Doanh nghiệp quyết không nhận sinh viên điểm thấp hoặc nợ nhiều môn?

Mới đây, một doanh nghiệp tuyển thực tập sinh lương 6 triệu đồng/tháng, đã nhấn mạnh yêu cầu 'Học hành tử tế, không bỏ học lo làm giàu khi còn quá non gây nên hậu quả nợ môn nhiều'.


Doanh nghiệp khuyên sinh viên nên tập trung
việc học để nắm vững kiến thức nền tảng
ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH


Loại hồ sơ những sinh viên nợ môn, thi lại nhiều


Đó là thông tin tuyển dụng thực tập sinh của Công ty Dân Trí Soft. Cụ thể, doanh nghiệp này đang tuyển 5 thực tập sinh lập trình viên Angular, là sinh viên năm 4 tại TP.HCM. Trong các tiêu chí tuyển, có một yêu cầu được nhấn mạnh: "Học hành tử tế, không bỏ học lo làm giàu khi còn quá non gây nên hậu quả nợ môn nhiều, thi lại không vượt quá 30% chương trình học".


Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, cho biết: “Chúng tôi làm vậy để vừa sàng lọc hồ sơ ngay bước đầu. Những sinh viên nào không đáp ứng tiêu chí này sẽ bị loại. Nhu cầu thật của doanh nghiệp là cần nhân lực có giá trị, tức là nhân sự ấy tạo ra được giá trị gia tăng cho công ty, càng tạo nhiều giá trị gia tăng là càng có giá trị cao. Để tạo ra giá trị thì bất kỳ nhân sự nào cũng cần có 2 nền tảng là kỹ năng cứng (hard skill) và kỹ năng mềm (soft skill). Kỹ năng cứng được thể hiện rất cụ thể qua việc hoàn thành các khóa học, đạt những chứng chỉ, thành tích... Một sinh viên không hoàn thành tốt chương trình học thì khi ra công việc thực tế sẽ không vững vàng, thiếu óc quan sát, phân tích và tổng hợp nên luôn gặp khó khăn về phát triển nghề nghiệp. Việc nợ quá nhiều môn, tốt nghiệp không đúng hạn, thậm chí không thể tốt nghiệp thì dù lý do là gì, với tôi cũng đều là thể hiện sự thiếu trách nhiệm”.


Theo ông Hiếu, một bạn trẻ thiếu trách nhiệm với chính việc học tập của bản thân thì cũng sẽ thiếu trách nhiệm như vậy với nhiều công việc khác. “Còn nhớ vài năm trước có một bạn sinh viên ngành marketing được nhận vào thực tập tại Dân Trí Soft, về hình thức tốt, giao tiếp lưu loát nhưng tôi bất ngờ khi kỹ năng cứng của cậu ấy tệ đến mức khó tưởng. Chuyên ngành là marketing nhưng khi được hỏi quan hệ công chúng là gì cậu ấy còn mơ hồ, trả lời ấp úng. Doanh nghiệp không có nhiệm vụ đào tạo lại kiến thức cơ bản cho ứng viên, nên cậu ấy đã được cho kết thúc chương trình thực tập sớm”, ông Hiếu kể lại.


Kiến thức nền tảng rất quan trọng


Ông Hoàng Khải, Trưởng bộ phận Tuyển dụng Công ty cổ phần Đồng Tâm, cho rằng doanh nghiệp yêu cầu ứng viên có trải nghiệm và kinh nghiệm, không có nghĩa là sinh viên bỏ bê việc học, ra ngoài trải nghiệm dẫn đến nợ môn, thi lại quá nhiều và điều đó có nghĩa sinh viên chắc chắn sẽ bị hổng kiến thức.


“Chúng tôi đánh giá cao những bạn trẻ có nền tảng kiến thức tốt, nó được thể hiện phần nào ở trên bảng điểm. Nếu sinh viên có bảng điểm “lẹt đẹt” chứng tỏ ý thức và năng lực học tập còn thấp. Học giỏi mà trải nghiệm ít, kỹ năng không tốt, hoặc kỹ năng tốt, có kinh nghiệm nhưng điểm số quá thấp, thì chúng tôi đều không đánh giá cao. Với bạn nào vừa học giỏi vừa có trải nghiệm thì doanh nghiệp chấm ngay, vì họ sẽ là những nhân tố làm việc rất hiệu quả”, ông Khải cho hay.


Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhiều nhà tuyển dụng không coi trọng bằng cấp, nhưng khi đã nộp hồ sơ, họ vẫn nhìn vào bảng điểm để đánh giá một phần năng lực ứng viên. “Đặc biệt là họ nhìn vào điểm số của các môn liên quan đến công việc. Những môn đó nếu điểm quá thấp hoặc biết được ứng viên phải thi lại thì họ sẽ loại ngay. Việc đi làm để có kinh nghiệm, trải nghiệm không có nghĩa đó là lý do để bạn lý giải bảng điểm thấp của mình. Tôi biết có nhiều em sắp xếp thời gian rất hợp lý để đạt được cả hai, bằng cách lập kế hoạch trong khoảng thời gian nào thì tập trung vào việc nào nhiều hơn. Có thể tốt nghiệp chậm một chút nhưng vẫn đảm bảo kiến thức chuyên môn nền tảng và kỹ năng mềm”, tiến sĩ Nhân chia sẻ.


Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết doanh nghiệp muốn tuyển dụng ứng viên có đầy đủ tố chất, trong đó kiến thức nền tảng vẫn là yếu tốt cốt lõi và để có được kiến thức này đòi hỏi sinh viên phải có ý thức, trách nhiệm với việc học của mình.


Thạc sĩ Thoa phân tích: “Khi bạn có thành tích học tập tốt nghĩa là bạn có thái độ nghiêm túc trong học tập. Chính thái độ sẽ quyết định sinh viên có kiến thức và kỹ năng. Nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên những ứng viên có thái độ học tập tốt, vì điều đó có nghĩa trong công việc ứng viên cũng như vậy”.


Từ đó, về phía doanh nghiệp, ông Cao Trung Hiếu lưu ý: “Là một sinh viên thì việc trước tiên là nên tập trung vào việc học, đừng vì mải mê đi làm với mong muốn kiếm thật nhiều tiền mà ảnh hưởng đến việc học, gây nợ nhiều môn, thi lại thậm chí bị đình chỉ học. Các em nên cân nhắc thiệt hơn giữa việc học và việc kiếm tiền, cần biết rõ cái nào là quan trọng hơn cho mỗi giai đoạn cuộc đời để không ảnh hưởng tới tương lai của bản thân”.


Mỹ Quyên
Báo Thanh Niên

Link gốc: https://thanhnien.vn/gioi-tre/doanh-nghiep-quyet-khong-nhan-sinh-vien-diem-thap-hoac-no-nhieu-mon-1329458.html


Tin tuyển dụng thực tập sinh có lương của Dân Trí Soft


Hỏi: Công ty anh đăng thông báo tuyển dụng từ khi nào và đến nay đã nhận được bao nhiêu hồ sơ? Số lượng hồ sơ đạt yêu cầu có cao không?

Tại Dân Trí Soft, công ty mà tôi là người sáng lập và đang giữ vị trí điều hành, mỗi năm đều có chương trình tuyển dụng thực tập sinh có lương (6 triệu/tháng), có cả ở kỹ thuật lập trình phần mềm và sinh viên marketing - bán hàng - dịch vụ khách hàng. Từ tháng 12/2020 ở thông tin tuyển thực tập sinh Dân Trí Soft ghi rõ về yêu cầu "Học hành tử tế, không bỏ học lo làm giàu khi còn quá non gây nên hậu quả nợ môn nhiều, thi lại không vượt quá 30% chương trình học" để vừa giúp sàng lọc hồ sơ ngay bước đầu, vừa chỉ rõ tiêu chí để sinh viên muốn ứng tuyển hồ sơ. Từ khi ghi rõ yêu cầu như vậy số lượng hồ sơ ứng tuyển ít hơn một chút song bù lại hồ sơ chất lượng hơn rõ.

