người khác". Một khi đã làm việc, hãy làm việc có trách nhiệm và chuyên nghiệp. Nếu quyết định ra đi, bạn cũng nên hành động chuyên nghiệp. Đừng làm mình làm mẩy. Đừng dỗi hờn thế giới. Đừng nói xấu công ty hay sếp.
Trong công việc, đừng bao giờ vội vàng thiếu cân nhắc cả khi nhận việc và khi rời bỏ công việc. Hãy nghỉ việc một cách có văn hóa làm nên nhân cách một người tử tế. Bạn sẽ là người quyết định người ta luyến tiếc vì những điều bạn đóng góp hay thở phào vì sự ra đi của bạn.
Minh An
Đọc thêm: 'Em nghỉ việc' - Nghỉ đi, đừng sợ!