Đa số, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều đã trả lời là khởi nghiệp bắt đầu từ một ý tưởng (idea). Hầu như sách vở, tài liệu nào cũng nói vậy. Và các lớp hướng dẫn, đào tạo, chia sẻ về khởi nghiệp cũng đều nói vậy. Tôi vừa đọc một cuốn sách về khởi nghiệp, tác giả cũng viết: “Đã khởi nghiệp thì dù là ai cũng sẽ bắt đầu bằng ý tưởng”. Riêng tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ vậy!
Ý tưởng thì nhiều lắm, biết bao nhiêu mà kể. Mỗi ngày, trong đầu tôi có thể có vài chục ý tưởng khởi nghiệp. Có khi, cứ mỗi 5, 10 phút, trong đầu tôi lại lóe lên một ý tưởng (muốn mở ra kinh doanh cái này, cái kia…). Và tôi tin, ở nhiều bạn khác cũng vậy - ý tưởng cứ xuất hiện liên hồi. Đó mới là vấn đề!
Vấn đề của khởi nghiệp (cũng như của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã lớn mạnh) không phải ở chỗ thiếu ý tưởng, mà là có quá nhiều ý tưởng. Ý tưởng để làm gì, đem lại điều gì? Có thể nhiều bạn trẻ sẽ trả lời, từ ý tưởng mới hiện thực hóa ý tưởng chứ! Đúng vậy! Nhưng từ đâu có ý tưởng, hay ý tưởng xuất phát từ đâu mới là vần đề quan trọng!
Tôi cho rằng, khởi nghiệp không phải bắt đầu từ ý tưởng, mà bắt đầu bằng sự QUAN SÁT, quan sát hết sức cẩn trọng. Quá trình quan sát này có thể mất nhiều tháng, nhiều năm trước khi phát sinh một hay vài ý tưởng mà tôi gọi là những “ý tưởng mặt đất”, tức không phải trên trời.
Quan sát gì? Quan sát môi trường kinh doanh, quan sát thói quen, hành vi tiêu dùng; quan sát sản phẩm, thị trường; quan sát cách thức vận hành của các doanh nghiệp lớn, nhỏ; và quan sát ý tưởng của những người khởi nghiệp khác...
Khởi nghiệp từ một ý tưởng thiếu quan sát (và thiếu nghiên cứu) là một khởi nghiệp tồi. Đó cũng là lý do hơn 90% những người khởi nghiệp thất bại. Và tôi cũng muốn nhắc lại, vấn đề không phải ở chỗ ta thiếu ý tưởng, mà ở chỗ ta có quá nhiều ý tưởng! Bạn nghĩ sao?
Chia sẻ từ anh Nguyễn Hữu Long - sáng lập group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt