Sống chậm hay đói mau?

Sáng nay tôi chạy xe qua cầu Bình Lợi và nhìn thấy trên thành cầu có lót một tờ báo, phía trên có bát nhang, bó hoa cúc, giấy vàng bạc, tôi hiểu đêm qua đã có một người gieo mình xuống đó. Báo chí cho biết trong 3 ngày liên tiếp (21, 22, 23.6) đã có 3 vụ nhảy sông Sài Gòn. Tất cả đều là đàn ông, hiện mới tìm được 2 thi thể.

Trong xóm lao động mà tôi ngụ cư gần 20 năm nay, các cuộc "chiến tranh gia đình" tăng một cách đột biến.

Liệu đó có phải là hậu quả dây chuyền từ bóng ma dịch cúm tại thành phố này khi họ hoàn toàn bế tắc với câu hỏi bổn phận, trách nhiệm hoặc do các xung đột khác?

Những người hay "lý tưởng hóa" viết trên báo rằng đại dịch cũng là cơ hội cho chúng ta "sống chậm" hơn, yêu thương gia đình hơn. Nghe thì rất "nhân văn" nhưng có lẽ họ là một loài khác, loài không quan tâm rằng phần lớn người lao động không biết "sống chậm" là cái gì, bởi mỗi sáng họ phải lao ra đường kiếm sống. Và khi bị nhốt trong nhà, đồng nghĩa với... đói mau!

Cuộc sống bị đảo lộn, nhà cửa chật hẹp, thất nghiệp, mất thu nhập nhưng tiền điện nước cũng phải trả, gạo thịt cũng phải mua... Không phải ai cũng có thể nhìn nhau thân thiện trong hoàn cảnh này, dù là vợ chồng con cái, nhất là những người lao động bình dân.

Cách ly, phong tỏa để chống dịch là đúng, nhưng cái đúng hơn là hãy tự hỏi và trả lời: dân nghèo có tiền để sống nữa không sau gần 2 năm lao đao vì đại dịch?

Chia sẻ nhà văn Nguyễn Đình Bổn

Ảnh Sài Gòn và người nghèo


0 Nhận xét