Một học viên MBA tâm tư, em 15 năm làm cho tập đoàn của châu Âu, lương ổn định. Rồi chỉ sau một cuộc điện đàm, họ bảo do điều kiện kinh doanh thay đổi, chúng tôi không thể tiếp tục có anh, 15 phút nữa anh rời khỏi công ty, tiền đền bù chúng tôi đã chuyển vào TK. Đúng 15 phút sau, em không truy cập hệ thống máy tính được nữa. Em sốc thật sự. 40 tuổi phải ra ngoài, làm nhân viên thì quá già, làm quản lý không dễ xin, giờ đang tìm hướng đi.
Một kỹ sư 38 ôm cần câu bảo, giờ em chỉ còn niềm vui cuối tuần là đi câu, chứ em chán lắm rồi. Hơn chục năm đi làm cho công ty Nhật trong KCN, giờ họ cho em nghỉ, thì không biết phải làm gì.
Tương tự với một kỹ sư xây dựng hơn 40, mà vẫn nghĩ là càng ở lâu sẽ càng có giá. Nhưng công ty thông báo là kiến thức và kỹ năng bị cũ, không phù hợp vị trí công tác và công nghệ mới của công ty.
Đây là những câu chuyện điển hình mà tôi hay gọi là hội chứng thất nghiệp ở tuổi 35-40. Hiện tượng khá phổ biến trên thế giới với tâm lý tự mãn với hiện tại, có xuất phát điểm thuận lợi, nhưng khi môi trường biến động và thay đổi nhanh, không thích ứng kịp.
Để thích ứng với tương lai, TS Harari tác giả 3 cuốn sách kinh điển cho TK21, cho rằng: các cá nhân và tổ chức không đơn thuần là học cái mới, đưa ra ý tưởng mới, mà phải liên tục tự làm mới để thích ứng.
Không chỉ học theo chuyên môn nghề nghiệp, mà mỗi người mỗi tổ chức, phải liên tục học hỏi những kỹ năng và kiến thức mới, nhằm tối ưu hiện tại, sẵn sàng chuẩn bị cho tương lai, và cả những lĩnh vực mới hay nghề nghiệp mới, theo phương thức: 70 : 20 : 10
Vị thế của mỗi người sẽ liên tục biến động, giá trị phụ thuộc vào sở hữu và học hỏi những kiến thức và kỹ năng sẽ được trả cao trong tương lai.
Sự thay đổi và biến động là thách thức hay cơ hội, phụ thuộc vào chất lượng chuẩn bị, khả năng tự làm mới, của cá nhân và tổ chức, để vượt qua hội chứng: thất nghiệp ở lưng chừng lộ trình.
Chia sẻ từ anh Đỗ Tiến Long