Hỏi: Khi đưa ra yêu cầu tuyển dụng khá lạ này, anh có nhận được những phản hồi như thế nào (từ đồng nghiệp, người lao động hoặc bạn bè)?

Khi tin tuyển dụng này được chia sẻ thì nhiều bạn bè của tôi thể hiện sự đồng tình, có lẽ chúng tôi đều có những trải nghiệm giống nhau khi làm việc với không ít ứng viên "bỏ học lo làm giàu khi còn quá non và gây hậu quả nợ môn nhiều" nên kỹ năng cứng (hard skill), kiến thức nền bị mất gốc mà doanh nghiệp không thể tái đào tạo điều căn bản này. Còn đại đa số ứng viên tiềm năng thì tỏ ra thú vị và không ít sinh viên tự tin ứng tuyển. 

Hỏi: Có ý kiến cho rằng, có nhiều trường hợp sinh viên khó khăn, họ phải vừa đi làm trang trải cuộc sống và vừa học. Do đó, kết quả học tập không cao hoặc nợ môn khá nhiều. Yêu cầu tuyển dụng như anh là khắt khe, không tạo cơ hội cho sinh viên. Anh nghĩ thế nào?

Bên cạnh đó cũng có ý kiến bình luận vào Facebook cá nhân của tôi "Có nhiều trường hợp sinh viên khó khăn, họ phải vừa đi làm trang trải cuộc sống và vừa học. Do đó, kết quả học tập không cao hoặc nợ môn khá nhiều. Yêu cầu tuyển dụng như anh là khắt khe, không tạo cơ hội cho sinh viên". Tôi thấu hiểu về ý kiến này, bởi bản thân tôi thời sinh viên cũng vừa học vừa làm để trang trải chi phí sinh hoạt. Tôi còn nhớ người thầy dạy môn quản trị chiến lược khi phát hiện tôi vắng mặt một buổi học, thầy đã nói thẳng mặt "Em có biết hôm nay em nghỉ học một buổi để đi làm kiếm được 10 đồng thì mai kia khi ra trường vì thiếu kiến thức nền tảng này mà em bỏ đi cơ hội kiếm được gấp trăm, gấp ngàn lần như vậy", tôi xin lỗi thầy và từ đó đã thay đổi về nhận thức giữa việc học và việc làm ở giai đoạn sinh viên. Vì vậy về góc độ doanh nghiệp cần ứng viên học hành tử tế, có trách nhiệm với việc học và theo kinh nghiệm quản lý nhân sự thì tôi thấy một con người thiếu trách nhiệm với chính việc học tập của bản thân thì cũng sẽ như vậy với nhiều công việc khác.

Việc một sinh viên mải mê đi làm bên ngoài với mong muốn kiếm thật nhiều tiền mà ảnh hưởng đến việc học, gây hậu quả nghiêm trọng là nợ nhiều môn, thậm chí không thể tốt nghiệp chắc chắn sẽ là điều đáng tiếc lớn trong cuộc đời mà không thể lấy lại được, vì tuổi trẻ đã qua đi. Là một người có trách nhiệm thì cần cân nhắc thiệt hơn giữa việc học và việc kiếm tiền trong giai đoạn sinh viên, cần biết rõ cái nào là quan trọng hơn, phải tự trả lời "làm việc này sẽ ảnh hưởng gì đến tương lai, làm cái này có gây hậu quả gì cho người thân?" rồi hãy bắt tay hành động.

Cao Trung Hiếu | Sáng lập và điều hành Dân Trí Soft


0 Nhận xét