Khi mua hàng hóa thường chúng ta sẽ có những lo lắng?
- Không biết có phải bị mua hớ hay không, bị mua đắt hay không?
- Không biết mua xong rồi về có dùng được không hay là tiền mất tật mang?
- Không biết dùng có ổn định hay không?
- Không biết sau khi mua thì có được nhà bán hàng chăm sóc chu đáo hay là quăng con giữa chợ?
- .v.v.
Và theo kinh nghiệm mua hàng, tôi hay chọn như sau:
- Một, chỉ chọn mua hàng ở đơn vị có uy tín, tốt nhất là họ phải có cửa hàng offline dù có thể xem thông tin qua online, mục đích để sau này có gặp sự cố thì còn biết cửa hàng mà đến bảo hành. Vì có lần mua cái máy Phillip từ Lazada, dùng vài tháng bị hỏng cần bảo hành thì Lazada bảo gửi máy đến trung tâm bảo hành Phillip ở tận quận 1, trong khi nếu mua ở Điện Máy Xanh quận 7 thì 200m tôi đã đưa cái máy ra cửa hàng để họ xử lý với hãng rồi. Từ đó tôi chỉ mua Lazada, Tiki, Shopee những món xác định là mua rồi nếu hỏng là vứt, nên chỉ mua cái giá trị nhỏ. Thêm nữa, khi tôi biết bạn bè có bán món hàng tôi cần thì tôi ưu tiên chọn bạn bè, vì nỗi lo lắng rủi ro đã được bạn bè chia sẻ và nguyên tắc của tôi là không bao giờ mua giá rẻ từ bạn bè, tôi hay nói "tôi muốn trả giá cao hơn so với người bình thường, vì bạn bè thân tín đã giúp tôi quẳng đi những nỗi lo rồi".
- Hai, khi mua sẽ ưu tiên những nơi có chính sách đổi trả rõ ràng, ví dụ cho đổi trả trong 10 ngày, 15 ngày, 30 ngày. Tôi có trải nghiệm rất tuyệt vời với Điện Máy Xanh là có lần mua cái máy ép của Bluestone, đem về dùng thì thấy ép không nhuyễn, tôi đem ra cửa hàng chỉ chia sẻ là "máy ép không nhuyễn nên muốn Điện Máy Xanh thu lại máy đã qua sử dụng, tôi sẽ chịu mất phí vì lỗi là tôi không xem kỹ thông số kỹ thuật cũng như review về Bluestone để tôi đổi cái Phillip". Thật bất ngờ là Điện Máy Xanh thu lại nguyên giá mà không cần quan tâm là Bluestone bị lỗi gì. Tôi học hỏi điều này vào Dân Trí Soft khi cho chính sách đổi/trả phần mềm trong 30 ngày nếu khách hàng không hài lòng vì bất kỳ lý do nào. Nếu nhân viên Dân Trí Soft hỗ trợ không tốt thì rất đơn giản là khách hàng yêu cầu hoàn lại tiền, trong 24 giờ tài khoản của quý khách đảm bảo được hoàn trả.
Với lĩnh vực phần mềm tính tiền thì đây là lĩnh vực vô hình, hiệu quả của nó chỉ được thấy rõ khi áp dụng vào kinh doanh, nó khác xa với hàng hữu hình như chiếc điện thoại, máy tính, tivi, cái tủ lạnh..., hàng hữu hình nếu có lỗi thì khá dễ thấy còn vô hình thì khó hơn rất nhiều. Do là vô hình cho nên việc người kinh doanh vì hám lợi ích cá nhân mà quên đi là cần trao giá trị đến khách hàng, nên không ít salesman "nổ về sản phẩm" mà khi nghe tôi cứ nổi da gà rờn rợn, sao mà nổ dữ quá vậy. Họ có thể nổ mọi thứ để đạt mục tiêu là chốt sales lấy được tiền doanh thu. Tôi còn ám ảnh vì tình trạng nhiều công ty dùng cách mà tôi gọi là "ngu hóa đội ngũ salesman", tức là công ty không đào tạo tri thức thật, không nói thật mà chỉ gieo vào kinh doanh "tinh thần chiến binh" nghĩa là bán hàng bằng mọi cách, mọi giá và giàu sang là thước đo thành hay bại. Ngu hóa salesman thành công đến mức mà các salesman có niềm tin tưởng tuyệt đối với những "cái nổ" của bản thân, họ có thể nghĩ ra mọi "cách nổ" và xem nó là điều đương nhiên, tất nhiên, hiển nhiên của nghề làm kinh doanh, họ chỉ sáng tạo "cách nổ" mà hoàn toàn không đầu tư chút trí tuệ vào kiến thức nền tảng để "bớt nổ", để thấy ngượng mồm khi "nổ"...
Một minh chứng cho điều này là có một công ty làm web ở Công viên phần mềm Quang Trung, có gần 1.000 salesman, họ dùng telephone sales rất ghê gớm, nên tôi đảm bảo có nhiều bạn bè đã nhận cuộc gọi chào hàng từ salesman của công ty này. Bạn bè tôi có nhiều người tiền mất tật mang ở công ty làm web này đấy. Salesman bên này "khi nổ" thì có thể nói là đạt đến trình độ thượng thừa và khiến bao nhiêu doanh chủ ký hợp đồng và đặt cọc làm ngay. Cái dễ dàng thì không nói làm gì vì ai cũng làm được, đằng này có những đề bài theo tôi khó và rất khó, tốn kém tiền tỉ và nhiều tháng mới hoàn thành thì salesman bên đó có thể "nổ" là làm nhanh với chi phí rẻ chỉ từ một hai trăm triệu. Doanh chủ thiếu kiến thức ở lĩnh vực mà lại không có người cố vấn thì hay vướng vào cái bẫy "giá rẻ" và lời hứa ấy mà rót tiền, vì khảo sát thì các công ty khác báo giá gấp đôi gấp ba bốn lần.
100% những dự án như kể trên đều thất bại, vì nếu làm cho tới nơi tới chốn thì công ty làm web ở trên sẽ phá sản vì không kham nổi chi phí. Nhưng ở đây lỗi sẽ được công ty làm web đẩy sang là do khách hàng, do không làm đúng cam kết và dựa trên sự thiếu hiểu biết của khách hàng họ chỉ đưa ra một sản phẩm "tầm bậy" nhìn giao diện có vẻ hợp lý nhưng phần backend, database... đúng là tào lao mía lao, vì vậy doanh nghiệp sẽ không vận hành được hệ thống này, dự án sẽ thất bại.
- Khách hàng trả giá đắt vì mua hàng giá rẻ, cam kết hoành tráng vì salesman "nổ" thì tiền mất tật mang, họ có tiền nên họ có quyền thất bại.
- Salesman với những công ty dùng kỹ thuật "ngu hóa đội sales" thì ngày càng liễu lĩnh hơn, "nổ" bất chấp, nổ như bắp rang bơ vì thành công được đo bằng tiền và chỉ có tiền mới là thành công.
- Xã hội trở nên kinh doanh bát nháo hơn, thật thật giả giả - giả giả thật thật lộn tùng phèo.
Vậy theo bạn có giải pháp nào để "cứu vớt" nỗi đau trên của xã hội!?
Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình