Vậy là tổng đài đã đi vào hoạt động, tỉ lệ cuộc gọi đến được bác sĩ đã tăng lên đáng kể. Một điều mừng là tham gia trên tổng đài không chỉ các bác sĩ nơi các điểm nóng của Sài Gòn mà còn rất nhiều các bác sĩ từ Hà Nội, Thanh Hóa, Gia Lai... cho đến tận mũi Cà Mau.
Nhóm tổng đài mình luôn trân trọng sự đóng góp của các bác sĩ khi các bác sĩ dành thời gian quý báu của mình để hỗ trợ bệnh nhân trong giai đoạn dịch Covid-19, làm tận tâm và hoàn toàn miễn phí. Trước khi các bác sĩ online nhận cuộc gọi ở hệ thống tổng đài, nhóm kết nối tổng đài mình luôn nhắn các bác 2 điều:
1. Bác sĩ chuẩn bị tinh thần ạ, vì cuộc gọi sẽ chuyển vào nhiều lắm.
2. Bệnh nhân họ lo lắng quá mức nên các bác sĩ thông cảm cho, vì trong hoàn cảnh như vậy thì cũng không trách họ được, một thời điểm quá nhạy cảm về y tế và dịch bệnh.
Chúng tôi vui mừng cùng các bác sĩ khi bác ấy báo có ca được xử lý kịp thời qua hệ thống tổng đài kết nối, chúng tôi nghẹn lời khi một ca không qua khỏi.
Một ca bệnh được xử lý kịp thời qua hệ thống tổng đài được bác sĩ chia sẻ |
Nhưng rồi các bác sĩ phản ánh lại “Em à, có cách nào không, các bạn gọi tổng đài quậy quá. Nhiều khi gọi vào nhánh cấp cứu mà toàn hỏi chuyện linh tinh gì đâu. Nào là em chích ngừa về chỗ chích bị ngứa có sao không bác sĩ…?; em mấy nay ăn mì tôm bị nóng cổ, trào ngược dạ dày..., rồi cả việc em thấy đăng tin mạnh thường quân cho tiền làm sao em nhận được? .v.v… Các bác sĩ không stress vì ca bệnh khó mà đang rất stress vì những thông tin "quậy tổng đài" như vậy.”
Tai sao lại vậy nhỉ, tại sao có người lại sử dụng đường dây cấp cứu thiện nguyện vào những điều vô bổ như vậy được nhỉ? Chúng tôi chỉ biết động viên nhau để cùng cố gắng tìm cách tháo gỡ từ từ, cũng là tất cả vì bệnh nhân thân yêu.
Những con số thống kê bằng phần hệ thống tổng đài ở ảnh dưới gợi lên điều gì trong bạn? Đằng sau mỗi cuộc gọi liên tục không kết nối được trên nhánh cấp cứu, đó có thể là:
- Lời cầu cứu trong vô vọng của người con cho cha mẹ, người chồng cho vợ để cầu mong được kết nối được các bác sĩ trong trường hợp khẩn cấp, mạng sống chỉ là thoáng qua trong phút giây.
- Hoặc đó cũng có thể là một cuộc gọi để hỏi về vết xưng tấy trên bắp tay sau khi chích ngừa, làm sao để hết xưng và vết thương liền xẹo. Em có xuất được tiêm vaccine nhưng em lo sợ nguy hiểm, bác sĩ cho em lời khuyên...
- Hay tiền từ thiện em nhận ở đâu, em làm sao để nhận được tiền từ thiện...
- v.v…
Thống kê danh sách cuộc gọi vào tổng đài của nhóm Giúp nhau mùa dịch |
Các bạn ạ, trên tổng đài đều là những bác sĩ tận tâm, có lòng tốt vô bờ bến, các bác sĩ muốn thông qua tổng đài để đưa ra được lời khuyên, lời chỉ dẫn hoặc có thể là một lời an ủi cho những bệnh nhân thực sự cần. Nếu các bác sĩ phải nghe quá nhiều cuộc gọi vô ích thì thật có lỗi với các bác sĩ, đồng thời chính sự vô tư, tò mò, nghịch ngợm của những người "quấy rối tổng đài" cũng đang đánh cắp cơ hội được sống của những bệnh nhân khác trong thời khắc sinh tử - đó được xem là tội ác ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 này, ông trời luôn có mắt vì "lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt" là vậy.
Nguồn lực các bác sĩ trên đài là hữu hạn, vì vậy các bạn xin hãy dành nguồn lực vàng này cho những ca khẩn cấp và cho những bệnh nhân thực sự cần.
Cầu mong ai trong chúng ta cũng đủ rộng lượng, đủ bao dung, đủ xẻ chia để cùng nhau bước qua đại dịch.
Giới thiệu về hệ thống tổng đài tư vấn miễn phí